Nghệ An có 14 sông và kênh, tổng chiều dài hơn 1.000 km, nhiều bến sông có lưu lượng lớn học sinh và nhân dân qua lại bằng phương tiện đò ngang. Từ năm 2007 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa, đây là kết quả khá bền vững nhờ kiên trì, quyết liệt thực hiện một số giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa (ÐTNÐ) đến các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy và mọi người tham gia, Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An còn tổ chức nhiều đợt tập huấn công tác quản lý Nhà nước về ÐTNÐ cho đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở trong toàn tỉnh. Ðồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải khách tại bến đò, kịp thời chấn chỉnh các sai sót trong quá trình thực hiện. Tỉnh Nghệ An đã có chính sách hỗ trợ đầu tư nâng cấp bến đò, phương tiện vận chuyển khách ngang sông. Các bến đò được đầu tư làm đường lên, xuống, cầu bến để người, xe đạp, xe máy lên xuống thuận tiện, an toàn, có thiết bị để phương tiện neo buộc, có đèn chiếu sáng hoạt động vào ban đêm, lắp đặt phao tiêu, biển báo hiệu đường thủy theo quy định, xây dựng nhà chờ, niêm yết giá vé,... Với bến đò ở vùng đồng bằng, tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện 30%, huyện hỗ trợ 30%, cấp xã bỏ ra 40%; xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh hỗ trợ tới 80%, huyện hỗ trợ 10%; khu vực II, tỉnh hỗ trợ 70%, huyện hỗ trợ 20%; khu vực I, tỉnh hỗ trợ 50%, huyện hỗ trợ 30%.
Năm 2007, toàn tỉnh có 76 bến đò ngang, đến nay, chỉ còn 56 bến do một số cầu đã được xây dựng, thay thế bến khách sang sông, gần 180 phương tiện chở khách. Tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch xây dựng cầu thay thế bến đò và làm cầu qua sông, suối không có bến đò nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân và học sinh. Theo đó, từ nay đến năm 2015, tiếp tục xây dựng mới 38 cầu. Ðối với các xã ven sông, suối, tỉnh quy hoạch xây dựng các dự án giao thông nông thôn theo hướng đường gom nối các thôn, bản, khu dân cư thành một đầu mối giao thông để khi xây dựng cầu có thể thay thế được một số bến đò ngang. Ðối với cầu, chủ yếu là xây dựng cầu treo dân sinh, bảo đảm cho xe ô-tô con qua lại được, riêng các vị trí trùng quy hoạch hoặc kết hợp phát triển vùng thì mới xây cầu bê-tông cốt thép vĩnh cửu. Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ÐTNÐ tranh thủ từ vốn ngân sách, nguồn tài trợ nước ngoài qua các dự án ODA, vốn khắc phục bão, lụt,...
Hoạt động vận tải khách tại các bến đò thường xuyên được các lực lượng chức năng giám sát, các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông ÐTNÐ đều bị xử lý nghiêm. Trong thời gian cao điểm, có phương án bổ sung phương tiện để ngăn chặn tình trạng chở quá tải. Các phương tiện cũ nát đều bị cấm hoạt động, tỉnh có chính sách hỗ trợ mười triệu đồng mua thuyền mới. Người điều khiển phương tiện thủy được đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn miễn phí, trang bị miễn phí thiết bị cứu sinh cho toàn bộ phương tiện thủy, mỗi phương tiện năm phao tròn và 12 áo phao, cấp miễn phí 300 thiết bị nổi cá nhân, hơn 8.000 cặp phao cứu sinh cho tất cả học sinh phải đi học bằng thuyền. Cùng với đó, việc hoàn thành xây dựng 12 cầu thay thế bến đò, đồng thời nâng cấp 27 bến đò, đóng mới 15 thuyền chở khách đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế thấp nhất tai nạn ÐTNÐ trên địa bàn tỉnh.
Qua kết quả đạt được của Nghệ An, có thể thấy việc xây dựng cầu thay thế bến đò ngang là chủ trương bảo đảm an toàn giao thông đường thủy một cách lâu dài, bền vững. Nhà nước cần sớm ban hành chương trình, kế hoạch và hỗ trợ vốn xây dựng cầu thay thế bến khách ngang sông. Ðối với các tuyến thủy nội địa do Trung ương quản lý, cần bổ sung hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu, khắc phục hậu quả bão, lụt, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông..
Trần Tiềm theo http://nhandan.org.vn