Phú Thọ: Tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa

Thứ năm, 05/09/2013 00:00 GMT+7
Là tỉnh miền núi, Phú Thọ có 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Lô và sông Đà cùng với sông Bứa, sông Chảy với tổng chiều dài 301km đáp ứng cho tất cả các phương tiện thủy từ 100 đến 400 tấn thông qua. Các sông đã hợp lưu thành một mạng lưới giao thông đường thủy phủ kín, thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa, hành khách và giao lưu giữa các miền trong tỉnh cũng như với các tỉnh bạn.
Là tỉnh miền núi, Phú Thọ có 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Lô và sông Đà cùng với sông Bứa, sông Chảy với tổng chiều dài 301km đáp ứng cho tất cả các phương tiện thủy từ 100 đến 400 tấn thông qua. Các sông đã hợp lưu thành một mạng lưới giao thông đường thủy phủ kín, thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa, hành khách và giao lưu giữa các miền trong tỉnh cũng như với các tỉnh bạn. Với ¬¬¬¬trên 90 thuyền khách, phà khách có sức chở từ 12 đến 25 người hoạt động trên 80 bến khách ngang sông trong tỉnh, những phương tiện chở khách ngang sông này đã góp phần nâng cao năng lực vận chuyển, lưu thông cho một số lượng hành khách để thúc đẩy và góp phần phát triển về kinh tế, văn hóa – xã hội.

Từ tháng 8 năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh tuy chưa xảy ra vụ việc nghiêm trọng gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa nói chung cũng như trong hoạt động của các bến khách và phương tiện chở khách ngang sông nói riêng, song vẫn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn mà nguyên nhân do chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của phương tiện, người điều khiển không có bằng, chứng chỉ phù hợp; vi phạm quy định về mặc áo phao, dụng cụ nổi cầm tay, phương tiện chở quá số người quy định.

Nhằm tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, hàng năm Sở GTVT đã xây dựng một số văn bản quản lý, đề nghị các cơ quan chức năng; các huyện, thành, thị chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động an toàn giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ), trong đó đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn Luật giao thông ĐTNĐ tới các chủ bến khách và phương tiện chở khách ngang sông, yêu cầu các chủ bến, chủ tàu thực hiện nghiêm túc Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải khách ngang sông. Tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động vận chuyển hành khách ngang sông, dọc sông, trong lòng hồ, các khu vui chơi giải trí và một số tuyến đường thủy nội địa. Cương quyết đình chỉ và xử lý nghiêm các phương tiện hoạt động không đảm bảo an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện không có đầy đủ bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; phương tiện chở khách không trang bị đủ áo phao, dụng cụ nổi cầm tay, phương tiện chở quá số người quy định, bến khách ngang sông không đủ điều kiện an toàn, hoạt động trái phép. Chỉ đạo các bến khách không cho phương tiện xuất bến khi vẫn còn hành khách không mang, mặc áo phao cứu sinh hoặc sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.

Qua kiểm tra thực tế tại một số bến khách và phương tiện chở khách ngang sông trên tuyến sông Lô và sông Hồng, nhận thấy các bến khách đều có giấy phép mở bến, đường lên xuống bến được bê tông hóa và đảm bảo an toàn; có biển nội quy bến khách đặt ở nơi dễ xem, dễ đọc. Phương tiện đảm bảo chất lượng; có đầy đủ các giấy tờ theo quy định như giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Các trang bị đảm bảo an toàn như phao, áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh, neo, dây, cầu… được trang bị đủ về số lượng. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục đó là: Việc xếp đặt hợp lý các dụng cụ, trang bị an toàn cho phương tiện và hành khách như áo phao, dụng cụ cứu sinh, neo, dây, dụng cụ chống thủng… Đặc biệt là việc vận động và phát áo phao, dụng cụ cứu sinh, yêu cầu hành khách phải mang mặc trước khi phương tiện xuất bến chưa được chủ bến, chủ tàu chú trọng thường xuyên. Anh Nguyễn Văn Xuân- chủ tàu tại bến khách Dữu Lâu (Việt Trì) cho biết: “Theo quy định thì bắt buộc hành khách đi tàu phải mặc áo phao nhưng do phương tiện có chất lượng tốt hơn trước nên chỉ khi nào có nước lớn hoặc trời dông, bão hành khách mới sử dụng áo phao”.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, ngoài ngành giao thông cần có sự vào cuộc của công an, chính quyền địa phương từ huyện, thành, thị đến xã, phường nơi có bến khách, đặc biệt trong mùa mưa, lũ, trong những dịp lễ, tết. Trong việc kiểm tra các thủ tục, giấy tờ và các trang bị đảm bảo an toàn giao thông ĐTNĐ của bến khách và phương tiện chở khách, cùng với việc xử lý vi phạm buộc chủ bến, chủ phương tiện phải khắc phục ngay những tồn tại. Trường hợp tái phạm cần kiên quyết đình chỉ hoạt động.

Cùng với chức năng quản lý chuyên ngành, Sở GTVT đã chú trọng phát triển hạ tầng GT ĐTNĐ; Sở đã xúc tiến đầu tư các tiểu dự án bến khách ngang sông tại bến Phương Xá và bến đò Lời qua sông Hồng tại các huyện Cẩm Khê, Thanh Ba, Tam Nông, Lâm Thao thuộc dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc bộ sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới (WB) và đối ứng của Bộ GTVT. Mục tiêu của dự án là: Ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến hành lang đường thủy chính, các cảng sông, các bến khách ngang sông thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ nhằm nâng cao năng lực thông qua, tính hiệu quả và an toàn cho hệ thống hạ tầng giao thông, hỗ trợ thể chế và nâng cao năng lực quản lý và phát triển kinh tế vận tải. Với thời gian thực hiện từ năm 2012 đến 2013. Đến nay đã hoàn thành một số hạng mục và quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ, giúp cho việc đi lại của người dân ngày càng an toàn, thuận lợi.
Nguồn: Báo Phú Thọ
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)