Cảnh sát đường thủy tăng cường kiểm tra các tuyến sông

Thứ sáu, 30/08/2013 00:00 GMT+7
Những vụ tai nạn đường thủy để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Để hạn chế tình trạng này, nhiều địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến sông.
Những vụ tai nạn đường thủy để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Để hạn chế tình trạng này, nhiều địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến sông.

Giao thông đường thủy nội địa vẫn tiềm ẩn sự mất an toàn. Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số người chết vì tai nạn giao thông đường thủy chỉ chiếm 1% so với tai nạn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, những vụ tai nạn đường thủy để lại hậu quả rất nghiêm trọng, tác động xấu đến đời sống xã hội. Để hạn chế tình trạng này, nhiều địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến sông.

Kết quả kiểm tra tại các tuyến giao thông đường thủy như tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Đà của lực lượng Cảnh sát đường thủy, Công an Hà Nội cho thấy, 85% chủ phương tiện không chấp hành đúng quy định về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, hầu hết các thiết bị an toàn trang bị cho tàu du lịch cũng như hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải chỉ mang tính hình thức, công tác bảo dưỡng kỹ thuật chưa được chú trọng, tình trạng tàu chở khách quá số ghế diễn ra khá phổ biến.

Đáng lo ngại là lái tàu sử dụng phương tiện vượt quá quy định về chủng loại ghi trong bằng lái. Các bến đò ngang không đủ điều kiện an toàn vẫn lén lút hoạt động…Ngoài ra, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên nhiều tuyến sông diễn ra khá phổ biển làm ảnh hưởng không tốt đến an toàn giao thông đường thủy.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm soát các bến cảng cũng như phương tiện tham gia giao thông qua địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra các thiết bị cảnh báo trên sông như đèn phao, biển hiệu chỉ dẫn phương tiện.

Thượng tá Nguyễn Văn Cương, phó phòng Cảnh sát đường thủy, Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Sự hợp tác của chính quyền địa phương với lực lượng chức năng trong việc quản lý phương tiện tham gia giao thông không chặt chẽ… Khi ngành chức năng thu giữ phương tiện vi phạm và giao cho chính quyền địa phương nhưng chỉ trong thời gian ngắn họ lại cho phương tiện hoạt động lại. Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ cũng như lãnh đạo thành phố là cần phải gắn trách nhiệm cho chính quyền địa phương, nếu địa phương nào để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy thì lãnh đạo địa phương đấy phải chịu trách nhiệm do buông lỏng quản lý”.

Tỉnh Bắc Ninh có 3 con sông chính chảy qua là sông Đuống, sông Cầu và sông Thái Bình với tổng chiều dài trên 120 Km. Những năm gần đây, phương tiện tham gia giao thông đường thủy trên địa bàn tăng mạnh cả về số lượng và chủng loại, tuyến hình hoạt động đa dạng hơn. Bắc Ninh có địa hình đặc thù đường sông tồn tại nhiều bãi cạn, nhiều điểm nóng về khai thác cát sỏi trái phép cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông đường thủy...

Trung tá Phạm Trọng Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, chế tài xử phạt mạnh nhất đối với các trường hợp vi phạm là tịch thu phương tiện nhưng cái khó là không thể triển khai rộng do thiếu nơi tập kết.

“Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các phương tiện và chủ tàu vi phạm luật giao thông cũng như là các lái tàu không đủ bằng cấp…Các bến đò ngang không được phép hoạt động mà cố tình hoạt động cũng sẽ bị tịch thu phương tiên, kể cả những tàu thiếu phao cá nhân cho hành khách cũng không được hoạt động…”, Trung tá Sơn cho biết thêm.

Ngoài những biện pháp mạnh như tịch thu phương tiện, xử phạt hành chính…ngành chức năng các địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền về luật giao thông đường thủy thông qua hệ thống phát thanh của địa phương cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Ông Hoàng Văn Phúc, người dân huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh thường xuyên hoạt động kinh doanh trên sông cho biết, bản thân ông cũng tự ý thức được về việc chấp hành luật cũng như các quy định nhà nước trong hoạt động đường thủy nội địa. “Người dân kinh doanh như chúng tôi thường xuyên vận chuyển hàng hóa trên sông cũng ý thức được việc an toàn khi tham gia giao thông. Do vậy, chúng tôi đã trang bị những trang thiết bị an toàn vì nếu có sự cố xảy ra thì người chịu thiệt hại đầu tiên là chúng tôi, mất mát tài sản cũng như nguy hiểm đến tính mạng. Về việc bằng cấp lái tàu cũng như việc kiểm định phương tiện, chúng tôi luôn chấp hành theo đúng quy định", ông Phúc cho biết thêm.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng trong việc chấn chỉnh trật tự giao thông đường thủy, thời gian tới an toàn sông nước sẽ có chuyển biến tích cực, hạn chế tối đa những vụ tai nạn thương tâm để hoạt động sông nước được bình yên.

Nguồn: VOVGT
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)