Thứ năm, ngày 13/02/2025

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kiên Giang về việc đầu tư tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và kết nối liên vùng các Quốc lộ: 80C, N1, N2, và 63

Thứ năm, 13/02/2025 13:41 GMT+7

Bộ GTVT vừa có Văn bản số 1401/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, ngày 6/11/2024, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Kiên Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 942/BDN, nội dung kiến nghị như sau: 

Kiến nghị Bộ GTVT: (i) Sớm trình chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và ưu tiên đầu tư đoạn Hà Tiên - Rạch Giá trước năm 2030; (ii) Đề xuất đầu tư mang tính kết nối liên vùng theo quy hoạch đến năm 2030 như: Quốc lộ 80C, Quốc lộ N2, nâng cấp Quốc lộ N1, Quốc lộ 63, kết nối tỉnh Kiên Giang với các tỉnh trong vùng, như: An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu”.

Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. 

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau: 

Về đầu tư tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu 

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu có điểm đầu tại cửa khẩu Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đi qua thành phố Rạch Giá và điểm cuối tại thành phố Bạc Liêu với quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Triển khai trước năm 2030 đối với đoạn Hà Tiên - Rạch Giá (chiều dài khoảng 100 km) và sau năm 2030 đối với đoạn Rạch Giá - Bạc Liêu (chiều dài khoảng 112 km). Thực hiện Quy hoạch, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường bộ cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Song song với việc báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn cho công tác chuẩn bị dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chủ động tổ chức nghiên cứu; đến nay đã cơ bản hoàn thành báo cáo đầu kỳ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã báo cáo kết quả nghiên cứu và nhận được ý kiến tham gia của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh có tuyến đi qua (Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu), trong đó UBND tỉnh Kiên Giang có ý kiến tại Thông báo số 365/TB-VP ngày 24/4/2024. 

Ngay sau khi được bố trí vốn chuẩn bị dự án, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tổ chức lựa chọn tư vấn để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình thẩm định, phê duyệt. Đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp Bộ GTVT trong quá trình báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn để có thể triển khai đầu tư dự án trong giai đoạn 2026 - 2030 đối với đoạn Hà Tiên - Rạch Giá phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về đầu tư mang tính kết nối liên vùng các Quốc lộ: 80C, N1, N2, và 63 

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ N1 và Quốc lộ 63 thuộc nhóm các quốc lộ chính yếu, được quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cấp III - IV, quy mô 2 - 4 làn xe; Quốc lộ 80C và Quốc lộ N2 thuộc nhóm các quốc lộ thứ yếu, được quy hoạch đạt tiêu chuẩn với đường cấp III - IV, quy mô 2 - 4 làn xe. 

Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Kiên Giang về sự cần thiết sớm nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ có tính liên kết vùng (Quốc lộ 80C, Quốc lộ N2, Quốc lộ N1, Quốc lộ 63), kết nối tỉnh Kiên Giang với các tỉnh trong vùng, như: An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho các dự án đang triển khai nên không thể cân đối để đầu tư nâng cấp, mở rộng các quốc lộ nói trên.

Đồng thời, giai đoạn 2026 - 2030, Bộ GTVT dự kiến sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng công trình chiến lược theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm như mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc, xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng... Thời gian vừa qua, trên cơ sở kết quả buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ GTVT với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang ngày 25/3/2024, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam ưu tiên bố trí vốn từ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện công tác cải tạo, sửa chữa mặt đường, gia cố lề, xây dựng hệ thống thoát nước... một số đoạn tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. 

Theo quy định của Luật Đường bộ được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/6/2024 và Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ, các tuyến quốc lộ nói trên sẽ chuyển về địa phương quản lý, đầu tư xây dựng và khai thác. Do vậy, trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Kiên Giang và thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại Thông báo số 507/TB-VPCP ngày 5/11/2024, Bộ GTVT đã có Văn bản số 625/BGTVT-KHĐT ngày 17/1/2025 đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở GTVT phối hợp các cơ quan thuộc Bộ GTVT (Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục Đường bộ Việt Nam) thực hiện công tác bàn giao - tiếp nhận và chủ động nghiên cứu, huy động nguồn lực để sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến quốc lộ nói trên. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Kiên Giang trong quá trình triển khai thực hiện. 

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Kiên Giang, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)