Giải pháp đối với các tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Thứ tư, 19/06/2013 00:00 GMT+7
Hiện nay, Quốc lộ 1 (đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến ranh giới Tỉnh Đồng Nai) lưu lượng xe lưu thông rất cao, nhất là xe tải nặng và xe container do đây là tuyến đường huyết mạch kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Nam với các tỉnh thành miền Trung, miền Bắc, nằm trên trục đường Xuyên Á (AH1) kết nối với cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), đặc biệt là trên cửa ngõ thông thương chính của Cụm cảng Cát Lái. Mặt đường hẹp nên không đủ điều kiện để làm dải phân cách tách làn xe hai bánh với làn xe ô tô (mỗi hướng rộng 11m được phân tách làm 03 làn đường).
Giải pháp đối với các tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Hiện nay, Quốc lộ 1 (đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến ranh giới Tỉnh Đồng Nai) lưu lượng xe lưu thông rất cao, nhất là xe tải nặng và xe container do đây là tuyến đường huyết mạch kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Nam với các tỉnh thành miền Trung, miền Bắc, nằm trên trục đường Xuyên Á (AH1) kết nối với cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), đặc biệt là trên cửa ngõ thông thương chính của Cụm cảng Cát Lái. Mặt đường hẹp nên không đủ điều kiện để làm dải phân cách tách làn xe hai bánh với làn xe ô tô (mỗi hướng rộng 11m được phân tách làm 03 làn đường).

Đường Tỉnh Lộ 10, quận Bình Tân với lưu lượng xe lưu thông cao do đây là tuyến đường chính kết nối với các khu Công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh Long An, do đó đoạn đường này tập trung nhiều xe tải và xe khách (xe bus) chở công nhân lưu thông vào giờ cao điểm. Mặt đường rất hẹp (7,5m), không thể bố trí được dải phân cách tim đường nhằm tách 02 chiều xe lưu thông ngược chiều để đảm bảo an toàn giao thông.
Đường Đồng Văn Cống là tuyến đường duy nhất ra vào Cảng Cát Lái và là đường chính kết nối huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) với thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, lưu lượng xe tải nặng và xe container lưu thông ra vào cảng là rất cao, trong khi đó một số đoạn trên tuyến chưa có dải phân cách tách được làn xe hai bánh với làn xe ôtô.

Đường Kha Vạn Cân với lưu lượng xe lưu thông cao, mặt đường hẹp (rộng trung bình từ 7-10m) với nhiều đoạn cong, nằm song song với tuyến đường sắt Bắc - Nam; thường bị ngập do triều cường. Dự án xây dựng đường đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài cũng đang rào chắn để thi công dọc tuyến đường này.

Do đó, với những hiện trạng như phân tích trên đây, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tiến hành một số công tác nhằm cải thiện và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với một số tuyến đường trên bao gồm như:

Đối với tuyến Quốc lộ 1 (đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến ranh giới Tỉnh Đồng Nai), do Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội đang triển khai thi công mở rộng Xa lộ Hà Nội theo đúng lộ giới quy hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết nguyên đán năm 2014. Trong dự án có hạng mục lắp đặt dải phân cách để tách làn xe hai bánh với làn xe ôtô. Ngoài ra, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 cũng đang triển khai thi công dự án “Xây dựng nút giao thông đại học Quốc gia” nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông tai nạn giao thông trên đoạn đường này. Sở Giao thông vận tải sẽ đôn đốc UBND quận 9 và UBND quận Thủ Đức bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để dự án kịp hoàn thành vào cuối năm 2014.

Đối với đường Tỉnh Lộ 10, quận Bình Tân để giảm tai nạn giao thông trên tuyến đường này, ngày 19/5/2012, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức giao thông 01 chiều xe ôtô đường Tỉnh Lộ 10 đoạn từ đường An Dương Vương đến Quốc lộ 1 (theo hướng lưu thông từ đường An Dương Vương đến Quốc lộ 1).

Hiện Sở Giao thông vận tải đang thực hiện xây dựng mới tuyến đường Tỉnh lộ 10B, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013 nếu UBND quận Bình Tân và UBND huyện Bình Chính bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, tuyến đường Tỉnh lộ 10B sẽ góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên đường Tỉnh lộ 10.
Đối với đường Đồng Văn Cống hiện có dự án Cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống (đoạn từ nút giao đường Vành Đai Đông đến Phà Cát Lái) đã cơ bản hoàn thành để tách làn xe hai bánh với làn xe ô tô. Sở Giao thông vận tải đã giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 nghiên cứu lắp đặt dải phân cách và xây dựng đường chui dưới cầu Giồng Ông Tố để giải quyết tình trạng giao cắt giữa làn xe rẽ trái từ Đồng Văn Cống vào Mai Chí Thọ với dòng xe rẽ phải. Tại giao lộ Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 xây dựng mô giảm tốc trên nhánh rẽ phải từ Đồng Văn Cống ra Mai Chí Thọ để cưỡng bức các loại xe ô tô giảm tốc độ khi qua giao lộ này.

Đối với đường Kha Vạn Cân, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 thực hiện mở rộng mặt đường để giải quyết điểm đen (đoạn từ đường số 8 đến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi) và sơn các cụm gờ giảm tốc, lắp đặt bảng cảnh báo “đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn” trên tuyến; Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 cũng thường xuyên phối hợp với đơn vị thi công Dự án xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài để giải quyết các sự cố trên tuyến.

Đối với cầu vượt Cát Lái, quận 2, hiện nay, hạng mục nút giao thông Cát Lái nằm trong gói thầu số 2 thuộc dự án Đại lộ Đông Tây vẫn chưa được Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu, Sở Giao thông vận tải đang thực hiện công tác tạm quản lý (thực hiện công tác tuần tra, vệ sinh mặt cầu). Do đó, trách nhiệm chính về mặt kỹ thuật của cầu vượt A thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố. Từ khi đưa vào khai thác đến nay (từ ngày 15/8/2010), trên cầu vượt A đã xảy ra 07 vụ TNGT. Trong các vụ tai nạn trên, nguyên nhân chủ yếu là do lái xe khi lên cầu chạy nhanh quá tốc độ qui định không làm chủ tay lái, không đảm bảo an toàn kỹ thuật như: nổ lốp xe, không chốt gù cố định container vào rơmoóc, chở hàng rời không chằng buộc chắc chắn, chở chất lòng không có giải pháp an toàn... Theo đó, báo cáo sơ bộ của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố, cầu vượt A nút giao thông Cát Lái đã được thiết kế và thi công theo đúng tiêu chuẩn yêu cầu của dự án. Để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông trên cầu, Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện xong các công tác thảm lại bêtông mặt cầu để tăng cường độ nhám và lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm, biển đi chậm, biển tốc độ tối đa, dán màn phản quang trên lan can cầu để tăng cường cảnh báo. Trong thời gian tới, Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 sẽ thực hiện việc lắp đặt camera theo dõi tốc độ và thí điểm lắp đặt mô giảm tốc trước khi vào cầu.

Nguồn: Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)