Vận tải đường bộ còn nhiều bất cập

Thứ hai, 12/11/2012 00:00 GMT+7
Công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ đến nay vẫn còn nhiều yếu kém như tổ chức chưa khoa học, sử dụng đội ngũ lái xe thiếu và yếu về số lượng cũng như chuyên môn… Đây là một trong những đánh giá từ hội thảo về tai nạn giao thông đường bộ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức hôm nay.
Công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ đến nay vẫn còn nhiều yếu kém như tổ chức chưa khoa học, sử dụng đội ngũ lái xe thiếu và yếu về số lượng cũng như chuyên môn… Đây là một trong những đánh giá từ hội thảo về tai nạn giao thông đường bộ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức hôm nay.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đánh giá, hiện nay, hệ thống vận tải ô-tô ở nước ta có vai trò quan trọng khi đảm nhiệm hơn 90% tổng số lượng vận chuyển hành khách và hơn 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hoá. Riêng mạng lưới vận tải hành khách có hơn 1.800 tuyến liên tỉnh và 500 tuyến nội tỉnh. Tuy nhiên, hệ thống tuyến vận tải còn chồng chéo, nhiều tuyến quá dài và kết thúc ở những bến xe không phù hợp với vận tải ô-tô. Trong khi đó, chưa có quy định loại hình doanh nghiệp được phép hoạt động trên các tuyến liên tỉnh đường dài. Nhiều doanh nghiệp vận tải phải cạnh tranh quyết liệt, lái xe bị sức ép chạy nhanh, giành giật khách… đây thực sự là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự gia tăng tai nạn giao thông.

Ông Thanh cũng nêu những tồn tại trong công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ. Trước hết, công tác tổ chức vận tải và sử dụng đội ngũ lái xe còn nhiều bất cập, từ đó tác động xấu đến an toàn giao thông đường bộ. Lực lượng lái xe chuyên nghiệp thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu do sai sót từ ba yếu tố: con người, phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông. Phân tích chi tiết các vụ tai nạn giao thông đường bộ trong nước cho thấy, 95% các trường hợp do lỗi của người tham gia giao thông, với nguyên nhân trực tiếp như uống rượu, bia khi tham gia giao thông, chạy xe quá tốc độ quy định, lấn làn, lấn luồng, vượt ẩu…

Ông Thanh nhận định, hiện nay tổ chức vận tải chưa khoa học, không sát thực tế, còn nhiều tiêu cực… gây hỗn loạn thị trường vận tải. Điều này dẫn đến hệ quả là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, kiểu kinh doanh “chộp giựt”, vấn nạn “bến cóc”, “xe dù”, xe cướp, xe bảo kê của xã hội đen vẫn tồn tại dai dẳng. Quản lý Nhà nước hiện nay vừa chồng chéo vừa phân tán, phát sinh cát cứ giữa các địa phương. Nhà nước vừa buông lỏng quản lý doanh nghiệp, vừa áp đặt những nội dung kinh doanh thuộc quyền của doanh nghiệp.

Lấy thí dụ từ địa bàn Thái Bình. Theo đại diện của công ty Cổ phần Hoàng Hà (Thái Bình), do địa phương chủ yếu phát triển nông nghiệp, nhu cầu đi lại tại các tuyến cố định chỉ khoảng 220 chuyến mỗi ngày. Trong khi đó, chỉ riêng mạng lưới xe bus của công ty này đã có 300 chuyến/ngày, rất nhiều tuyến xe bus không có khách. Câu hỏi đặt ra là các tuyến xe cố định nội tỉnh có thực sự cần thiết. Hơn thế, các xe tuyến cố định thường xuyên có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, chỉ đón khách vào những giờ cao điểm, phóng nhanh vượt ẩu. Doanh nghiệp này cũng nêu bức xúc khi thường xuyên bị chèn ép không cho đi xe bus hoặc đón khách tại những địa điểm dành riêng cho xe bus, ảnh hưởng lớn đến chất lượng phục vụ hành khách, gây mất an toàn giao thông.

Cũng theo đơn vị này, hoạt động tuyến cố định liên tỉnh cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn như chồng chéo, số chuyến trùng nhau trên cùng một tuyến quá lớn. Tuyến Thái Bình đi Quảng Ninh trong khoảng ba năm gần đây xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân mới tham gia nên cung vượt cầu khá cao trong khi lượng khách hạn chế. Trên tuyến này, ngoài những biểu hiện như phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách… còn có những hành vi như hành hung, đập phá tài sản các xe khác gây mất trật tự an toàn giao thông cũng như hiện tượng một số doanh nghiệp, cá nhân khác vi phạm đến thương hiệu, bản quyền của các công ty kinh doanh lành mạnh.

Từ đây, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị cần phân cấp mạnh cho địa phương nhưng phân công nhiệm vụ rõ ràng từ Bộ Giao thông Vận tải đến Tổng cục Đường bộ, các sở giao thông - vận tải. Ngoài ra, Nhà nước nên tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách về bến xe, trạm nghỉ, luồng tuyến vận tải… và công khai, minh bạch để doanh nghiệp đăng ký thực hiện. Nên chăng có chính sách đấu thầu khai thác tuyến ổn định trong một thời gian dài để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải bảo đảm an toàn giao thông. Chỉ khi Nhà nước kiểm tra hoặc dư luận xã hội phản ứng về tình trạng doanh nghiệp vi phạm chất lượng dịch vụ vận tải, sẽ có biện pháp xử lý chấn chỉnh hoặc tước quyền khai thác tuyến.

Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có hơn 10 nghìn người tử vong và hàng chục nghìn người khác bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ. Tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% số vụ, 97% số người tử vong. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến vận tải ô-tô.

Theo đại diện của Công ty Vận tải đa phương thức Duyên Hải (Hải Phòng), thực tế tại công ty cho thấy, trình độ học vấn của lái xe thấp, 95% chưa học hết lớp 12. Do đó, dễ hiểu là nhận thức của họ về an toàn giao thông, trách nhiệm nghề nghiệp chưa đầy đủ, văn hoá ứng xử kém. Đại diện công ty này cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nên chấn chỉnh các cơ sở đào tạo lái xe, chỉ cấp bằng khi lái xe đạt đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, kỹ thuật, đạo đức, ý thức. Ngoài ra có thể bổ sung quy định về thời gian thực tập, thử thách của lái xe trước khi được cấp bằng. Khi đó chất lượng của lái xe sẽ được bảo đảm hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho hay, 10 tháng đầu năm nay, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông giảm sâu cả ba tiêu chí nhưng số vụ vi phạm, số người chết và bị thương còn ở mức cao. Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tuy có giảm nhưng tính chất và mức độ có chiều hướng tăng. Việt Nam cam kết đến năm 2020 sẽ giảm một nửa số người tử vong do tai nạn giao thông so với hiện nay, chỉ còn khoảng 6.000 người mỗi năm. Điều này đòi hỏi ý thức rất cao từ doanh nghiệp, đội ngũ lái xe và toàn cộng đồng.

Ông Hiệp cũng nhấn mạnh cần tăng cường công tác quản lý lái xe trong và sau đào tạo. Với quan điểm xã hội hoá hơn nữa hoạt động đào tạo, Nhà nước chỉ tập trung vào công tác đánh giá sát hạch, nhất là sát hạch đường dài, và đào tạo đội ngũ sách hạch viên đúng chuẩn. Hiện công tác quản lý lái xe sau đào tạo đang giao toàn bộ cho doanh nghiệp, trong khi họ chưa đủ lực và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức thực hiện nên cần có giải pháp quản lý sau đào tạo thường xuyên hơn, bổ sung kỹ năng đạo đức của người lái xe. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội để có cách nhìn nhận chính xác về người lái xe. Năm nay là năm đầu tiên Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức giải thưởng dành cho người lái xe và doanh nghiệp vận tải an toàn. Hy vọng hoạt động này sẽ diễn ra thường xuyên hằng năm.

Theo báo Nhân dân
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)