Công trình chậm tiến độ, ẩn họa tai nạn giao thông

Thứ ba, 22/07/2014 00:00 GMT+7

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh), đoạn qua các xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ và xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar (Đắc Lắc) được khởi công tháng 6/2013, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2014. Thế nhưng đến đầu tháng 7/2014, dự án bị dừng thi công do chủ đầu tư thiếu năng lực và có dấu hiệu sai phạm.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh), đoạn qua các xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ và xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar (Đắc Lắc) được khởi công tháng 6-/013, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2014. Thế nhưng đến đầu tháng 7/2014, dự án bị dừng thi công do chủ đầu tư thiếu năng lực và có dấu hiệu sai phạm.

 

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh) có tổng chiều dài 25,46km (từ Km 1738+148 - Km 1763+610), được thiết kế đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, quy mô 2 làn xe cơ giới, vận tốc 60-80km/h. Đây là Dự án đầu tư theo hình thức BOT, do liên danh Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, Công ty CP Đông Hưng Gia Lai và Công ty CP Sê San 4A làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 836 tỷ đồng. Sau khi được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận, ba đơn vị trên đã thành lập Công ty CP BOT Quang Đức làm đại diện chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai, Công ty CP BOT Quang Đức lại ký hợp đồng với Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức làm đại diện chủ đầu tư liên danh và nhà thầu.

Xe máy phục vụ thi công công trình nằm dài khi chủ đầu tư bị chấm dứt hợp đồng

Như vậy, toàn bộ hoạt động của dự án đều do Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức điều hành và quyết định. Công ty này đã đứng ra ký hợp đồng thi công với các nhà thầu. Tuy nhiên, do việc ký kết hợp đồng thi công, thanh quyết toán giá trị khối lượng công việc đã thi công giữa đại diện chủ đầu tư với đơn vị thi công chậm trễ và thiếu minh bạch, gây nhiều khó khăn về tài chính cho các đơn vị thi công, dẫn tới thi công cầm chừng. Đây là lý do khiến cho công trình không chỉ chậm tiến độ, mà còn gây ra nhiều ẩn họa, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Được biết, tại đoạn đường thi công qua trung tâm xã Cuôr Đăng từ khi khởi công xây dựng đến nay, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, điển hình là ngày 16-7 vừa qua tại đây đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 1 người, bị thương 1 người. Nguyên nhân là do các đơn vị thi công không thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, trong khi đó lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên đoạn đường này rất đông.

Chị Bùi Thị Tuyết Nga, người dân buôn Cuôr Đăng A bức xúc: Từ đầu năm đến nay, đoạn đường bị đào bới lên và thi công cầm chừng. Thậm chí, gần đây ngừng hẳn thi công khiến việc sinh hoạt, kinh doanh của bà con hai bên đường gặp nhiều khó khăn và lo ngại về mất an toàn giao thông. Nhất là khoảng thời gian các đơn vị thi công rút đi, vật liệu tập kết ngổn ngang, mặt đường bị đào bới nham nhở trở thành những cái bẫy, tiềm ẩn tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông rất cao.

Trong các ngày 16 và 17-7, theo quan sát và tìm hiểu của chúng tôi, hàng chục xe máy của các đơn vị thi công, gồm Công ty Hoàng Nhi và Công ty TNHH An Nguyên đã tập kết vào bãi đậu, chờ di chuyển khỏi công trường, do chủ đầu tư đã bị Ban quản lý Dự án đề nghị chấm dứt hợp đồng. Mặc dù dự án khởi công đã được hơn 1 năm, nhưng thực tế các đơn vị thi công mới thực hiện từ đầu năm 2014 đến nay. Bên cạnh đó, do việc thanh toán giá trị khối lượng công việc giữa đại diện chủ đầu tư với các nhà thầu thi công chậm trễ và thiếu minh bạch, nên công tác thi công triển khai cầm chừng, dẫn đến khối lượng công việc đạt thấp. Tính đến thời điểm bị đề nghị ngừng thi công, các gói thầu mới thực hiện được tổng trị giá 40 tỷ đồng. Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh khẳng định: “Với tổng mức đầu tư dự án 836 tỷ đồng, lẽ ra đến tháng 6-2014 chủ đầu tư phải huy động 273 tỷ đồng. Nhưng thực tế nhà đầu tư mới huy động được 76 tỷ đồng, gồm 38 tỷ đồng của chủ đầu tư và 38 tỷ đồng vốn vay”. Điều này cho thấy, nhà đầu tư thiếu nghiêm trọng về năng lực tài chính để đầu tư thi công công trình.

Theo phản ánh của các đơn vị thi công, trong quá trình thanh quyết toán cho các đơn vị thi công, đại diện chủ đầu tư là Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức đã thiếu minh bạch về tài chính, như tạm giữ 20% giá trị các gói thầu (5% chờ quyết toán, 5% bảo hành công trình và 10% giá trị phần nền đường). Cũng theo các đơn vị thi công, để được nhận thi công công trình, phía chủ đầu tư còn buộc các nhà thầu thi công phải chiết giảm tới 30% tổng giá trị các gói thầu theo hồ sơ thiết kế.

Với những yếu kém, sai phạm nêu trên, nên vào ngày 5-7 vừa qua sau khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng kiểm tra trên công trường đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh xem xét chấm dứt hợp đồng đối với Công ty cổ phần BOT Quang Đức. Ngày 17-7, thông tin từ Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh cho biết: Đơn vị đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc chấm dứt hợp đồng với Công ty cổ phần BOT Quang Đức. Việc chấm dứt hợp đồng với Công ty Cổ phần BOT Quang Đức là đúng, có cơ sở. Song để bảo đảm tiến độ công trình thì Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh cần sớm lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thay thế. Có như vậy, tiến độ thi công mới được bảo đảm, không ảnh hưởng đến tiến độ toàn tuyến và không gây tác động xấu đến tình hình giao thông cũng như đời sống người dân trên địa bàn.

                                                                                                                             Nguồn: Báo QĐND


 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)