Thái Nguyên: Cần có giải pháp quyết liệt với xe quá tải

Thứ hai, 15/07/2013 00:00 GMT+7
Theo thống kê của cơ quan chức năng, nhiều đoạn trên các tuyến đường nhựa của huyện Đại Từ bị nứt, lún, một số cây cầu đã xuống cấp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do sự lưu thông thường xuyên của các phương tiện chở quá tải.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, nhiều đoạn trên các tuyến đường nhựa của huyện Đại Từ bị nứt, lún, một số cây cầu đã xuống cấp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do sự lưu thông thường xuyên của các phương tiện chở quá tải.

Cầu Suối Mang và cầu Điệp là 2 cây cầu xuống cấp nghiêm trọng nhất trên tuyến Quốc lộ 37, đoạn thuộc địa phận huyện Đại Từ. Theo đánh giá của Hạt Quản lý đường bộ 3, đơn vị trực tiếp quản lý Quốc lộ 37 đoạn từ Km139 đến Km172, thì cả 2 cây cầu này đều bị vỡ bê tông cánh dầm ngang bản mặt cầu, hở phần cốt thép ra ngoài. Nhiều đoạn mặt cầu và một số dầm bê tông xuất hiện vết nứt. Đối với cầu Suối Mang, Sở Giao thông Vận tải đã khẩn cấp xây dựng cầu tạm bên cạnh cho các phương tiện có tải trọng lớn và tích cực khắc phục, sửa chữa cầu. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ 568 đã đặt rào chắn, biển cấm, cử người chốt chặn 24/24 để đảm bảo không có phương tiện quá tải đi qua ảnh hưởng đến quá trình thi công. Mặc dù vậy, khi chúng tôi có mặt, một số xe tải vẫn tìm cách lách qua rào chắn để qua cầu, có trường hợp 2 xe có tải trọng lớn cùng đi lên cầu, gây tắc nghẽn giao thông khiến các công nhân trực gác rất vất vả mới có thể giải tỏa.

Không chỉ có cầu Điệp và Suối Mang mà hơn 10 cây cầu khác trên tuyến Quốc lộ 37 cũng đang xuống cấp. Ông Trần Đăng Tùng, Hạt phó Hạt Quản lý đường bộ 3 cho biết: Phần lớn các cây cầu này được xây dựng từ năm 1980 đến năm 1990, theo thiết kế cũ, chịu tải trọng tối đa 30 tấn, có cây cầu chỉ chịu tải trọng 13 tấn. Trong khi đó, mỗi ngày các cây cầu này vẫn phải chịu hàng trăm lượt xe có tải trọng lớn hơn tải trọng cho phép của cầu 2 đến 3 lần. Ngoài việc cầu xuống cấp, 32km Quốc lộ 37 đoạn qua huyện Đại Từ cũng đã đến thời điểm phải nâng cấp, mặt đường nhiều đoạn đã bị nứt, lún. Tuy nhiên, thực tế tuyến đường này phải chịu nhiều xe vượt tải trọng cho phép. Cầu và đường đã đến thời điểm cần sửa chữa, cộng thêm tình trạng quá tải liên tục dẫn đến hạ tầng giao thông toàn tuyến xuống cấp.

Bên cạnh Quốc lộ 37, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ trên địa bàn huyện Đại Từ cũng có nhiều biểu hiện xuống cấp. Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, hơn 70km đường tỉnh và 132km đường huyện đã xuống cấp từ 10% đến 30%. Đặc biệt một số tuyến xuống cấp đến hơn 50%, cục bộ có đoạn đã hỏng hoàn toàn. Theo quan sát của chúng tôi trên tuyến đường liên xã Đại Từ - Mỹ Yên, phần lớn tuyến đường đã bị xuống cấp, mặt đường không bằng phẳng, nghiêm trọng nhất là khoảng 50m đường ở cổng Khu Di tích lịch sử 27/7 đã xuống cấp hoàn toàn. Bề mặt dải nhựa bị vỡ nát, chỉ còn lại lớp cấp phối phía dưới. Một số hộ dân sống gần đây cho biết, hằng ngày, đoạn đường này chịu đựng gần nhiều lượt xe quá tải đi qua, một số xe còn dừng lại đây để sang tải hoặc nghỉ ngơi, dẫn đến đoạn đường này xuống cấp nhanh chóng.

Tuyến đường liên xã Cù Vân - An Khánh dài 7,5km, nối giữa cụm công nghiệp An Khánh 1 với tuyến Quốc lộ 37 hiện nay cũng đã hư hỏng khá nghiêm trọng. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ, khoảng 7km của tuyến đường này đã xuống cấp hơn 50%, nền đường bong tróc, mặt đường có nhiều ổ gà, ổ voi. Ông Vương Văn Thành, Trưởng xóm Đồng Sầm, xã An Khánh, người dân sống gần đường cho biết: Tuyến đường Cù Vân - An Khánh chỉ chịu tải trọng tối đa 13 tấn nhưng có những xe hàng trăm tấn vẫn đi qua khiến đường bị hư hỏng nặng. Nhiều người dân đã đâm vào ổ gà và bị tai nạn ở đây. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có chế tài xử lý triệt để xe quá tải và yêu cầu các doanh nghiệp hỗ trợ để nhanh chóng khắc phục tuyến đường.

Ông Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND, Phó ban Thường trực Ban An toàn giao thông huyện Đại Từ cho biết: Để ngăn chặn việc xuống cấp hạ tầng giao thông, cần có những biện pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng và có những biện pháp bắt buộc để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và đại bộ phận nhân dân. Ngoài việc có chế tài xử lý dứt điểm xe quá tải, các bộ chức năng cũng cần cấp đầy đủ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng kịp thời các tuyến đường, tránh việc hạ tầng giao thông xuống cấp quá nghiêm trọng, phải xây dựng lại hoàn toàn, gây tốn kém, lãng phí tiền của Nhà nước.

Nguồn: Báo Thái Nguyên
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)