Mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua phà nhưng tuyệt nhiên chiếc phà đưa khách này không có lấy một chiếc áo phao cho khách, không đăng kiểm, không bảo hiểm và không giấy phép hoạt động…
Đang ở xã Bắc Ruộng có chuyện gấp cần qua Gia An (Tánh Linh), tôi hỏi một người quen có đường nào đi gần hơn mà không phải chạy về Lạc Tánh hay Võ Xu mới vòng về Gia An. Người quen bảo chỉ có cách đi ra đường thôn Hà Bắc (Bắc Ruộng) rồi qua phà để tới thôn 8, Gia An. Nhưng qua phà ghê lắm, không biết bơi thì coi chừng... Dù được cảnh báo nhưng tôi vẫn chấp nhận để rút ngắn thời gian. Quả thật, từ Bắc Ruộng qua Gia An đi tuyến này rất gần, hơn nữa đường vào Hà Bắc đã rải nhựa nên xe cứ vi vu chạy. Tuy nhiên, khi đến bến phà thôn 8, Gia An thì tôi thực sự… lạnh gáy. Muốn xuống phà tôi phải tụt dốc bờ sông La Ngà cao khoảng 4m, trời mưa nên đất bờ sông rất trơn, xe máy cứ thế trợt tuồn tuột… xuống phà. Thử thách ban đầu đã sợ, nhưng khi lên phà rồi không có áo phao, nước sông thì chảy xiết, tôi lại không biết bơi nên cứ đứng… mà run. Mấy người đi cùng chuyến phà với tôi thì thản nhiên như không có chuyện gì. Họ bảo ngày nào cũng đi 2 chuyến, đi riết rồi quen, mà xưa nay ở đây làm gì có áo phao mà đòi hỏi. Có lần phà đứt 1 dây trụ (có 2 dây), bọn tui cũng hơi run nhưng không đi phà thì biết đi đường nào để qua ruộng sản xuất!
Bến phà thôn 8, xã Gia An hoạt động từ khoảng năm 1979 đến nay, mỗi ngày đưa đón cả trăm lượt người qua lại để canh tác cánh đồng gần 800 ha. Không chỉ dân Gia An mà cả người dân Lạc Tánh đều phải đi lại qua phà để đến nơi sản xuất. Nguy hiểm nhất là phà đã xuống cấp nhưng vào mùa thu hoạch lúa, mỗi ngày phà phải “gồng mình” tải hàng trăm tấn lúa lẫn người qua sông. Phải nói là nguy hiểm vô cùng. Ông Vũ Đức Phú, người lái phà, cho biết: Phà có bề ngang 2,5m, dài 10m, sườn phà cấu trúc bằng sắt U4. Hoạt động đưa rước người đi làm đồng từ 6 giờ sáng đến 17 giờ, mỗi lượt khách đi về giá 2.000 đồng.
Phà chở người không có phao nếu có sự cố đứt dây trụ hoặc lật phà thì sao? Tôi hỏi.
Phà này của Hội Người cao tuổi xã, khoán cho gia đình tôi mỗi năm đóng 1 triệu đồng, tôi mấy lần kiến nghị xin phao nhưng không thấy trả lời. Phà chỉ chở người lao động làm nông nên thu phí không bao nhiêu, đầu tư vào thì không có nguồn. Sự cố xảy ra thì trước giờ chưa, nhưng có phao thì an toàn hơn - ông Phú trả lời.
Ngày 24/5/2011, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra phà thôn 8, Gia An. Ngoài hợp đồng do ông Vũ Đức Hợp ký với Chi hội Người cao tuổi thôn 7, 8 Gia An thì các giấy tờ khác như đăng kiểm phương tiện, giấy chứng chỉ chuyên môn người lái, giấy đăng ký phương tiện thủy nội địa… Tất tần tật đều không có. Làm việc với chúng tôi, trả lời về trách nhiệm của địa phương khi để phà hoạt động trong nhiều năm nhưng không được an toàn, tối thiểu nhất là áo phao cho người đi phà cũng không có, ông Trần Đình vân – Phó Chủ tịch xã Gia An cho biết: Kinh phí địa phương hạn hẹp nên chưa đầu tư, không có áo phao địa phương không yên tâm. Nhiều lần địa phương đã khuyến cáo bà con không được vận chuyển quá tải vì rất nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa lũ…
Sẽ không bàn luận nhiều với bến phà thôn 8, Gia An, bởi nó quá nhiều “cái không”. Công bằng mà nói thì lâu nay nó là phương tiện duy nhất và đã giúp người dân trong vùng qua sông làm mùa, vận chuyển nông sản… Nhưng xin đừng coi thường tính mạng của người dân bởi “không có kinh phí mua phao”. Thử hỏi, chính quyền địa phương nghĩ gì khi phà lỡ may có sự cố trên sông La Ngà với hàng chục người chới với giữa dòng nước sâu mà không có lấy một chiếc phao cứu sinh…
Thangnd(theo binhthuantoday.com)