Đầu tư lớn cho giao thông
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Tiến Phương cho biết, Tây Nguyên có nhiều thế mạnh thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thuận lợi lớn nhất đó là giao thông đã được đầu tư lớn. “Thông thương với Tây Nguyên hiện có hai trục chính là đường bộ và đường không. Đường bộ có hai tuyến chính là đường Hồ Chí Minh và QL20. Ngoài ra, có ba cảng hàng không là Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai)”, ông Phương nói.
Tuy nhiên, theo ông Phương, hạn chế của vùng Tây Nguyên là không có đường sắt, cho nên đường bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đường bộ kết nối với các tỉnh đồng bằng và các cảng biển lớn, cũng như thông thương với hai nước Lào và Camphuchia qua hai cửa khẩu lớn là Bờ Y và Lệ Thanh.
Theo Bộ GTVT, trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay, vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng nhất, với hệ thống đường bộ dài khoảng 32.220 km. Trong đó, quốc lộ có tổng chiều dài khoảng 2.100 km, bao gồm: Hai trục dọc đường Hồ Chí Minh, QL14C chạy dọc biên giới; các tuyến quốc lộ ngang gồm các QL19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 40, 40B và 55... Ngoài ra, còn có đường Trường Sơn Đông dài khoảng 670 km. Về hàng không, Tây Nguyên có ba cảng hàng không Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Pleiku. Mạng lưới giao thông vùng Tây Nguyên phân bổ tương đối hợp lý, kết nối thuận lợi các tỉnh Tây Nguyên với vùng Duyên Hải miền Trung, vùng Đông Nam bộ, cũng như đến các cửa khẩu quốc tế Lào - Campuchia, các cảng biển quan trọng.
Trên cơ sở Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2011 - 2020, Bộ GTVT đã phê duyệt “Phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Đây là căn cứ, định hướng quan trọng để đầu tư, phát triển các công trình giao thông quốc gia và địa phương một cách đồng bộ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng các đại biểu tham dự
Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3
Bộ GTVT cũng cho biết, tổng số vốn đã bố trí và huy động cho các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ khu vực Tây Nguyên giai đoạn năm 2011 - 2015 khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch năm 2016 - 2020, dự kiến cần huy động khoảng 65 nghìn tỷ đồng nữa để đầu tư đồng bộ các đoạn tuyến còn lại.
Giao thông thuận lợi, giảm chi phí vận chuyển
Ông Hoàng Văn Trung, Giám đốc Công ty CP BOT Quang Đức, cho biết: “Đường Hồ Chí Minh hoàn thành, doanh nghiệp ông cũng có nhiều đối tác đến hợp tác đầu tư hơn. Các doanh nghiệp tính toán thời gian họ vận chuyển hàng hóa từ Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh nhanh hơn trước, chỉ mất khoảng 2/3 thời gian, tiết kiệm kinh phí không hề nhỏ”.
Tại hội nghị có 13 doanh nghiệp ký kết thực hiện 13 dự án với tổng mức đầu tư trên 16.600 tỉ đồng. Ngoài ra có 8 ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng đầu tư vốn với 17 doanh nghiệp thuộc 16 dự án. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay dài hạn với số tiền khoảng 15 nghìn tỉ đồng để tập trung sản xuất các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn Tây Nguyên.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng ký kết hợp đồng BOT xây dựng QL26 và các tuyến đường địa phương. Dự kiến, thời gian tới ngành GTVT sẽ xây dựng thêm tuyến đường cao tốc Liên Khương (Lâm Đồng- Dầu Giây (Đồng Nai) tạo điều kiện thuận lợi nhất để vận chuyển hàng hóa từ TP HCM và các tỉnh Nam Bộ lên Tây Nguyên.
|
Đại diện ngân hàng Liên Việt, đơn vị đầu tư cho dự án đẩy mạnh trồng cây mắc ca tại các tỉnh Tây Nguyên cũng hào hứng chia sẻ: “Giao thông thuận lợi, chi phí vận chuyển nông sản giảm khoảng 6%, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dự án sớm thành công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Tây Nguyên trong thời gian tới”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký
hợp đồng đầu tư BOT với nhà đầu tư trên địa bàn Lâm Đồng
Tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, nhờ thu hút đầu tư có hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, nên GDP bình quân đầu người khu vực này tăng từ 18,24 triệu đồng năm 2011 lên 23,08 triệu đồng năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống 11,22% (năm 2014).
Hội nghị lần này đã chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân và đề ra định hướng thu hút đầu tư vào Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Về nguồn vốn, bên cạnh việc đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên, cần tập trung vào nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA, FDI.
Xu hướng đầu tư vào Tây Nguyên giai đoạn tiếp theo được xác định là đẩy mạnh hợp tác, liên kết thu hút đầu tư và phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa Tây Nguyên với các địa phương của Lào và Campuchia trong khuôn khổ hợp tác xây dựng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông.
Vì thế, việc nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh và QL20, đồng bộ nâng cấp các tuyến đường khác tại địa bàn Tây Nguyên có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng Tây Nguyên.