Cà Mau: Giao thông đường thuỷ có chuyển biến nhưng vẫn còn phức tạp

Thứ hai, 14/01/2013 00:00 GMT+7
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Cà Mau, năm 2012, tai nạn giao thông (TNGT) đường thuỷ được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2011. Toàn tỉnh xảy ra 17 vụ TNGT (giảm 10 vụ), làm chết 15 người (giảm 8 người) và bị thương 5 người (giảm 4 người).
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Cà Mau, năm 2012, tai nạn giao thông (TNGT) đường thuỷ được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2011. Toàn tỉnh xảy ra 17 vụ TNGT (giảm 10 vụ), làm chết 15 người (giảm 8 người) và bị thương 5 người (giảm 4 người).

Năm 2012, Đoàn kiểm tra liên ngành đường thuỷ nôi địa (TNĐ) tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trực tiếp người tham gia giao thông (TGGT), phát hàng trăm tờ rơi tuyên truyền luật và các quy định về bảo đảm trật tự ATGT… Tổ chức thanh thải hơn 400 chướng ngại vật trên luồng, tuyến giao thông.

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát đường thuỷ (CSĐT) và thanh tra giao thông (TTGT) phát hiện, lập biên bản hơn 6.400 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, Phòng CSĐT kết hợp với các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông TNĐ, tăng cường tuần tra, kiểm soát phương tiện, bến bãi, tổ chức nhiều khoá đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng hạng ba hạn chế, chứng chỉ chuyên môn (CCCM) hạn chế, thợ máy hạn chế… và cấp gần 2.000 chứng chỉ. Đến nay, có hơn 90% người điều khiển phương tiện đường thuỷ có chứng chỉ.

Tuy nhiên, do đặc thù vùng sông nước với trên 11.000 con sông lớn nhỏ, có trên 100.000 phương tiện thuỷ nội địa, ca-nô, cao tốc chạy với tốc độ cao, phương tiện vận tải hành khách và hàng hoá… hoạt động thường xuyên, nên giao thông đường thuỷ vẫn rất phức tạp.

Trong khi đó, hoạt động của Đoàn liên ngành đường TNĐ còn nhiều hạn chế, không có chương trình, kế hoạch cụ thể, chưa thường xuyên tổ chức kiểm tra và chưa kiểm tra mở rộng ở các bến TNĐ… Mặt khác, ở nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa xử lý dứt khoát tình trạng tái chiếm lòng sông để đặt chướng ngại vật khai thác thuỷ sản.

Phương tiện TNĐ hoạt động đông đúc nhưng việc đăng ký phương tiện và học thi CCCM lại ít. Trong số 17 vụ TNGT đường thuỷ xảy ra trong năm nay, nguyên nhân phần lớn do người lái phương tiện chạy tốc độ cao, vi phạm quy tắc tránh vượt, đi đêm không đèn chiếu sáng, vướng chướng ngại vật trên tuyến.


Những tháng cuối năm, giao thông đường thuỷ càng phức tạp hơn do các phương tiện vận chuyển hàng hoá, đi lại, mua sắm của người dân tăng lên, vì vậy, từ đầu tháng 12/2012, Phòng CSĐT kết hợp với thanh tra giao thông, Cảng vụ đường TNĐ, Đoạn quản lý đường TNĐ số 14 và lực lượng công an các huyện, thành phố mở cao điểm lập lại trật tự ATGT trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện và lập biên bản nhiều trường hợp kinh doanh vận tải du lịch bằng phương tiện thuỷ không bảo đảm an toàn và trái quy định trong tổ chức tàu thuyền ra vào, đón trả khách, phương tiện đò ngang không trang bị đầy đủ phương tiện cứu sinh, cứu đắm, phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hoá không đủ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, chất lượng an toàn kỹ thuật…

Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm lỗi vi phạm sử dụng bia, rượu quá nồng độ cho phép khi điều khiển phương tiện…

Thiếu tá Lê Hoàng Khánh, Phó trưởng Phòng CSĐT, Công an tỉnh, cho biết: “Trong đợt cao điểm này, chúng tôi tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, nhất là tuần tra cơ động để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT như: đi đêm không đèn, người điều khiển phương tiện không CCCM…

Lực lượng tuần tra tập trung tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân và người TGGT về Luật Giao thông và các quy định của Nhà nước về ATGT. Đồng thời, cương quyết xử lý nghiêm đối với những bến khách hoạt động không phép, đặt chướng ngại vật trên sông để khai thác thuỷ sản”.

Song song đó, tập trung kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các bến khách ngang sông, phối hợp giải toả các chướng ngại vật trên luồng, tuyến, nhất là trên tuyến Cà Mau - Sông Đốc và Cà Mau - Đất Mũi.

Mặt khác, lực lượng làm nhiệm vụ còn nhắc nhở, tuyên truyền Luật Giao thông đường TNĐ, tiến hành ký cam kết với chủ tàu, thuyền, chủ các bến khách ngang sông và người dân làm ăn sinh sống trên sông, ven sông để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật hoạt động kinh doanh vận tải đường TNĐ, bảo đảm an toàn cho người dân.

Theo báo Cà Mau

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)