Chủ nhật, ngày 12/01/2025

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa liên quan đến quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông

Thứ hai, 23/09/2024 14:25 GMT+7

Bộ GTVT vừa có Văn bản số 10181/BGTVT-PC ngày 23/9/2024 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 655/BDN ngày 02/08/2024, nội dung kiến nghị như sau:

 “Đề nghị xem xét sửa đổi quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo hướng vi phạm cần phải xử lý nghiêm, nhưng đề nghị không nên giữ phương tiện của người dân vì gây khó khăn cho người dân”. 

Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, góp ý đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nói chung, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. 

Về nội dung kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định: “1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây: 

a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;

 b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; 

c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.”

Tại khoản 10 Điều 125 Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định: “Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” 

Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính và chỉ áp dụng trong một số trường hợp cụ thể. Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình sửa đổi các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và không gây khó khăn cho người dân. 

Ngoài ra, ngày 27/6/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Để triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng Nghị định, trong đó có các quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát, hoàn thiện các quy định này, đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và không gây khó khăn cho người dân. 

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.
 

Nguồn: Bộ GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)