Bà Rịa - Vũng Tàu: Kinh nghiệm kiềm chế tai nạn giao thông từ tỉnh An Giang

Thứ hai, 17/06/2013 00:00 GMT+7
Ban ATGT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức chuyến giao lưu, học tập kinh nghiệm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) ở tỉnh An Giang, địa phương đã từng đứng đầu danh sách các tỉnh có số vụ TNGT tăng cao, nhưng hiện nay tình hình TNGT ở đây đã giảm đáng kể. Chuyến đi đã cho đoàn cán bộ phụ trách công tác ATGT của tỉnh những trải nghiệm đáng giá.
Ban ATGT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức chuyến giao lưu, học tập kinh nghiệm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) ở tỉnh An Giang, địa phương đã từng đứng đầu danh sách các tỉnh có số vụ TNGT tăng cao, nhưng hiện nay tình hình TNGT ở đây đã giảm đáng kể. Chuyến đi đã cho đoàn cán bộ phụ trách công tác ATGT của tỉnh những trải nghiệm đáng giá.

Chia sẻ kinh nghiệm với đoàn, ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó ban thường trực Ban ATGT tỉnh An Giang cho biết, năm 2012, An Giang nằm trong danh sách các tỉnh có 3 chỉ số về TNGT đều tăng cao. 2 tháng đầu năm 2013, An Giang đã bị Chính phủ phê bình vì số vụ TNGT tiếp tục tăng, nhưng đến hết quý I-2013 đã giảm được 6%.

Cũng như các địa phương khác, trước tình hình TNGT tăng đột biến, tỉnh An Giang đã triển khai các giải pháp cấp bách. Cấm uống bia rượu vào giờ hành chính là việc không mới với các tỉnh, nhưng với An Giang, quy định này không chỉ thực hiện trong cán bộ, công nhân viên chức, mà còn áp dụng với toàn dân. Bên cạnh việc hạn chế bia, rượu, tỉnh còn thành lập đội đặc nhiệm, hoạt động vào ban đêm từ 22 giờ trở đi. Đội đặc nhiệm tuần tra không chỉ trên các tuyến đường đô thị, mà còn xuống tận ngõ ngách, nhất là các khu vực đông dân cư, gần khu vui chơi, giải trí, quán nhậu. Ai uống rượu, bia say xỉn ra đường gặp đội đặc nhiệm sẽ bị giữ xe, còn nếu vi phạm luật giao thông sẽ bị xử lý nghiêm. “Chủ tịch UBND tỉnh tuyên bố không có chuyện xin xỏ. Bất cứ ai vi phạm cũng xử lý như nhau. Cán bộ nào xin cho con cái, người thân sẽ bị kỷ luật” - ông Nguyễn Thành Tâm cho biết. Mặc dù An Giang chú trọng phát triển hoạt động du lịch, nhưng tỉnh vẫn không ngần ngại xử phạt nặng các trường hợp du khách vi phạm luật giao thông. 5 tháng đầu năm 2013, tổng số tiền phạt vi phạm luật giao thông thu nộp ngân sách hơn 55 tỷ đồng. Tỉnh đã sử dụng 4,7 tỷ đồng để xử lý 50 điểm đen. “Tiền xử phạt thì phải đưa vào phục vụ cho công tác ATGT vì vốn ngân sách chi cho công tác duy tu sửa chữa đường không đủ để chi cho việc này” - ông Nguyễn Thành Tâm chia sẻ. Ở An Giang, bất cứ nơi nào có nguy cơ gây tai nạn giao thông cũng đều được xếp vào điểm đen, chứ không nhất thiết phải theo quy định của Bộ GTVT.

Theo quy định chung, việc tuần tra kiểm soát giao thông các tuyến đường được phân cấp theo luật: Công an tỉnh kiểm soát đường quốc lộ, công an huyện kiểm soát tỉnh lộ, đường đô thị và nông thôn trên địa bàn. Ở An Giang, công an cấp huyện tuy không có trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên tuyến quốc lộ, tuy nhiên khi cần thiết thì lực lượng này sẽ được huy động khẩn cấp. Bên cạnh đó, những đoạn đường trọng điểm như tỉnh lộ từ TP. Long Xuyên đến Châu Đốc thường xuyên có lưu lượng xe du lịch lớn thì tỉnh không phân cấp. Nơi nào thường xảy ra tai nạn thì công an tỉnh sẽ lập chốt, không cần phân biệt quốc lộ hay tỉnh lộ. Còn trách nhiệm thì lại rạch ròi, ai tuần tra, kiểm soát tuyến đường nào phải chịu trách nhiệm trên tuyến đường đó. Ông Lê Việt Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, huyện Châu Phú có 33km đường quốc lộ đi ngang qua, trước đây đoạn đường này thường xuyên xảy ra TNGT nghiêm trọng. Chủ tịch UBND huyện bức xúc vì tuyến đường này được giao cho Cảnh sát giao thông tỉnh tuần tra, kiểm soát nhưng mỗi lần có tai nạn xảy ra thì lãnh đạo huyện lại bị phê bình. Từ thực tế đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao kết ai tuần tra, kiểm soát đoạn đường nào nếu xảy ra TNGT thì phải chịu trách nhiệm, trừ trường hợp xảy ra TNGT với người dân địa phương thì địa phương phải chịu. Ban ATGT huyện gọi vui đó là phương thức “khoán đường”.

Về công tác tuyên truyền luật giao thông, ông Lê Việt Cường cho rằng: “Lâu nay chúng ta chỉ tuyên truyền về phần ngọn, thực chất chưa đụng đến phần gốc”. “Phần gốc” theo ông Cường đó là người dân nông thôn và đối tượng thanh thiếu niên. Từ quan niệm đó, Ban ATGT An Giang có phương thức tuyên truyền khá độc đáo là soạn băng đĩa CD, VCD đưa xuống các trường học chiếu cho học sinh, sinh viên xem. Không những thế, các băng đĩa này còn được đưa đến các quán cà phê , bắt buộc chủ quán chiếu cho thanh, thiếu niên xem trước khi xem phim hay đá bóng. “Chỉ cần 3-5 phút, nhưng rất có tác dụng vì quán cà phê là nơi tập trung nhiều thanh niên, độ tuổi tham gia giao thông nhiều nhất” - ông Cường khẳng định.

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)