Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử phạt các hành vi vi phạm nên đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, đối với những "điểm đen" tai nạn giao thông đang tồn tại hoặc xóa chỗ này lại mọc lên chỗ khác, các cơ quan chức năng vẫn lúng túng tìm hướng giải quyết.
Thống kê của ngành giao thông thành phố cho thấy, số vụ kẹt xe kéo dài hơn 30 phút không còn diễn ra đáng kể, năm 2012 là 9 vụ, năm 2013 chỉ xảy ra 3 vụ. Về số vụ tai nạn giao thông (TNGT) cũng đã được kéo giảm đáng kể.
Năm 2013, toàn thành phố xảy ra gần 5.100 vụ TNGT, làm chết 773 người, bị thương hơn 4.500 người. So với cùng kỳ 2012, giảm lần lượt là 1.806 vụ, 46 người chết và 1.921 người bị thương. Từ đầu năm 2014 đến nay, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, có một mâu thuẫn trong việc quản lý giao thông trên địa bàn là dù các tiêu chí nói trên có giảm, nhưng các "điểm đen" gây tai nạn lại đang có xu hướng tăng lên hoặc xóa được điểm này thì điểm khác lại "mọc" lên.
Theo Ban An toàn giao thông thành phố, năm 2011, các ban ngành chức năng xóa được 11 "điểm đen" thì lại để phát sinh 21 điểm. Tương tự, tính đến thời điểm này của năm 2014, khi 21 điểm này chưa được xử lý thì lại phát sinh thêm bốn "điểm đen" khác.
Trong tổng số vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn thì những vụ tai nạn tại các "điểm đen" thường chiếm đến 50-70% số vụ. Đơn cử, tại nút giao thông Thủ Đức (giao lộ Quốc lộ 1 - Đường nhánh R4), chỉ trong tháng 4 vừa qua đã xảy ra hai vụ tai nạn giữa xe công ten nơ và xe mô-tô làm ba người chết, ba người bị thương.
Nhiều "điểm đen" như: Quốc lộ 1 (đoạn từ đường Lê Đình Cẩn đến Hương lộ 2), Xa lộ Hà Nội (đoạn trước cổng Khu công nghệ cao)... xuất hiện từ năm 2012 đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, thời gian qua, lực lượng chức năng của đơn vị đã phối hợp Công an thành phố tổ chức các đợt ra quân tại ba tuyến cửa ngõ ra, vào thành phố, trong đó tập trung tại các tuyến đường thuộc các quận: Bình Tân, 12, 2, 9 và Thủ Đức; các huyện: Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn. Đây là 8 quận, huyện có nhiều phương tiện từ các tỉnh ra vào thành phố, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông chưa cao, các vụ TNGT cũng vì thế mà xảy ra với mật độ cao hơn. Lực lượng chức năng cũng xác định các tuyến đường như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Xa lộ Hà Nội, Tỉnh lộ 10... thường xuyên xảy ra TNGT nghiêm trọng. Qua xác minh, những nguyên nhân dẫn đến TNGT thường rơi vào các trường hợp như chạy quá tốc độ quy định, sử dụng rượu bia khi lái xe, lưu thông vào đường cấm...
Đáng nói, phần lớn nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn tại các "điểm đen" đều xuất phát từ ý thức người đi đường. Tại một số "điểm đen", dù các cơ quan chức năng đã khắc phục nhưng vẫn tiếp tục xảy ra tai nạn.
Theo Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn Giao thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tường, để giảm nhiều hơn các vụ TNGT, ngoài việc tổ chức phân luồng, thì cần phải thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm răn đe các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đồng thời hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông để hướng tới giảm và xóa các "điểm đen" TNGT trên địa bàn thành phố.
Nguồn: Nhân Dân