Bắc Ninh: Thực hiện cao điểm xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Thứ sáu, 08/11/2013 00:00 GMT+7
Tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Những tháng cuối năm này, lượng người sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông càng tăng cao so các thời điểm trong năm, vì đây là dịp diễn ra nhiều việc như cưới xin, hội hè, tổng kết năm... Vì vậy các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Công an đang nỗ lực vào cuộc thực hiện cao điểm phòng, chống rượu, bia với ATGT, nhằm hạn chế mức thấp nhất tai nạn xảy ra.
Tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Những tháng cuối năm này, lượng người sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông càng tăng cao so các thời điểm trong năm, vì đây là dịp diễn ra nhiều việc như cưới xin, hội hè, tổng kết năm... Vì vậy các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Công an đang nỗ lực vào cuộc thực hiện cao điểm phòng, chống rượu, bia với ATGT, nhằm hạn chế mức thấp nhất tai nạn xảy ra.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban ATGT Quốc gia thì cả nước có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia và 11% số người tử nạn trong tham gia giao thông là do rượu, bia. Việc uống rượu, bia cũng đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều người. Trong khi đó, rất nhiều người, nhất là đối tượng thanh niên uống rượu, bia vẫn thản nhiên tham gia giao thông và không kiểm soát được hành vi của mình khi lưu thông trên đường.

Thượng tá Nguyễn Đức Tân, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) nhận định: “Người uống rượu, bia khi tham gia giao thông thường phản xạ rất chậm khi gặp chướng ngại vật trên đường, chủ quan vào tay lái của mình nên tai nạn rất dễ xảy ra. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi cũng đã tập trung lực lượng, phương tiện nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi này, nhưng hiệu quả vẫn rất hạn chế. Trong tổng số hơn 5.000 trường hợp bị kiểm tra thì chỉ xử lý được khoảng gần 100 trường hợp vi phạm. Nếu không có những giải pháp ngăn chặn kịp thời thì những tháng cuối năm này, tai nạn liên quan đến rượu bia có thể sẽ xảy ra rất nhiều”.

Trước thực trạng trên, ngày 25-10, Công an tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch 1066 về tuyên truyền, kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu kiểm soát, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, hạn chế thấp nhất tai nạn xảy ra. Ngay sau khi Kế hoạch được ban hành, tất cả lực lượng Công an trong toàn tỉnh, nòng cốt là lực lượng CSGT đã đồng bộ vào cuộc thực hiện nghiêm cao điểm xử lý nồng độ cồn những tháng cuối năm. Công tác tuần tra, kiểm soát được thực hiện bài bản, theo từng bước như khảo sát, nắm chắc tuyến đường, địa bàn, thời điểm thường xuyên vi phạm... để kiểm tra, xử lý hiệu quả nhất.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, huy động các phương tiện nghiệp vụ như camera, máy ảnh, máy đo nồng độ cồn... để ghi lại hình ảnh vi phạm, nhằm răn đe các đối tượng. Khi phát hiện các đối tượng vi phạm có hành vi chống đối, hoặc lượng bia, rượu trong người nhiều có thể tạm giữ phương tiện, thậm chí phối hợp cùng các cơ sở y tế tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trong máu khi cần thiết. Từ đó mới có thể giáo dục được ý thức người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, nếu chỉ có các lực lượng chức năng vào cuộc chưa đủ, để thực sự ngăn chặn được hiểm họa từ nồng độ cồn trong tham gia giao thông thì rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, nhất là ý thức của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông. Các cơ quan, ban, ngành, chính quyền các địa phương nên có sự chỉ đạo, thậm chí nghiêm cấm cán bộ, công nhân viên chức, người lao động không uống rượu, bia trong ngày làm việc. Hạn chế việc uống rượu trong các buổi tổng kết, hội họp. Ở mỗi thôn, xóm, khu dân cư cần văn minh hơn trong việc tổ chức ma chay, cưới xin... góp phần hạn chế việc sử dụng rượu, bia trong tham gia giao thông.

Nguồn: Báo Bắc Ninh
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)