Tài xế xưa và nay

Thứ năm, 02/06/2011 00:00 GMT+7
Sự dễ dãi trong chương trình đào tạo và sát hạch cấp bằng đã khiến “chất lượng” tài xế ngày nay giảm trầm trọng. Bài viết dưới đây của tài xế lâu năm.
Sự dễ dãi trong chương trình đào tạo và sát hạch cấp bằng đã khiến “chất lượng” tài xế ngày nay giảm trầm trọng. Bài viết dưới đây của tài xế lâu năm.
Anh Nam, một lái xe kỳ cựu, kể năm 1972, anh vào Trường Công nhân Cơ giới 1 (Nho Quan, Ninh Bình). Ban đầu, tất cả học viên đều học chung những môn cơ bản xong mới tách riêng từng chuyên ngành máy ủi, máy xúc, lái xe, cần cẩu…
Phẩm hạnh cao mới được lái xe khách.
Nam kể: Các giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ phát hiện học viên có tố chất, đạo đức nổi trội để giới thiệu cho học lái xe. Người ta chú trọng đến đạo đức của tài xế vì ngoài việc điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ, ôtô còn là một tài sản lớn của Nhà nước, trong chiến tranh chỉ cần tài xế lơ là, thiếu trách nhiệm một chút là xe hư hỏng, hàng hóa thất thoát, kẻ không có đạo đức họ sẽ tham lam rồi dễ dàng đổ lỗi cho bom đạn!
Việc tổ chức thi lái xe rất chặt chẽ. Học viên phải thi lấy bằng tốt nghiệp gồm các môn kỹ năng: luật giao thông, đạo đức người lái xe, cấu tạo và sửa chữa ôtô, nghiệp vụ vận tải, chính trị, quân sự… Phải vượt qua kỳ thi này mới được dự thi lấy bằng lái xe chính thức do công an tỉnh tổ chức. Kỳ thi này học viên chỉ thi hai môn: kỹ năng lái xe, luật giao thông đường bộ kèm môn đạo đức người lái xe.
Phần thi thực hành, xe dùng để thi là chiếc Giải Phóng cũ kỹ, côn số đã rơ, lỏng, trên cabin có một công an giao thông làm giám thị. Phần lý thuyết luật giao thông và môn đạo đức người lái xe gồm 15 câu, học viên phải diễn đạt ra giấy những ý tứ mà mình hiểu. Sau quá trình sàng lọc, số ra trường như hạt gạo trên sàng: tròn trịa và chỉn chu. Đã vậy, khi về các đơn vị công tác, họ phải trải qua một thời gian thực tập, có hội đồng công nhận mới được biên chế chính thức, lúc đó mới được ôm lái một mình.
Bằng lái xe hồi đó do kèm theo ba ô phiếu kiểm soát có thời hạn ba năm. Cứ mỗi lần vi phạm, tùy lỗi nặng nhẹ sẽ bị cắt một hay nhiều ô. Bằng lái hết ô thì tài xế phải học luật và thi lại từ đầu. Thang lương lái xe hồi đó chỉ có ba bậc, cứ sau năm năm không vi phạm gì, đạo đức tốt tài xế sẽ được đơn vị cho học và thi nâng bậc một lần. Tương tự như thế sau 15 năm khi đã trải qua ba lần thi, tài xế thật sự giỏi mới đạt được bậc 3. Bậc càng cao, tài xế đảm nhận xe tải trọng càng lớn. Và khi đã vượt hết bậc, nếu đủ phẩm hạnh, tài xế (nếu muốn) sẽ được đơn vị cho tới trường đào tạo học lấy bằng xe hành khách.
Trong thời bao cấp, tài xế phải có phẩm hạnh cao mới được lái xe khách.
Nay: Đã học là sẽ có bằng.
Nhiều học viên học lái xe cho biết đã vào trường rồi thì sẽ có bằng lái.
Chiến, học viên học lấy bằng B2 ở một trường dạy lái xe tại quận Tân Bình, cho biết: Thời gian học là bốn tháng. Ba tháng đầu, mỗi tuần học viên chỉ được tập lái hai buổi, mỗi buổi vỏn vẹn non 1 tiếng. Tính cả khóa, học viên cầm lái chưa tới 24 tiếng. Phần môn luật giao thông, học viên được phát một quyển sách có 405 câu hỏi… kèm một đĩa đề thi trắc nghiệm trên máy vi tính về nhà tự học, đến gần ngày thi nhà trường sẽ tổ chức chừng ba buổi hướng dẫn, giải đáp thắc mắc. Tương tự như vậy, học viên muốn lấy bằng C thì thời lượng học sẽ là sáu tháng.
Chương trình đào tạo ngày nay hết sức tối giản về thời lượng và các môn học. Môn đạo đức lái xe, nghiệp vụ vận tải… không còn nằm trong chương trình giảng dạy nữa. Có lẽ vì vậy mà D., cháu tôi, vừa nhận tấm bằng C trong tay nhưng tay nghề còn quá yếu, lọng cọng cả những thao tác cơ bản! D. cho biết do không có tiền thuê xe để học thêm như các bạn, chỉ học được vài đường lái địa hình để vượt qua thi cử. Có người bày cho D.: Ai thuê lái xe gì, lương bao nhiêu cũng nhận! Cứ có xe để rèn luyện tay nghề cho cứng cáp rồi tính sau. Tôi chợt nghĩ có bao nhiêu người như D., để rồi chưa vững nghề đã gây tai nạn…
Việc giản lược chương trình đào tạo nghề lái xe ở nước ta sẽ không cần xem lại nếu như tai nạn giao thông không ngày càng gia tăng do các tài xế trẻ gây ra.
Hết thời vàng son.
Anh Trung, một tài xế uy tín của Công ty Xây dựng Thủy Lợi 26, tâm sự: “Thời bao cấp mình lái chiếc xe Giải Phóng tuy cũ mà yên lòng nhờ tình tương ái của đồng nghiệp. Trên đường, xe người này gặp sự cố thì người kia tức thời dừng lại giúp nhau sửa chữa, xong việc mỗi người mỗi ngả có khi quên hỏi cả tên! Bây giờ mình lái chiếc xe tải đời mới nhưng ra đường lại thấp thỏm bất an vì đồng nghiệp quá lạnh lùng! Không giúp đỡ lẫn nhau mà còn gây gổ tranh nhau từng tấc đường!…”
Cả khóa học lái xe của anh Trung ra trường khi miền Nam vừa giải phóng! Lúc này phương tiện cơ giới khan hiếm, Nhà nước tận dụng cả những chiếc xe đáng lẽ được trưng bày ở các nhà bảo tàng. Chỉ khi các công trường lớn được triển khai như Dầu Tiếng, Nam Sông Thạch Hãn… mới xuất hiện một số xe Nissan, Hino, Volvo… do Liên Hiệp Quốc viện trợ. Những chiếc xe quý này chỉ được giao cho các tài xế lâu năm, kinh nghiệm. Còn lớp mới ra trường nhận lại những chiếc xe Giải Phóng, Hồng Hà, Kamaz… đã cũ kỹ của đàn anh để lại.
Tuy vậy, đó là món quà lớn đối với những tài xế mới ra trường. Ai cũng hồ hởi giữ gìn thật cẩn trọng, chấp hành luật giao thông răm rắp, hiếm xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên thời ấy, khi người dân còn ăn độn sắn khoai thì thu nhập của tài xế là điều mơ ước. Nhận lệnh điều động, cầm phiếu xuất nhiên liệu là đã có khoản tiền do sự chênh lệch định mức nhiên liệu và tiêu hao thực tế. Xe đi nhận hàng luôn chạy không tải nên tranh thủ chở hàng hóa bên ngoài, cứ thế mỗi lần xe lăn bánh là tiền rủng rỉnh. Về phía Nhà nước có rất nhiều chế độ ưu đãi. Ngoài tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm, lương của họ có khi còn hơn hẳn cả kỹ sư, chuyên viên… vì những chức danh này được liệt vào nhóm lao động gián tiếp, không làm ra… sản phẩm! Về mặt xã hội, giữa tình cảnh ngăn sông cấm chợ thì người cầm phương tiện lưu thông trong tay đương nhiên là được giới buôn bán và cả người tiêu dùng quý trọng!.
Ngày nay mọi chuyện đã khác, xe được khai thác tối đa nhưng theo chủ xe, sau khi trừ khấu hao xe máy, nhiên liệu, lương tài xế, lệ phí cầu đường và đặc biệt là khoản chi “không biên lai” dọc đường thì lại bị lỗ nặng. Chủ xe muốn có lãi phải cho xe tăng chuyến, chở quá tải và khai thác thời gian, công sức của tài xế… Cuối cùng vì miếng cơm, manh áo mà nhiều tài xế phải chấp nhận chạy một chiếc xe thiếu an toàn do quá tải trọng và luôn trong tình trạng mệt mỏi vì thiếu ngủ…
Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng hơn 1 triệu chiếc ô tô lưu hành. Song hành với sự gia tăng ấy cũng cần có hơn chừng đó số lượng tài xế. Nghề tài xế đã trở thành bình thường như bao nghề khác. Cộng với gần đây, có quá nhiều vụ tai nạn thảm khốc do những tài xế trẻ thiếu đạo đức gây ra đã làm cho uy tín của nghề tài xế giảm sút trầm trọng.
TRONGPV (Nguồn: phapluattp.vn)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)