Năm 2007, tình hình TNGT tiếp tục diễn biến phức tạp, thiệt hại do TNGT tiếp tục tăng. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATGT không vì thế mà không có những thành công mới.
Nghị quyết 32/2007/NQ-CP đã và đang tạo tiền đề hết sức quan trọng, từ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, triển khai thực hiện có hiệu quả của các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương đã tác động tích cực đến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật ATGT của người tham gia giao thông.
Chỉ đạo quyết liệt
Năm 2007, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo sát sao công tác bảo đảm trật tự ATGT thông qua các chỉ thị, nghị quyết, quyết định và công điện, đôn đốc các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Nghị quyết 03/2007/NQ - CP của Chính phủ về mục tiêu pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2007, trong đó đặc biệt chú trọng giải pháp hạn chế TNGT và Quyết định số 128/QĐ-TTg về chỉ tiêu giao các tỉnh từ Trung ương đến địa phương về giảm số thiệt hại về người do TNGT năm 2007.
Thực tế, trong những tháng đầu năm 2007, tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp, TNGT gia tăng, nhất là hiện tượng xe container, xe khách liên tỉnh đường dài gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.
Từ thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 256/CĐ - TTg, phê bình nghiêm khắc các địa phương để xảy ra nhiều TNGT trong dịp Tết Đinh Hợi... Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông.
Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, tình hình trật tự ATGT trong cả nước đã có bước chuyển biến, nhất là TNGT có chiều hướng giảm liên tục, các vụ TNGT nghiêm trọng giảm hẳn.
Chuyển biến nhận thức
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/3007/NQ-CP vè một số biện pháp cấp bách nhằm kiểm chế TNGT, chống ùn tắc giao thông, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai kịp thời các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT.
Cụ thể, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã kiểm tra và làm việc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT; kiểm tra và xử lý trực tiếp những bất cập như giải quyết điểm đen, tổ chức giao thông, hỗ trợ TTKS, xử lý vi phạm, tuyên truyền ở các địa phương TNGT tăng cao.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các Bộ ngành, các tổ chức đoàn thể và Ban ATGT 64 các tỉnh, thành phố tổ chức Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ nhất tại Việt Nam, được nhân dân hưởng ứng và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Uỷ ban ATGT Quốc gia có Kế hoạch 272/UBATGTQG, tham mưu cho Chính phủ về chỉ đạo, triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội MBH khi đi môtô xe gắn máy; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các Bộ ngành và địa phương thực hiện 7 giải pháp của Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, nhất là các giải pháp về tuyên truyền, cưỡng chế và thực hiện quy định đội MBH.
Cùng đó, trong tháng 9/2007, Uỷ ban ATGT đã thành lập 8 Đoàn công tác liên ngành kiểm tra đôn đốc việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP tại 23 địa phương. Đồng thời, tổ chức 2 đợt tuyên truyền chuẩn bị cho việc thực hiện bắt buộc đội MBH (15/9 và 15/12/2007), đã phát hành áp phích, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn lái xe an toàn; Nghị định số 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Phối hợp với Bộ GTVT mở diễn đàn trên báo, đài truyền hình với chủ đề Hãy góp phần giảm thiểu TNGT, Phòng chống TNGT - Thái độ của bạn, Hãy nói không với vi phạm an toàn giao thông được đông đảo các bạn đọc hưởng ứng và góp ý kiến.
Có thể khẳng định việc triển khai Nghị quyết 32/2007/NQ - CP đã huy động được tổng lực cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cùng với ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ: GTVT, công an, GD&ĐT, VH - TT, Quốc phòng Tài chính; các tổ chức xã hôi, đoàn thể như ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đều có kế hoạch và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP trong phạm vi, đơn vị, địa bàn quản lý.
Kết quả của các hoạt động kể trên biểu hiện rõ nhất ở việc quy định bắt buộc đội MBH đối với người ngồi trên môtô, xe gắn máy đã thực hiện thành công bước đầu trên phạm vi toàn quốc. Điển hình, là hai thành phố lớn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, tỷ lệ người tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy đội MBH đạt 99% và trên các tuyến quốc lộ đạt 100%.
Đồng thời, theo báo cáo nhanh của nhiều bệnh viện trên cả nước, số ca vào viện cấp cứu do TNGT cũng giảm và tỷ lệ người bị chấn thương sọ não giảm rõ rệt. Có được kết quả trên, cho thấy tính hiệu quả của sự vào cuộc tích cực từ các bộ, ban, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp.
Đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền thường xuyên liên tục rộng khắp, với nhiều hình thức (tờ rơi, áp phích, ca nhạc, thông điệp...) tới quần chúng nhân dân. Các cơ quan thông tin báo, đài đã tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền, phản ánh về công tác bảo đảm trật tự ATGT, đã tạo ra khí thế và bước chuyển biến tích cực trong nhân dân về ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT.
Một số kết quả bước đầu
Công tác TTKS, xử lý vi phạm trật tự ATGT được Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát tập trung chỉ đạo lực lượng CSGT, CSTT tăng cường TTKS, xử lý nghiêm vi phạm ATGT. Các lực lượng đã mở 5 đợt cao điểm thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc. Để khắc phục việc thiếu lực lượng TTKS xử lý vi phạm giao thông, Bộ Công an đã kịp thời có chỉ thị chỉ đạo công an xã, thị trấn tham gia bảo đảm trật tự ATGT.
Đến nay đã có 52/64 tỉnh, thành phố đã huy động lực lượng này trở lực lượng tích cực, trở thành một trong những động lực bảo đảm trật tự ATGT từ cơ sở. Lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra xử lý gần triệu trường hợp vi phạm pháp luật ATGT, tăng gần 24% so với năm 2006.
Công tác quản lý, vận tải, đào tạo, cấp GPLX được Bộ GTVT tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra, các cơ sở đào tạo, từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời như: Đề án "Tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe ôtô"; bổ sung, sửa đổi quy định quản lý bến xe; quản lý tuyến vận tải cố định vận tải khách theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch; quy định vận chuyển khách bằng taxi; quy định về thẩm định ATGT đường bộ và ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương tổng điều tra phương tiện và người lái phương tiện thuỷ nội địa.
Đoàn thanh tra của Bộ GTVT kiểm tra công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe tại 38 cơ sở đào tạo lái xe ôtô và Ban sát hạch của 20 Sở Giao thông vận tải; Đoàn kiểm tra đã đình chỉ tuyển sinh 01 cơ sở đào tạo lái xe, giảm lưu lượng đào tạo 2 cơ sở, thu hồi 12 giấy chứng nhận xe tập lái, 27 giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, kiểm điểm xử lý sát hạch viên tại 9 Ban sát hạch, nâng cao chất lượng đào tạo.
Năm qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã xử lý được 134 "điểm đen" TNGT. Qua theo dõi tình hình TNGT tại các "điểm đen" đã được xử lý, đa số không còn xảy ra tai nạn, giảm ùn tắc. Công tác tổ chức giao thông được quan tâm, thường xuyên khảo sát, điều chỉnh các bất hợp lý trên các tuyến quốc lộ trọng điểm như, bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu lồi cho đoạn đường đèo dốc, cong cua nguy hiểm.
Cục đã chỉ đạo, các đơn vị kiểm tra, thống kê, đánh giá toàn bộ hệ thống cầu, đường trên các tuyến quốc lộ để lập kế hoạch nâng cấp, cải tạo, sửa chữa bảo đảm ATGT (đã thống kê được 344 cầu yếu và 480 vị trí đèo dốc nguy hiểm trên quốc lộ). Đến hết năm 2007 đã hoàn thành làm mới 20/32 cầu yếu ưu tiên giai đoạn 1.
Cùng đó, năm 2007 cũng ghi nhận những kết quả trong công tác quản lý chất lượng phương tiện, bảo vệ hành lang giao thông, chấn chỉnh hoạt động vận tải, nhất là công tác điều tra xét xử các vụ án về TNGT. Do thực hiện tốt phân công, phân cấp trong hoạt động điều tra giải quyết vụ án TNGT, nên kết quả điều tra đạt trên 41%, truy tố, xét xử đạt trên 90% số vụ TNGT nghiêm trọng.
Tất cả các hoạt động trên, bước đầu khẳng định hiệu quả của sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, công tác triển khai tốt các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp đã tác động mạnh đến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Vì thế, cuộc vận động thực hiện quy định đội MBH trên tất cả các tuyến đường sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu. Kết quả của nó tạo cơ sở và tiền đề cho công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2008.
Văn Huế