Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo trồng lúa mùa, chăm sóc lúa hè thu và hoa màu. Tính đến ngày 15/7, cả nước đã gieo cấy được 997,1 nghìn ha lúa mùa, bằng 91,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 850,6 nghìn ha, bằng 91,8%, riêng vùng đồng bằng sông Hồng gieo cấy được 408,5 nghìn ha, bằng 90,3%; các địa phương phía Nam gieo cấy 146,5 nghìn ha, bằng 89,4%. Tiến độ gieo cấy lúa mùa năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước, chủ yếu do vụ lúa đông xuân năm 2016 tại các tỉnh phía Bắc thu hoạch chậm và do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới ở các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực Tây Nguyên.
Đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 2094,1 nghìn ha lúa hè thu, bằng 100,1% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 166,6 nghìn ha, bằng 102,4%; các địa phương phía Nam đạt 1927,5 nghìn ha, bằng 99,9%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1670,6 nghìn ha, bằng 99,8%. Một số địa phương do thiếu nguồn nước nên diện tích xuống giống giảm so với cùng kỳ năm trước: Tiền Giang giảm 5,6 nghìn ha; Sóc Trăng giảm 4,6 nghìn ha; Bến Tre giảm 2,6 nghìn ha; Trà Vinh giảm 1,4 nghìn ha; Long An giảm 1,3 nghìn ha. Diện tích lúa hè thu sớm cho thu hoạch đạt 653,2 nghìn ha, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 646,4 nghìn ha, chiếm 38,7% diện tích xuống giống và tăng 9,6%. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, năng suất lúa hè thu trên diện tích đã thu hoạch đạt khoảng 56,3-56,8 tạ/ha, giảm 1,3-1,8 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2015.
Tính đến thời điểm trên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 356,7 nghìn ha lúa thu đông, bằng 110,4% cùng kỳ năm trước, trong đó một số địa phương đạt khá: Kiên Giang đạt 78,7 nghìn ha, bằng 128,2%; Cần Thơ đạt 70,6 nghìn ha, bằng 120,1%; Đồng Tháp đạt 117 nghìn ha, bằng 102,6%.
Gieo trồng rau màu nhìn chung đạt thấp. Tính đến giữa tháng Bảy, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 835 nghìn ha ngô, bằng 91,4% cùng kỳ năm trước; 95 nghìn ha khoai lang, bằng 88,7%; 54,5 nghìn ha đậu tương, bằng 78,8%; 166,4 nghìn ha lạc, bằng 98%; 862,3 nghìn ha rau, đậu, bằng 103,8%.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong kỳ không biến động nhiều. Đàn trâu của cả nước trong tháng ước tính giảm 0,5%-1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 1%-1,5%; đàn lợn tăng 2,7%-3,7%; đàn gia cầm tăng 3%-3,5%. Tính đến ngày 22/7/2016, cả nước không còn dịch bệnh trên gia súc và gia cầm.
Lâm nghiệp
Trong tháng Bảy, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 33,1 nghìn ha, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 11,5 triệu cây, tăng 0,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 542 nghìn m3, tăng 11,8%; sản lượng củi khai thác đạt 2,3 triệu ste, tăng 0,4%. Tính chung 7 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 120 nghìn ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 121,5 triệu cây, giảm 0,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4386 nghìn m3, tăng 10,9%; sản lượng củi khai thác đạt 17,3 triệu ste, tăng 0,6%. Một số tỉnh có sản lượng gỗ khai thác tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Tuyên Quang đạt 373,2 nghìn m3, tăng 86,6%; Thừa Thiên - Huế 272,2 nghìn m3, tăng 20,3%; Thanh Hóa 262,4 nghìn m3, tăng 20,2%; Bắc Giang 237 nghìn m3, tăng 20,9%.
Thời tiết trong tháng mưa nhiều nên tình trạng và nguy cơ cháy rừng đã giảm đáng kể. Trong tháng Bảy, cả nước có 90 ha diện tích rừng bị thiệt hại, giảm 68,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 40 ha, giảm 70,4%; diện tích rừng bị chặt phá là 50 ha, giảm 66,7%. Tính chung 7 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 2689 ha, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1995 ha, gấp 2,8 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 694 ha, gấp 1,6 lần.
Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng Bảy ước tính đạt 614,3 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 433,8 nghìn tấn, tăng 3,7%; tôm đạt 96,3 nghìn tấn, tăng 0,1%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 376,9 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 268 nghìn tấn, tăng 4,1%; tôm đạt 85,8 nghìn tấn, tương đương với cùng kỳ năm trước.
Nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn do sức mua từ các thị trường tiêu thụ lớn sụt giảm; giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh và ở mức thấp[1], trong khi chi phí thức ăn tăng cao. Sản lượng cá tra trong tháng ước tính đạt 88,5 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng Tháp đạt 33 nghìn tấn, tăng 0,8%; Bến Tre đạt 13,3 nghìn tấn, tăng 37,6%.
Nuôi tôm nước lợ vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn từ những tháng đầu năm. Sản lượng tôm sú trong tháng ước tính đạt 19,9 nghìn tấn, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Cà Mau đạt 6,2 nghìn tấn, giảm 20,5%; Kiên Giang đạt 3,7 nghìn tấn, giảm 24%. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước tính đạt 29,7 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Sóc Trăng đạt 4,9 nghìn tấn, tăng 23,7%; Bến Tre đạt 2,8 nghìn tấn, tăng 51%; Bạc Liêu đạt 1,1 nghìn tấn, giảm 12,5%.
Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, cùng với giá xăng dầu giảm đã khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển. Tuy nhiên, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra cuối tháng Tư tại vùng biển các tỉnh Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) vẫn còn ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng; ngư dân tạm dừng đánh bắt ở vùng ven bờ và vùng lộng, sản lượng thủy sản khai thác trong tháng của các tỉnh giảm mạnh[2]. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước tính đạt 237,4 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 165,8 nghìn tấn, tăng 2,9%; tôm đạt 10,5 nghìn tấn, tăng 1,0% (Sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 220,3 nghìn tấn, tăng 3,1%, trong đó cá đạt 154,2 nghìn tấn, tăng 3,2%, tôm đạt 9 nghìn tấn, tăng 1,1%).
Tính chung 7 tháng, sản lượng thủy sản ước tính đạt 3745,6 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1963,3 nghìn tấn, tăng 1,2%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1782,3 nghìn tấn, tăng 3,2% (Sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 1679,8 nghìn tấn, tăng 3,4%, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương đạt 13 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm 2015).
Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Bảy ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 2,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,7%.
Tính chung 7 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2015[3]. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9%, đóng góp 6,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2,7%, làm giảm 0,6 điểm phần trăm mức tăng chung.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 18,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 15,5%; dệt tăng 15,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 13,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,2%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 11%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 5,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 3,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 3,2%; sản xuất thuốc lá tăng 3%; khai thác than tăng 2,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4,3%.
Trong 7 tháng năm nay, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ti vi tăng 79,3%; thép cán tăng 23,5%; ô tô tăng 22%; thức ăn cho gia súc tăng 19,7%; sắt, thép thô tăng 17,4%; xi măng tăng 15,7%; thép thanh, thép góc tăng 15,5%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 14,8%. Một số sản phẩm tăng khá: Điện sản xuất tăng 11,2%; sữa bột tăng 11,2%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Quần áo mặc thường tăng 5,2%; thuốc lá điếu tăng 3%; than đá tăng1,4%; xe máy giảm 1,2%; giày, dép da giảm 1,3%; phân u rê giảm 2,1%; đường kính giảm 5,5%; dầu thô khai thác giảm 6,8%; phân hỗn hợp (NPK) giảm 7,6%; điện thoại di động giảm 8,5%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thái Nguyên tăng 34,9%; Quảng Nam tăng 34,2%; Hải Phòng tăng 16,1%; Cần Thơ tăng 11,5%; Đà Nẵng tăng 11,5%; Bắc Ninh tăng 9,7%; Bình Dương tăng 8,5%; Đồng Nai tăng 8%; Hải Dương tăng 7,6%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,1%; Hà Nội tăng 6,8%; Vĩnh Phúc tăng 5,5%; Bà Rịa -Vũng Tàu giảm 2,9%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2016 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 13,1%). Một số ngành có chỉ số tiêu thụ 6 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 16,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,1%; sản xuất kim loại tăng 11,4%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 10,6%; sản xuất đồ uống tăng 10,1%.Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất trang phục tăng 6,5%; dệt tăng 6,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 5,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 2,7%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 2%; sản xuất thuốc lá tăng 1,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 1,3%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 2,4%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/7/2016 tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm trước (thấp hơn mức tăng 10,3% của cùng thời điểm năm 2015), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 4,5%; sản xuất đồ uống giảm 6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 12,3%; sản xuất thiết bị điện giảm 20%; sản xuất thuốc lá giảm 29,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 47,1%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung: Sản xuất xe có động cơ tăng 120,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 89,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 25%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,6%; sản xuất trang phục tăng 14,6%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 12,9%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2016 là 70%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 131,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 113,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 107,5%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2016 tăng 5,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 2,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8,2%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 4,7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%.
Lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2016 so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương như sau: Thái Nguyên tăng 34,1%; Hải Phòng tăng 10,7%; Vĩnh Phúc tăng 10,1%; Bình Dương tăng 7,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 6,2%; Đồng Nai tăng 5,4%; Đà Nẵng tăng 3,2%; Quảng Nam tăng 3,1%; Hải Dương tăng 2,7%; Hà Nội tăng 1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,9%; Cần Thơ giảm 0,1%; Quảng Ngãi giảm 4,1%.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp[4]
Trong tháng Bảy, cả nước có 9621 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 69,2 nghìn tỷ đồng, giảm 1,4% về số doanh nghiệp và giảm 11,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 10,3%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 99,2 nghìn người, giảm 12,3%. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Bảy tăng 45,8%; số vốn đăng ký tăng 78%; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng 22,1%.
Trong tháng, cả nước có 1804 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 5,2% so với tháng trước; có 5933 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 1818 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký và 4115 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký), tăng 10,6%; có 915 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 5,9%.
Tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có 64122 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 497 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% về số doanh nghiệp và tăng 54,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015[5]; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4%. Bên cạnh đó còn có 894,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2016 đạt 1391,9 nghìn tỷ đồng.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm nay là 16706 doanh nghiệp, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm trước (7 tháng đầu năm 2015 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2014). Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 7 tháng là 6422doanh nghiệp, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2015 giảm 2,7% so với năm 2014), trong đó có 5987 doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 93,2% và tăng 17,5%. Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động có 2591 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 40,3%); 1912 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 29,8%); 1070 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 16,7%); 848 công ty cổ phần (chiếm 13,2%) và 01 công ty hợp danh.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng năm nay là 36206 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 13656 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 35,8% và 22550 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, tăng 1,1%. Trong tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động có đăng ký, có 5101 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 37,4%); 4504 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 33%); 2544 công ty cổ phần (chiếm 18,6%) và 1507 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 11%). Đối với doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế hoặc không đăng ký, có 9300 công ty TNHH 1 thành viên (chiếm 41,2%); 7120 công ty TNHH 2 thành viên (chiếm 31,6%); 4088 công ty cổ phần (chiếm 18,1%) và 2042 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 9,1%).
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Bảy ước tính đạt 23997 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 6180 tỷ đồng; vốn địa phương 17817 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 131,2 nghìn tỷ đồng, bằng 50,8% kế hoạch năm và tăng12,5% so với cùng kỳ năm 2015, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, bằng 48,5% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, bằng62,1% và tăng 31,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3424 tỷ đồng, bằng 48,5% và tăng 23,9%;Bộ Y tế 1520 tỷ đồng, bằng 48,9% và tăng 24,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 1411 tỷ đồng, bằng 43,8% và tăng 47,6%; Bộ Xây dựng 534 tỷ đồng, bằng 57,5% và giảm 40,3%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 382 tỷ đồng, bằng 42,6% và tăng 7,5%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 283 tỷ đồng, bằng 41,8% và giảm 0,7%; Bộ Công Thương 241 tỷ đồng, bằng 51,9% và tăng 20,4%; Bộ Khoa học và Công nghệ 156 tỷ đồng, bằng 54% và giảm 9,7%; Bộ Thông tin và Truyền thông 63 tỷ đồng, bằng 46,2% và giảm 37,1%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 100,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,5% kế hoạch năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 71,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,8% và tăng13,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 24,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,2% và tăng 5,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, bằng 68% và giảm 3,3%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 16,8 nghìntỷ đồng, bằng 55% kế hoạch năm và tăng 39,1% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 9039tỷ đồng, bằng 51% và tăng 1,5%; Nghệ An 3042 tỷ đồng, bằng 52,7% và tăng 12,5%; Bình Dương 2890 tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 37%; Quảng Ninh 2611 tỷ đồng, bằng 40,8% và tăng 8,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu2604 tỷ đồng, bằng 42,5% và tăng 6,7%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2016 thu hút 1408 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8695,2 triệu USD, tăng 31,8% về số dự án và tăng 25,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời có 660 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 4245,2 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 12940,4 triệu USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng năm nay ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 7 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới lớn nhất với 5626 triệu USD, chiếm 64,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986,2 triệu USD, chiếm 11,3%; các ngành còn lại đạt 2083 triệu USD, chiếm 24%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 7 tháng năm nay đạt 9121,8 triệu USD, chiếm 70,5% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 956,8 triệu USD, chiếm 7,4%; các ngành còn lại đạt 2861,8 triệu USD, chiếm 22,1%.
Cả nước có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 7 tháng năm nay, trong đó Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất với 1839 triệu USD, chiếm 21,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội 950,1 triệu USD, chiếm 10,9%; Bình Dương 803,3 triệu USD, chiếm 9,2%; Đồng Nai 710,9 triệu USD, chiếm 8,2%; thành phố Hồ Chí Minh 641,4 triệu USD, chiếm 7,4%; Bắc Ninh 389,8 triệu USD, chiếm 4,5%; Tiền Giang 331,1 triệu USD, chiếm 3,8%.
Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam 7 tháng năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 3267,4 triệu USD, chiếm 37,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Xin-ga-po 1115,3 triệu USD, chiếm 12,8%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 755,3 triệu USD, chiếm 8,7%; Đài Loan 584,5 triệu USD, chiếm 6,7%; Nhật Bản 543,8 triệu USD, chiếm 6,3%; Trung Quốc 393,3 triệu USD, chiếm 4,5%.
Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2016 ước tính đạt 500,8 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 397,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50,6%; thu từ dầu thô đạt 21,6 nghìn tỷ đồng, bằng 39,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 80,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,8%. Trong thu nội địa, một số khoản thu đạt khá: Thu tiền sử dụng đất đạt 39,6 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán năm; thuế thu nhập cá nhân 36,7 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7%; thuế bảo vệ môi trường 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 56,8%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, bằng 55,3%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 79,1nghìn tỷ đồng, bằng 49,7%. Riêng thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 98,3 nghìn tỷ đồng, chỉbằng 38,4% dự toán năm.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2016 ước tính đạt 606,4 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 89,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 88,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,9%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) đạt 435,5 nghìn tỷ đồng, bằng52%; chi trả nợ và viện trợ đạt 81,6 nghìn tỷ đồng, bằng 52,6%.
Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước tính đạt 295,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 222,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% và tăng 10,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 10,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 7,6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 34 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 12%.
Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2016,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng 8% của cùng kỳ năm 2015). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng ước tính đạt 1535,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng mức và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành hàng tăng khá: Lương thực, thực phẩm tăng 12,9%; may mặc tăng 12,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 10,3%; phương tiện đi lại tăng 8,5%; riêng vật phẩm văn hoá, giáo dục chỉ tăng 1,8%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng ước tính đạt 230,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng mức và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Hải Phòng tăng 17,3%; Đà Nẵng tăng 12,6%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 11,6%; Thừa Thiên - Huế tăng 10,3%; Ninh Bình tăng 11%; Bình Dươngtăng 9,6%; Hà Nội tăng 7,3%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7%.
Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm nay ước tính đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu du lịch lữ hành của Kiên Giang tăng 20,5%; Hải Phòng tăng 17,7%; Khánh Hòa tăng 17,3%; Bình Định tăng 15,5%; Long An tăng 14,3%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 12,9%; Hà Nội tăng 8,2%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,1%.
Doanh thu dịch vụ khác 7 tháng ước tính đạt 232,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2015. Một số địa phương có doanh thu tăng khá cao: Bình Thuận tăng 15,7%; Ninh Bình tăng 15,5%; Sóc Trăng tăng 13,8%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,1%; Phú Thọ tăng 13,7%; Nghệ An tăng 11,6%; Quảng Nam tăng 12,5%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng Sáu đạt 14725 triệu USD, thấp hơn 75 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện thấp hơn 149 triệu USD; giày dép thấp hơn 70 triệu USD; gạo thấp hơn 54 triệu USD; rau quả thấp hơn 46 triệu USD; hàng dệt may cao hơn 138 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác cao hơn 70 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Bảy ước tính đạt 14,70 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,27 tỷ USD, giảm 0,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tương đương với tháng trước, ở mức 10,43 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Bảy tăng 2,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,1%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 21,9%; rau quả tăng 16,8%; giày dép tăng 11,5%.
Tính chung 7 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 96,83 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,5%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27,93 tỷ USD, tăng 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 68,90 tỷ USD, tăng 6,5%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 19,4 tỷ USD, tăng 13,4%; hàng dệt may đạt 13,2 tỷ USD, tăng 5,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,4 tỷ USD, tăng 9,5%; giày dép đạt 7,5 tỷ USD, tăng 8,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 5,3 tỷ USD, tăng 18,2%; thủy sản đạt 3,7 tỷ USD, tăng 3,5%; cà phê đạt gần 2 tỷ USD, tăng 16,6%; túi xách, vali, mũ, ô dù đạt 1,9 tỷ USD, tăng 11,6%; hạt điều đạt 1,5 tỷ USD, tăng 10,9%; rau quả đạt 1,4 tỷ USD, tăng 32,7%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: Dầu thô đạt 1,4 tỷ USD, giảm 44,5% (lượng giảm 21,8%); sắt thép đạt 988 triệu USD, giảm 3% (lượng tăng 25,5%); cao su đạt 679 triệu USD, giảm 10,4% (lượng tăng 4,9%); sắn và sản phẩm của sắn đạt 614 triệu USD, giảm 28,5% (lượng giảm 17,7%).
Về thị trường xuất khẩu 7 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 21,3 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,2%; Trung Quốc đạt 10,7 tỷ USD, tăng 13,7%; Hàn Quốc đạt 6 tỷ USD, tăng 37%. Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 9,5 tỷ USD, giảm 12,6%; Nhật Bản đạt 7,9 tỷ USD, giảm 0,9%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng Sáu đạt 14742 triệu USD, thấp hơn 158 triệu USD so với số ước tính, trong đó vải thấp hơn 89 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 66 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép thấp hơn 34 triệu USD; kim loại thường khác thấp hơn 21 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 88 triệu USD; tân dược cao hơn 32 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Bảy ước tính đạt 14,60 tỷ USD, giảm 1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,30 tỷ USD, giảm 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,30 tỷ USD, giảm 0,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Bảy giảm 1,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,5%.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 95,03 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,63 tỷ USD, tăng 1,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,40 tỷ USD, giảm 2,4%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng nguyên phụ liệu đầu vào và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất giảm: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 15,4 tỷ USD, giảm 5,8%; điện thoại và linh kiện đạt 5,5 tỷ USD, giảm 10,9%; chất dẻo đạt 3,3 tỷ USD, giảm 0,6%; xăng dầu đạt 2,8 tỷ USD, giảm 17,1% (lượng tăng 25,1%); thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5,2%; hóa chất đạt 1,8 tỷ USD, giảm 6,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1 tỷ USD, giảm 20,6%. Một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15 tỷ USD, tăng 14%; vải đạt 6 tỷ USD, tăng 2%; sắt thép đạt 4,5 tỷ USD, tăng 1,8%; kim loại thường khác đạt 2,6 tỷ USD, tăng 18%; sản phẩm hóa chất đạt 2,1 tỷ USD, tăng 8,1%; tân dược đạt 1,5 tỷ USD, tăng 21,7%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,4 tỷ USD, tăng 14,4%; sợi dệt đạt 912 triệu USD, tăng 2,5%.
Về thị trường nhập khẩu, trong 7 tháng năm nay kim ngạch nhập khẩu từ một số thị trường chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 27,4 tỷ USD, giảm 3,1%[6]; ASEAN đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,1%; Nhật Bản đạt 8,2 tỷ USD, giảm 4,1%; EU đạt 5,9 tỷ USD, giảm 1,3%. Riêng nhập khẩu từ Hàn Quốc 7 tháng đạt 17,4 tỷ USD, tăng 6,5%; Hoa Kỳ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 0,2%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Sáu nhập siêu 17 triệu USD[7]. Tháng Bảy ước tính suất siêu 100 triệu USD, tính chung 7 tháng xuất siêu 1,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,5 tỷ USD
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2016 tăng 0,13% so với tháng trước, trong đó các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng cao hơn mức tăng chung: Giao thông tăng 1,19% chủ yếu do ảnh hưởng của lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu tại thời điểm 04/6/2016[8]; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,14% do giá dầu hỏa được điều chỉnh tăng tại thời điểm 20/6/2016 và thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng (giá nước sinh hoạt tăng 0,14%; giá điện sinh hoạt tăng 1,16%). Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%; bưu chính viễn thông giảm 0,1%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05% (Lương thực giảm 0,64%, chủ yếu do nguồn cung dồi dào và tình hình xuất khẩu gạo gặp khó khăn; thực phẩm giảm 0,01%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%); riêng chỉ số nhóm giáo dục không thay đổi.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2016 tăng 2,48% so với tháng 12/2015 và tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm nay tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
Lạm phát cơ bản tháng 7/2016 tăng 0,10% so với tháng trước và tăng 1,85% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng tăng 1,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
Chỉ số giá vàng tháng 7/2016 tăng 5,36% so với tháng trước; tăng 15,55% so với tháng 12/2015 và tăng 10,99% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2016 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 1,02% so với tháng 12/2015 và tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2015.
Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách 7 tháng năm 2016 ước tính đạt 2110,5 triệu lượt khách, tăng 9,5% và 98,9 tỷ lượt khách.km, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải hành khách đường bộ đạt 1981,8 triệu lượt khách, tăng 9,7% và 66,4 tỷ lượt khách.km, tăng 8,1%; đường hàng không đạt 23 triệu lượt khách, tăng 26,7% và 28,4 tỷ lượt khách.km, tăng 15,8%; đường sắt đạt 6,2 triệu lượt khách, giảm 4,9% và 2,3 tỷ lượt khách.km, giảm 7%; đường biển đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 4,2% và 178,1 triệu lượt khách.km, tăng 2,8%.
Vận tải hàng hóa 7 tháng đạt 722,7 triệu tấn, tăng 8,5% và 138,6 tỷ tấn.km, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải trong nước đạt 703,6 triệu tấn, tăng 8,7% và 62,9 tỷ tấn.km, tăng 5,8%; vận tải ngoài nước đạt 19,1 triệu tấn, tăng 2,3% và 75,7 tỷ tấn.km, tăng 1,5%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 561,3 triệu tấn, tăng 9,8% và 34 tỷ tấn.km, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 123,8 triệu tấn, tăng 5,5% và 25,6 tỷ tấn.km, tăng 4,8%; đường biển đạt 34,4 triệu tấn, tăng 2,3% và 76,8 tỷ tấn.km, giảm 0,1%; đường sắt đạt 3 triệu tấn, giảm 22,1% và 1,8 tỷ tấn.km, giảm 22,2%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Bảy ước tính đạt 846,3 nghìn lượt người, tăng 20,8% so với tháng trước và tăng 41,2% so với cùng kỳ năm trước (là tháng có lượng khách quốc tế đến cao nhất kể từ đầu năm 2016), trong đó: Khách đến bằng đường hàng không tăng 17,8% và tăng 45,5%; bằng đường bộ tăng 49,4% và tăng 14,2%; bằng đường biển tăng 31,3% và tăng 51,8%.
Tính chung 7 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 5552,6 nghìn lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 4659,9 nghìn lượt người, tăng 28,7%; đến bằng đường bộ đạt 806,4 nghìn lượt người, tăng 8,2%; đến bằng đường biển đạt 86,3 nghìn lượt người, giảm 22,4%.
Trong 7 tháng năm nay, khách đến nước ta từ châu Á đạt 3966,8 nghìn lượt người, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng: Trung Quốc đạt 1468,5 nghìn lượt người, tăng 54,5%; Hàn Quốc 858 nghìn lượt người, tăng 37%; Nhật Bản 413,3 nghìn lượt người, tăng 12,6%; Đài Loan 296,1 nghìn lượt người, tăng 15,9%; Ma-lai-xi-a 226,2 nghìn lượt người, tăng 15,7%; Thái Lan 153,6 nghìn lượt người, tăng 37,2%; Xin-ga-po 141,6 nghìn lượt người, tăng 11,7%.
Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 900,6 nghìn lượt người, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Liên bang Nga đạt 233,2 nghìn lượt người, tăng 22,5%; Vương quốc Anh 147,7 nghìn lượt người, tăng 23,4%; Pháp 142,2 nghìn lượt người, tăng 13,2%; Đức 97,4 nghìn lượt người, tăng 17,5%; Hà Lan 34,5 nghìn lượt người, tăng 18,6%; I-ta-li-a 27,4 nghìn lượt người, tăng 30,4%; Thụy Điển 25,8 nghìn lượt người, tăng 24,3%.
Khách đến từ châu Mỹ đạt 450,8 nghìn lượt người, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 344,5 nghìn lượt người, tăng 14,4%. Khách đến từ châu Úc đạt 219 nghìn lượt người, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 195,7 nghìn lượt người, tăng 6,6%. Khách đến từ châu Phi đạt 15,4 nghìn lượt người, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Một số tình hình xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Trong tháng Bảy, cả nước có 23,2 nghìn hộ thiếu đói, giảm 9,7% so với tháng trước, tương ứng với 97,3nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 11,1%. So với cùng kỳ năm trước, số hộ thiếu đói gấp 5,2 lần, số nhân khẩu thiếu đói gấp 4,9 lần, chủ yếu do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại một số khu vực, đặc biệt là ở các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, làm cho kỳ giáp hạt kéo dài hơn. Tính chung 7 tháng năm 2016, cả nước có 234,4 nghìn lượt hộ thiếu đói, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 971,3 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, tăng 25,2%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 15,4 nghìn tấn lương thực và 590 triệu đồng, riêng tháng Bảy hỗ trợ khoảng 1,4 nghìn tấn lương thực.
Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong tháng 7/2016, cả nước có 2,4 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 5,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (02 trường hợp tử vong); 22 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 129 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (01 trường hợp tử vong); 08 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (02 trường hợp tử vong). Tính chung 7 tháng, cả nước có hơn 18,6 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 44,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (14 trường hợp tử vong); 157 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 413 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (05 trường hợp tử vong); 32 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (05 trường hợp tử vong). Đáng lưu ý, trong tháng phát hiện dịch bạch hầu tại 3 xã thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước với 61 trường hợp nghi nhiễm, trong đó 03 trường hợp đã tử vong.
Trong tháng đã phát hiện 982 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 17/7/2016 là 228,9 nghìn người, trong đó 86,3 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 87,9 nghìn người.
Trong tháng Bảy đã xảy ra 19 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 224 người bị ngộ độc, trong đó 02 trường hợp tử vong. Tính từ 17/12/2015 đến 17/7/2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 72 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 2411 người bị ngộ độc, trong đó 06 trường hợp tử vong.
Tai nạn giao thông
Trong tháng (từ 16/6 đến 15/7), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1625 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 786 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 839 vụ va chạm giao thông, làm 661 người chết, 415 người bị thương và 932 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 6,1% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 0,6%; số vụ va chạm giao thông giảm 11,7%); số người chết giảm 4,1%; số người bị thương tăng 4,5% và số người bị thương nhẹ giảm 15%.
Tính chung 7 tháng năm nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 11852 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 5825 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 6027 vụ va chạm giao thông, làm 5023 người chết, 3321 người bị thương và 6965 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 7 tháng năm 2016 giảm 8,2% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 2%; số vụ va chạm giao thông giảm 13,5%); số người chết giảm 2,8%; số người bị thương giảm 1,7% và số người bị thương nhẹ giảm 15,7%. Bình quân 1 ngày trong 7 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông, gồm 27 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 28 vụ va chạm giao thông, làm 24 người chết, 16 người bị thương và 33 người bị thương nhẹ.
Thiệt hại do thiên tai
Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai xảy ra trong tháng 7/2016 làm 15 người chết và 02 người bị thương; hơn 300 ngôi nhà bị sập đổ, sạt lở, tốc mái; 7,3 nghìn ha lúa và 5,2 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng ước tính gần 21 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng, thiên tai đã làm 50 người chết, mất tích và 129 người bị thương; hơn 1 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 36,3 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái; 27 nghìn ha lúa, 18,3 nghìn ha hoa màu và 2 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; 17 nghìn con gia súc, 13,3 nghìn gia cầm và hơn 730 tấn thủy sản các loại bị chết. Tổng giá trị thiệt hại trong 7 tháng năm 2016 ước tính gần 1,5 nghìn tỷ đồng.
Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
Trong tháng Bảy, cơ quan chức năng đã phát hiện 1563 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 1252 vụ với tổng số tiền phạt là gần 13,2 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm 2016 đã phát hiện 8756 vụ vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 3853 vụ với tổng số tiền phạt gần 405 tỷ đồng.
Trong tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 202 vụ cháy, nổ, làm 10 người chết và 17 người bị thương, thiệt hại ước tính 83 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm 2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 2028 vụ cháy, nổ, làm 56 người chết và 208 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 940 tỷ đồng./.