 |
Người dân mua mũ bảo hiểm
tại một cửa hàng ở Hà Nội. |
– Ðể giảm thiểu thiệt hại về người do TNGT có liên quan đến xe máy gây ra, một trong những biện pháp hữu hiệu là vận động tiến tới bắt buộc đội MBH khi điều khiển và ngồi trên xe máy.
Theo số liệu của Ủy ban ATGT quốc gia, đến nay cả nước đã đăng ký hơn 20 triệu xe mô-tô, xe gắn máy. Ðây là loại phương tiện thông dụng, có tính cơ động cao trong cự ly gần, thuận tiện và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân từ thành thị đến nông thôn, nhất là khi các phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được. Ði liền với xe máy, là vấn đề mũ bảo hiểm (MBH) cho người ngồi trên xe.
Ði đôi với mặt tích cực, phương tiện mô-tô, xe gắn máy còn là "nguồn nguy hiểm cao độ" khi tham gia giao thông. Cũng theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, có tới hơn 70% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra có nguyên nhân liên quan tới xe máy. Trong các chấn thương do TNGT có liên quan đến xe máy, chấn thương sọ não chiếm khoảng hai phần ba và tỷ lệ tử vong rất cao, nếu thoát chết cũng mang di chứng nặng nề hoặc tàn phế cho người bị nạn.
Hiện chưa có báo cáo thống kê đầy đủ về chấn thương sọ não do TNGT trong phạm vi toàn quốc, nhưng chỉ ở hai Bệnh viện Việt-Ðức (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), mỗi năm đã cấp cứu hàng chục nghìn ca TNGT, trong đó phần lớn là chấn thương sọ não. Chi phí cho mỗi ca mổ cấp cứu chấn thương sọ não lên đến hàng chục triệu đồng...
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm ở nước ta tốn tới gần 900 triệu USD cho chi phí cứu chữa nạn nhân bị TNGT. Số người chết do TNGT ngày càng tăng: Năm 2006 tăng 883 người chết do TNGT đường bộ so với năm 2005, sáu tháng đầu năm 2007 tăng 408 người chết so với cùng kỳ năm 2006.
Ðể giảm thiểu thiệt hại về người do TNGT có liên quan đến xe máy gây ra, một trong những biện pháp hữu hiệu là vận động tiến tới bắt buộc đội MBH khi điều khiển và ngồi trên xe máy. Ðây là một giải pháp mà hầu hết các nước trên thế giới đã đưa vào luật.
Cơ quan Tổng kiểm toán Hoa Kỳ (GAO) đã xem xét và kiểm tra 46 công trình khảo sát và kết luận rằng MBH giảm tử vong cho người điều khiển xe mô-tô từ 20 đến 40%, tương đồng với tác dụng của mũ khi va chạm. Người sử dụng MBH ban đầu có khó chịu vì thói quen, nhưng nếu nhận thức được lợi ích của nó thì sẽ dần thích nghi, trở thành thói quen mới và sẽ cảm thấy không thể thiếu MBH khi ngồi trên xe máy.
Ở nước ta, quy định bắt buộc đội MBH khi đi mô-tô, xe gắn máy đã có từ năm 1995, được ghi rõ tại khoản C Ðiều 34 Nghị định 36/CP của Chính phủ. Tuy nhiên, mặc dù có quy định như vậy, nhưng Chính phủ chưa quy định chế tài, tức là mức phạt đối với những người vi phạm, nên các lực lượng làm nhiệm vụ chỉ nhắc nhở. Năm 2000, Chính phủ đã có cuộc họp với Chủ tịch UBND 61 tỉnh, thành phố trong cả nước về chuyên đề bảo đảm TTATGT và yêu cầu phải khẩn trương thực hiện việc bắt buộc đội MBH khi đi xe máy để hạn chế thiệt hại về người do TNGT.
Ngày 27-4-2001, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 08/2001/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp hạn chế TNGT, trong đó nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Chính phủ về bắt buộc đội MBH khi đi xe mô-tô, xe gắn máy. Ngày 16-5-2001, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư hướng dẫn đội MBH khi đi xe mô-tô, xe gắn máy. Tại kỳ họp thứ 9, QH khóa X đã ban hành Luật Giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2002). Ðiều 28 (khoản 2) của luật quy định: Việc đội MBH đối với người ngồi trên xe mô-tô hai bánh, xe mô-tô ba bánh, xe gắn máy do Chính phủ quy định.
Ngày 19-2-2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2003/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ, có quy định: Người điều khiển, người ngồi trên xe mô-tô hai bánh, xe mô-tô ba bánh, xe gắn máy phải đội MBH khi đi trên các tuyến đường bộ quy định phải đội MBH... Nghị định số 152/2005/NÐ-CP ngày 15-12-2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tại khoản 2 Ðiều 13 nêu rõ: Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy không đội MBH khi đi trên đường quy định phải đội MBH. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị tạm giữ phương tiện ba ngày...
Năm 2006, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 593.913 trường hợp vi phạm quy định về đội MBH; sáu tháng đầu năm 2007 xử lý 214.328 trường hợp vi phạm không đội MBH. Do vậy, tỷ lệ người đi xe máy không đội MBH theo quy định đã giảm... Nhưng do lực lượng mỏng, chưa quán xuyến hết địa bàn; người đi xe máy chưa tự giác chấp hành, có nhiều biện pháp đối phó như thấy CSGT kiểm tra thì quay đầu xe, dừng lại chờ hoặc đi theo đường khác, thậm chí thuê MBH để tránh bị kiểm tra, xử lý...
Người tham gia giao thông đưa ra nhiều lý do để chưa đội MBH, như: bất tiện, cản trở tầm nhìn, tai nghe, thời tiết nóng bức, hình thức không hợp, không có nơi cất giữ mũ, đi trên đoạn đường ngắn gần nhà, mới bắt buộc đội MBH trên một số tuyến đường quy định, việc xử lý chưa thường xuyên và mức phạt tiền còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe...
Như vậy, rõ ràng chủ trương đội MBH khi đi trên xe máy mà Chính phủ đề ra chưa thật sự đi vào cuộc sống do nhiều lý do chủ quan và khách quan. Chính vì vậy, số người chết do TNGT có liên quan đến xe máy trong thời gian qua đã gia tăng đáng lo ngại.
Ðể bảo đảm TTATGT và giảm thiểu số người chết do TNGT gây ra, ngày 29-6-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông. Trong đó quy định: Từ ngày 15-9-2007, người đi mô-tô, xe gắn máy trên các quốc lộ bắt buộc phải đội MBH và từ 15-12-2007, bắt buộc đội MBH trên tất cả các tuyến đường.
Ðây là một chủ trương đúng và cấp thiết nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho nhân dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Ðể chủ trương bắt buộc đội MBH theo lộ trình trên của Chính phủ đi vào cuộc sống, các ngành, các cấp, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội cả nước cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, kiên quyết, tuyên truyền vận động để mọi người dân thấy được tác dụng của việc đội MBH và tự giác thực hiện, hình thành thói quen đội MBH mỗi khi đi xe máy để bảo vệ chính mình.
(Theo Nhân Dân)