Luồng lạch khan cạn, kinh phí đầu tư cho công tác nạo vét chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và phương tiện lớn có mớn nước vượt quá độ sâu luồng chạy tàu cộng với chở quá tải gây ách tắc cục bộ trên tuyến sông Hồng (khu vục Hà nội) đã và đang trở thành nỗi lo cho các phương tiện vận tải thuỷ khi đi qua tuyến này....
Tuyến sông Hồng giáp với tuyến sông miền núi do đó ảnh hưởng rất lớn của lũ và xả nước đập Hoà Bình, mặt khác lòng sông rộng dẫn đến chế độ dòng chảy phức tạp về mùa cạn, luồng chạy tàu thay đổi đột ngột (anh em trong ngành thường gọi đây là luồng du đãng). Về mùa lũ độ dốc mực nước lớn ảnh hưởng rất lớn tới vận tải nhất là tại các vị trí cầu có khoang thông thuyền hẹp như cầu Long Biên và cầu Đuống, mực nước thượng và hạ lưu cầu chênh nhau 0,5 m ảnh hưởng rất lớn đến phương tiện qua cầu đặc biệt là phương tiện đi ngược thường xảy ra tai nạn hàng năm.Tuyến sông chảy qua thành phố lớn đông dân cư, ý thức của người dân địa phương cũng như người tham gia giao thông đường sông còn hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến an toàn trong vận tải đường thuỷ.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng rất lớn đến vận tải thuỷ đó là mực nước trên sông những năm gần đây rất cạn kiệt, cụ thể theo báo cáo của Công ty Cổ phần QLĐS số 6, năm 2004 mực nước thấp nhất là 1,95m; năm 2005: 1,46m; 2006: 1,28m;2007:1,10m ; 2008: 0,79m; 2009: 0,91m.Tình trạng trên đã làm cho luồng lạch chạy tàu bị thu hẹp và đẩy nguy cơ ách tắc cục bộ lên cao; Đặc biệt là các bãi bồi ngầm như Bắc Biên, Phú Viên, Phú Thượng, khu vực giữa cầu Long Biên và Chương Dương. Những bãi cạn này đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mắc cạn cho các phương tiện.
Trên tuyến sông có nhiều vùng nước xoáy nguy hiểm cho phương tiện vận tải như Cao Đại, Bá Giang, Phú Thượng....vv Ngoài ra, trên tuyến có nhiều công trình như: 7 cầu vượt sông (7cầu nằm trên Hà Nội cũ) hơn 100 kè chỉnh trị và kè thuỷ lợi, 07 đường điện vượt sông, 111 bến thuỷ nội địa, 9 cảng, 49 bến khách.... Đây cũng là những yếu tố tác động lớn đến tình hình an toàn giao thông.
Những năm gần đây trong quá trình phát triển của đất nước thì giao thông nói chung và giao thông đường thuỷ nói riêng cũng phát triển không ngừng.Trước đây trên tuyến sông Hồng qua khu vực Hà Nội chỉ là những đoàn kéo đẩy có trọng tải 600 tấn - 800 tấn và phương tiện tự hành từ 100 tấn - 250 tấn với chiều sâu mớn nước T c = 1,5m là chủ yếu, nay các phương tiện tự hành có trọng tải từ 300 tấn - 1000 tấn với chiều sâu mớn nước từ 1,8 - 2,5m thậm chí có phương tiện mớn nước 2,7 - 3,0 m lưu hành trên tuyến. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, mật độ phương tiện tăng hàng năm từ 6 % đến 8 % ; số tấn phương tiện tăng hàng năm bình quân 14-18%.Trong khi thực tế tuyến tận dụng điều kiện thiên nhiên là chủ yếu, vì kinh phí hạn hẹp tại ví trí nạo vét với chuẩn tắc chiều sâu bằng 2,5m B = 40m ứng với mức nước thiết kế là 1,8m tại Hà Nội trong khi thực tế mức nước thấp hơn nhiều. Hơn thế nữa, ý thức người điều khiển phương tiện còn rất nhiều hạn chế, số lượng người điều khiển không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn cao, phương tiện không đảm bảo an toàn giao thông vẫn lưu thông.....nên đã xảy ra nhiều vụ TNGT đáng tiếc, nếu năm 2005 trên tuyến sông xảy ra 7 vụ TNGT thì đến năm 2008, con số này lên tới 11 vụ.
Mặc dù nguy cơ xảy ra TNGT và ùn tắc giao thông trên tuyến vẫn đang diễn ra trong mùa nước kiệt, đòi hỏi nỗ lực của cơ quan quản lý luồng tuyến. Tuy nhiên nguồn kinh phí giành cho nạo vét luồng lạch trên tuyến đang bị hạn hẹp, nếu như năm 2004 khối lượng được duyệt nạo vét trên tuyến là 32 nghìn m3, đến năm 2008 chỉ còn 24 nghìn m3. Trong khi đó, với chuẩn tắc luồng H = 2,5m. Bl = 40m, để đảm bảo giao thông thông suốt hàng năm cần nạo vét hơn 100.000 m3.
Để phòng tránh vấn nạn ách tắc giao thông trên tuyến sông Hồng, các chủ và người điều khiển phương tiện hãy chấp hành nghiêm chỉnh các thông báo luồng và sự hướng dẫn của đơn vị quản lý Đường thuỷ nội địa. Đồng thời, Bộ giao thông vận tải cần có cơ chế đặc thù cho công tác đảm bảo GTĐTNĐ khi xử lý sự cố khẩn cấp như khan cạn cần điều tiết giao thông, nạo vét luồng, thanh thải CNV khi chưa có kế hoạch vốn đầu tư đầu năm. Hiện tại muốn thực hiện phải báo Bộ GTVT và tài chính đồng ý mới được triển khai trong khi công việc cần triển khai ngay. Có như vậy mới giải quyết được nguy cơ ách tắc giao thông cục bộ trên khúc sông này.
ĐT (Sưu tầm)