Hạ tầng giao thông Bắc Ninh trong thập kỷ ATGT đường bộ

Thứ ba, 28/06/2011 00:00 GMT+7
Những năm qua cùng với sự quan tâm của tỉnh, của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, hạ tầng giao thông trong tỉnh cũng được đầu tư thỏa đáng xứng tầm một tỉnh công nghiệp.
Những năm qua cùng với sự quan tâm của tỉnh, của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, hạ tầng giao thông trong tỉnh cũng được đầu tư thỏa đáng xứng tầm một tỉnh công nghiệp. Hạ tầng giao thông của Bắc Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh hiện đại nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ, giao thông nông thôn đã đứng đầu toàn quốc. Để tiếp tục tạo đà cho phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời hưởng ứng Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011- 2020 do Liên hiệp quốc (UN) phát động trên toàn thế giới, Bắc Ninh tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, chương trình, dự án để nâng cao hơn nữa chất lượng các công trình giao thông, góp phần giải bài toán giao thông thuận tiện hơn.

Mục tiêu của Thập kỷ hành động là nhằm ổn định và giảm số lượng tại nạn giao thông dự tính trên toàn thế giới vào năm 2020, thông qua xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình về an toàn giao thông; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng thu thập dữ liệu quốc gia, khu vực và toàn cầu... Các quốc gia tiến hành hoạt động theo các nội dung trụ cột, bao gồm: quản lý an toàn giao thông, đường an toàn và lưu thông an toàn, phương tiện giao thông an toàn, người tham gia giao thông an toàn và ứng phó sau tai nạn. Đây cũng là cơ hội để các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng thể hiện sự ủng hộ và cam kết hành động của mình vì một môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Để làm tốt các nội dung trên, bước đầu tiên quan trọng là hạ tầng giao thông phải được đầu tư đồng bộ, bảo đảm chất lượng. Xác định đây vừa là một mục tiêu phát triển quan trọng, đồng thời cũng là trách nhiệm của địa phương trong việc kết nối vào mạng lưới giao thông của quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung, đầu năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2010 đến 2020, tầm nhìn 2030”.
Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020: Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải đi đôi với bảo đảm an toàn giao thông. Hệ thống giao thông đường tỉnh được xây dựng bảo đảm cho vận tốc 80Km/h, cấp kỹ thuật bảo đảm tối thiểu là cấp III có cường độ mặt đường bảo đảm hai làn xe. Các tuyến đường chủ yếu đạt cấp II, 4 làn xe, vận tốc 100Km/h. Xây dựng hệ thống bến xe, kho chứa hàng hoá, có tính liên hoàn cao với năng lực vận tải lớn. Bảo đảm tỷ lệ cao cho giao thông đô thị, không có hiện tượng ùn tắc giao thông trong đô thị.
Định hướng đến năm 2030, thỏa mãn mọi nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn với chất lượng cao, bảo đảm nhanh chóng, an toàn, cơ bản hệ thống đường giao thông tỉnh lộ với tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Với các tuyến đường tỉnh chạy trong đô thị quy hoạch là đường cao tốc đô thị, vận tốc thiết kế 100Km/h, 2 chiều riêng biệt với 4 làn xe tối thiểu, hai làn đường phụ. Các đoạn, tuyến đường chạy ngoài đô thị quy hoạch xây dựng cấp thiết kế I, vận tốc 100-120Km/h, có 2 làn đường phụ hai bên. Tiến tới chuẩn bị cho đầu tư phát triển loại hình giao thông đường sắt đô thị, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe điện một ray.
Ngay trong năm 2011, năm đầu thực hiện mục tiêu của quy hoạch, ngành Giao thông đã tham mưu cho tỉnh để lập 12 dự án phát triển giao thông trọng điểm phục vụ mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015. Hiện đã lập xong các dự án cải tạo nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, chuẩn bị triển khai xây dựng dự án nâng cấp các đường 282b, 276… lên quy mô hiện đại. Khởi công xây dựng một số dự án mới: quốc lộ 38, cầu Vạn Ninh, tỉnh lộ 295b. Các tuyến đường có lưu lượng xe chạy nhiều như: đường tỉnh 279, 287, 286, 277, 283… thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa những vị trí hư hỏng, xuống cấp. Tổng kinh phí phục vụ công tác duy tu đường bộ trong 6 tháng đầu năm ước đạt gần 5 tỷ đồng. Các dự án chuyển tiếp từ năm trước tiếp tục được triển khai và từng bước hoàn thiện đưa vào sử dụng, phục vụ đi lại của nhân dân, với tổng kinh phí xây dựng cơ bản 6 tháng đạt gần 100 tỷ đồng.
Đi đôi với việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng nâng cấp hạ tầng giao thông, ngành Giao thông đang tập trung nghiên cứu giải pháp khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông. Quy hoạch các nút giao thông liên thông, lập thể kết nối với quốc lộ, đường sắt, bảo đảm khoảng cách giữa các nút giao liên thông không nhỏ hơn 5Km. Các vị trí giao cắt liên thông, các tuyến đường cao tốc, vành đai 4 khi cắt qua các tuyến quốc lộ, đường tỉnh nhất thiết phải xây dựng hệ thống cầu vượt...
Theo ông Vương Hữu Truyền, Giám đốc Sở GTVT, để bảo đảm xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông đường bộ hiện đại tạo nền tảng vững chắc cho vấn đề tổ chức giao thông an toàn, phương châm chỉ đạo của tỉnh và của ngành tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công trình giao thông bền vững. Làm được việc này cần huy động tối ưu các nguồn lực đầu tư. Đặc biệt sử dụng hiệu quả nguồn vốn của nhà đầu tư với các nguồn thu từ quỹ đất, nguồn từ trái phiếu Chính phủ và của nhân dân đóng góp để xây dựng hạ tầng giao thông. Kết hợp hiệu quả giữa phát triển giao thông và xây dựng nông thôn mới, để đến năm 2015 Bắc Ninh có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.


VTTH-Theo Báo Bắc Ninh
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)