Bắc Giang: Tập trung giải phóng mặt bằng, thi công nhanh QL37

Thứ năm, 21/01/2010 07:19 GMT+7
Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 37 do Bộ Giao thông -Vận tải làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Tuyến đường qua tỉnh Bắc Giang dài 26,7 km thuộc huyện Việt Yên và Hiệp Hòa. Đây là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển KT-XH của hai địa phương trên cũng như tỉnh Bắc Giang.
Sau nhiều lần gia hạn thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và thời gian thi công, đến nay, Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 37 đã được đơn vị thi công nhận bàn giao phần lớn diện tích mặt bằng và tập trung thi công. Do một số hộ dân trong vùng dự án chưa nhận thức đúng, thiếu thống nhất về phương án bồi thường GPMB dẫn tới dự án có nguy cơ bị cắt vốn. Hiện chính quyền địa phương, đơn vị thi công đang tập trung cao cho công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm tuyến đường thông suốt.
Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 37 do Bộ Giao thông -Vận tải làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Tuyến đường qua tỉnh Bắc Giang dài 26,7 km thuộc huyện Việt Yên và Hiệp Hòa. Đây là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển KT-XH của hai địa phương trên cũng như tỉnh Bắc Giang. Vì vậy, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn của tỉnh, chính quyền địa phương tập trung GPMB, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công để tuyến đường sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Trên địa bàn Việt Yên có 13,4 km quốc lộ 37. Thực hiện dự án này, có khoảng 1.900 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 80 hộ được đền bù về đất, còn lại là tài sản. Đến nay, cơ quan chuyên môn của huyện, chính quyền các xã, thị trấn có quốc lộ 37 đi qua đã tuyên truyền vận động, hướng dẫn và giải thích để người dân vùng bị ảnh hưởng thực hiện đề bù, GPMB theo đúng quy định của Nhà nước và bàn giao cho nhà thầu thi công 12 km trên tuyến. Ông Nguyễn Văn Lương, khu 2, thị trấn Bích Động kể: "Khi Nhà nước có chủ trương nâng cấp quốc lộ 37, gia đình tôi rất phấn khởi bởi sẽ có tuyến đường rộng rãi, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương. Tôi đã tự tháo dỡ lán, chặt cây xanh của gia đình thuộc hành lang quốc lộ này để việc làm đường thuận lợi. Không những thế, tôi còn vận động bà con tích cực GPMB”.
Cũng như huyện Việt Yên, ngay sau khi triển khai Dự án, UBND huyện Hiệp Hòa đã sớm thành lập Ban GPMB; các tổ công tác và Ban chỉ đạo giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong bồi thường, GPMB... Theo đó, tại các xã, thị trấn có quốc lộ 37 chạy qua cũng thành lập những ban chỉ đạo và tổ công tác để cùng tháo gỡ những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án. Ông Ngô Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thắng nói: "Ngay sau khi triển khai Dự án, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ các quy định liên quan đến công tác bồi thường, GPMB cũng như ý nghĩa của tuyến đường này trong phát triển KT-XH địa phương. Từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân". Khi tiếp xúc nhiều cán bộ và người dân nơi có tuyến quốc lộ 37 đi qua ở huyện Hiệp Hòa, chúng tôi nhận thấy mọi người đều mong muốn con đường sớm được thi công hoàn thành, tạo điều kiện cho địa phương phát triển KT-XH. Ông Nguyễn Đức Kế, khu 5, thị trấn Thắng bày tỏ: "Lúc đầu tôi cũng băn khoăn về giá đền bù và một số vấn đề liên quan khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ khi con đường được mở rộng, nâng cấp thì giá trị đất của nhà mình sẽ tăng lên; việc kinh doanh, buôn bán cũng thuận lợi hơn. Vì thế, tôi đã vui vẻ nhận tiền đền bù để sớm có mặt bằng cho đơn vị thi công". Trong đợt giải tỏa để mở rộng quốc lộ này, gia đình ông Kế có 49m2 đất bị ảnh hưởng, trong đó phải "pheng" một phần nhà trần của mình. Qua tìm hiểu thực tế, không riêng gia đình ông Kế mà đa số người dân dọc tuyến quốc lộ này cũng tích cực hưởng ứng chủ trương sớm GPMB. Hiện nay, trên địa bàn 7 xã, thị trấn của huyện Hiệp Hòa dọc quốc lộ 37 có gần 2.000 hộ nhận tiền đền bù GPMB.
Tuy nhiên, đến nay toàn tuyến quốc lộ 37 chạy qua huyện Việt Yên và Hiệp Hòa vẫn còn 3 km chưa GPMB (huyện Việt Yên 1,4 km, Hiệp Hòa 1,6km) do nhận thức của một số hộ dân chưa đầy đủ về chính sách đền bù GPMB của Nhà nước, có trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng gây khó dễ cho cơ quan chuyên môn. Chỉ vì số ít người dân không nhận tiền đền bù, không bàn giao mặt bằng khiến việc thi công tuyến đường bị cản trở, dự án có nguy cơ bị cắt vốn đầu tư. Theo ông Trần Vũ Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên thì quá trình GPMB gặp nhiều khó khăn do chế độ bồi thường GPMB có nhiều thay đổi; căn cứ để xác định vị trí được đền bù GPMB ở một số điểm thiếu chính xác do lịch sử để lại…
Theo hiệp định đã ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Thế giới ngày 6-1-2010, Bộ Giao thông - Vận tải đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh phải cam kết giải phóng xong mặt bằng và bàn giao cho nhà thầu thi công chậm nhất đến ngày 31-1-2010, nếu không sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho dừng dự án mặc dù còn một số đoạn chưa làm xong. Để tránh tình trạng dự án dở dang, hàng trăm nghìn hộ dân trong vùng dự án hưởng lợi không trọn vẹn do một số hộ dân không thống nhất về đền bù GPMB, ảnh hưởng tới lợi ích của cả cộng đồng, UBND huyện Việt Yên, Hiệp Hoà đang tăng cường công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn, giải thích tạo sự đồng thuận trong công tác GPMB. Chủ động phối hợp với các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ làm đường ở những nơi có mặt bằng bảo đảm chất lượng. Mỗi hộ dân đang có những thắc mắc, băn khoăn cũng nên vì mục tiêu phát triển chung của cả cộng đồng tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công nhằm bảo đảm tuyến đường được thông suốt.
BBG
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)