Với đặc thù là huyện miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh Phú Thọ, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn do chủ yếu là đường đất, mặt đường thường xuyên bị xuống cấp. Trước thực trạng đường giao thông xuống cấp nhanh nên năm 2009, huyện Đoan Hùng đã cố gắng huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cải tạo, từng bước nâng cấp mạng lưới giao thông. Đáng chú ý việc đầu tư phát triển hệ thống GTNT trên địa bàn luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể quan tâm, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ở nhiều thôn, xóm, khu dân cư, người dân đóng góp vật tư, nhân công làm đường bê tông xi măng, tự nguyện ủng hộ kinh phí giải phóng mặt bằng những công trình có nguồn vốn đầu tư của huyện và xã, tích cực giải phóng mặt bằng các công trình do tỉnh, trung ương làm chủ đầu tư, đảm bảo tiến độ thi công. Một số địa phương còn chủ động bố trí ngân sách từ nguồn đấu giá đất, vận động các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn cùng đóng góp làm đường giao thông như: Tây Cốc, Chí Đám, Minh Tiến, Hữu Đô, thị trấn Đoan Hùng… Nhờ đó một số tuyến đường giao thông trong huyện đang được nâng cấp cải tạo như: Đường giao thông liên xã Tây Cốc- Phương Trung, Quế Lâm- Phúc Lai, thôn Chí- Đồng Màu xã Chí Đám, đường cụm CN-LN Sóc Đăng… Đến hết năm 2009, toàn huyện đã duy tu được 1.015km đường giao thông các loại, cứng hoá mặt đường bằng bê tông xi măng 42,5km; sửa chữa 15 cầu, 125 cống thoát nước; đào đắp 205.000m3. Tổng kinh phí huy động đầu tư làm GTNT đạt hơn 40 tỷ đồng. Trong đó ngân sách huyện đầu tư 26,2 tỷ đồng, ngân sách xã: 1,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 13 tỷ đồng. Tuy nhiên do địa hình miền núi, dân cư thưa, sinh sống không tập trung, hệ thống giao thông chưa được đầu tư trong nhiều năm, nên đa số các tuyến giao thông chất lượng còn rất kém, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong huyện. Hiện nay theo đánh giá hiện trạng mạng lưới giao thông, huyện Đoan Hung đang quản lý 60,75km đường huyện; 89,3km đường liên xã và trên 1.200km đường trục xã, liên thôn xóm, ra đồng, lên đồi… Các tuyến giao thông do huyện, xã quản lý đều là đường đất, hàng năm do nguồn vôn đầu tư hạn hẹp, các địa phương chủ yếu huy động công lao động của nhân dân để duy tu sửa chữa, tỷ lệ mặt đường đường cứng hoá rất thấp nên đường càng xuống cấp nhanh. Nền đường nhỏ hẹp, thường xuyên hư hỏng không đáp ứng được nhu cầu đi lại, phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hoá, nhất là về mùa mưa bão. Bên cạnh đời sống của nhân dân trong huyện cũng còn nhiều khó khăn, xuất đầu tư lớn nên việc huy động đóng góp xây dựng các công trình giao thông nông thôn còn hạn chế… Trên địa bàn ngoài 2 tuyến quốc lộ: QL2 và QL70 đã được nhựa hoá, còn một số tuyến tỉnh lộ: 319, 319B-C, 318, 322, 323 đi qua song tỷ lệ nhựa hoá mới đạt hơn 50%, đường huyện cứng hoá mới đạt 50%.
BPT