Quảng Nam: Phối hợp đảm bảo an toàn giao thông còn nhiều việc phải làm

Thứ tư, 30/01/2013 00:00 GMT+7
Các lực lượng phối hợp đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện Quy chế liên ngành 137/QC-LN giữa ngành giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam và công an, tuy nhiên kết quả đạt được trong năm qua chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Các lực lượng phối hợp đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện Quy chế liên ngành 137/QC-LN giữa ngành giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam và công an, tuy nhiên kết quả đạt được trong năm qua chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cũng như Quy chế liên ngành số 137/QC-LN của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong bảo đảm TTATGT đường bộ, Sở GTVT và Công an tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành số 474/QC-LN. Ông Trần Thanh An - Phó Giám đốc Sở GTVT kiêm đồng Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành cho biết, ban đã yêu cầu các lực lượng thanh tra GTVT, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh (PC67) phối hợp xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Quy chế 474/QC-LN.

Cùng thực thi nhiệm vụ, trong năm qua, 3 lực lượng nói trên huy động 240 lượt cán bộ, chiến sĩ ra quân làm công tác đảm bảo TTATGT chủ yếu trên tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn. Chủ yếu là bảo vệ công trình giao thông và hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB), các điểm phức tạp gây ùn tắc giao thông; xử lý các xe dù, bến cóc, phương tiện vi phạm dừng đỗ không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT. Tuy các lực lượng phối hợp đã có nhiều cố gắng, nhưng kết quả đạt được khá khiêm tốn khi mới phát hiện và lập biên bản vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ 55 trường hợp, phạt trên 40 triệu đồng; xử phạt 3 xe chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ, 1 trường hợp vi phạm HLATĐB. Họp chợ gây ách tắc giao thông vào thời gian cao điểm diễn ra thường xuyên trên tuyến quốc lộ 1, song 3 lực lượng chủ công này chỉ có 11 lần “đến hẹn lại lên” phối hợp ra quân giải tỏa, cùng với sự thiếu quan tâm của địa phương khiến tình hình chậm tiến triển.

Hiệu quả triển khai quy chế phối hợp cũng không khá hơn trong đảm bảo TTATGT vận tải đường bộ. Thanh tra GTVT, PC64, PC67 phát hiện và lập biên bản xử lý 42 trường hợp vi phạm về dừng đón, trả khách không đúng nơi quy định, 1 xe dù (chạy không đúng tuyến quy định), 4 xe chở quá tải trọng thiết kế cho phép, 3 xe chở hàng gây ô nhiễm môi trường, 2 xe kinh doanh vận tải hàng hóa không có hợp đồng vận tải và giấy vận chuyển, 1 trường hợp đi vào đường cấm… Kết quả này còn khá khiêm tốn so với thực tế, nhất là trong lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ rất phức tạp, sai phạm diễn ra tràn lan. Điều này cho thấy, việc phối hợp giữa các lực lượng nói trên chưa mang tính toàn diện, mới chỉ dừng lại ở một số nội dung cấp bách; kinh phí hoạt động cũng chưa có quy định cụ thể…

Các hoạt động phối hợp của thanh tra GTVT, PC67 và PC64 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo TTATGT. Tuy vậy, theo ông Trương Khuê - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, hiệu quả công tác sẽ cao hơn nếu các lực lượng cùng tháo gỡ nhiều tồn tại. Cụ thể là sự phối hợp chưa chặt chẽ, thường xuyên; một số đơn vị chưa thật sự chủ động; chưa thực hiện được việc triển khai nhiệm vụ với công an các huyện, thành phố theo quy chế, việc cưỡng chế các trường hợp vi phạm HLATĐB còn hạn chế.

Đề xuất giải pháp cho công tác quản lý HLATĐB, ông Võ Quang Lâm - Chánh Thanh tra Sở GTVT kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo cho rằng lực lượng liên ngành sau khi được kiện toàn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư. Tiến hành rà soát, thống kê lập bản đồ hành lang tuyến hiện hữu trên các tuyến đường từ quốc lộ đến đường huyện, rồi giao cho địa phương có tuyến đường đi qua quản lý. Ngoài ra, định kỳ kiểm tra bản đồ hành lang tuyến, có biện pháp chế tài, xử lý nơi để xảy ra vi phạm mới; thực hiện ngay cưỡng chế đối với người vi phạm không chấp hành các quyết định xử phạt. Bởi có một thực tế, thanh tra GTVT tuy có chức năng xử phạt song không có lực lượng hỗ trợ cưỡng chế (công an, quân đội…), mặt khác phải có sự đồng thuận và quyết tâm cao của chính quyền địa phương thì mới làm được. Do vậy, ngành công an cần phối hợp chặt chẽ khi có đề nghị hỗ trợ trong mọi tình huống, đề phòng trường hợp người dân manh động. Tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND cấp huyện, thành phố tiếp nhận hồ sơ xử phạt từ lực lượng thanh tra chuyển sang để ra quyết định cưỡng chế, như vậy việc này mới khả thi.

Ông Lâm khẳng định phải xử phạt thật nghiêm, công bằng và đúng theo quy định của pháp luật vừa nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân, đồng thời góp phần làm “lành mạnh hóa” sự cạnh tranh trên thị trường kinh doanh vận tải. Công an các địa phương chủ động tuần tra, kiểm soát, xử phạt các trường hợp xe quá khổ, quá tải đi qua các tuyến đường trên địa bàn mình; tăng cường tổ chức phối hợp giữa cảnh sát giao thông với thanh tra GTVT. Đi đôi với biểu dương, phổ biến kinh nghiệm tập thể, cá nhân làm tốt, cần phân tích, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, lên án hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, phép nước trong đảm bảo TTATGT. Còn theo ông Trương Khuê, trong công tác tuần tra, kiểm soát cần tiến hành đồng thời công tác tuyên truyền. Thời gian đến, lực lượng chức năng phải có kế hoạch cụ thể, xử lý thường xuyên và theo chuyên đề, đặc biệt tập trung trong chiến dịch tết. Ban ATGT tỉnh sẽ hỗ trợ 2 ngành và các địa phương về mặt kinh phí, nhưng cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể sát với tình hình của tỉnh, cử đủ lực lượng tham gia...

Theo báo Quảng Nam
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)