Theo số liệu từ Cục CSGT đường bộ - đường sắt, trong tổng số các vụ tai nạn giao thông gần đây thì có tới 70% số vụ do mô tô, xe máy gây ra, tức là mỗi ngày trung bình có 30 người chết do TNGT thì có tới 2/3 liên quan đến xe máy. Trong 6 tháng đầu năm 2011 cả nước đã xảy ra hơn 23.000 vụ TNGT đường bộ, làm chết 5.662 người và làm bị thương hơn 25.600 người.
Gần đây nhất vào đêm 12-7 tại QL1A đoạn qua huyện Phú Xuyên - Hà Nội, đã xảy ra vụ hai xe máy đâm nhau khiến 3 người chết tại chỗ. Nguyên nhân được xác định là do cả hai phương tiện đều chạy với tốc độ cao và một trong hai phương tiện đã đi chiếm phần đường gây tai nạn. Tương tự vào 15h ngày 5-6-2011, tại khu vực tổ 30, phường Minh Tân, TP Yên Bái, Nguyễn Tuấn Anh SN 1990 trú tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên điều khiển xe mô tô mang BKS 20F3-8425 ngồi sau xe là Nguyễn Trung Thành, sinh năm 1989 và Mai Thị Nga, SN 1992 ở xã An Thịnh, Văn Yên. Đi đến địa phận trên, chiếc mô tô này đã đâm vào vỉa hè sau đó đâm tiếp vào 3 mô tô đỗ trên hè. Hậu quả vụ tai nạn đã làm một người tử vong.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, lực lượng CSGT đã tước giấy phép lái xe hơn 122.400 trường hợp, tạm giữ hơn 9.500 ôtô, hơn 289.000 môtô, xe máy và hơn 2.500 trường hợp khác. Xử phạt vi phạm không đội mũ bảo hiểm với hơn 297.000 trường hợp vi phạm, xử lý vi phạm về nồng độ cồn với hơn 24.600 trường hợp.
Thái Nguyên và Kiên Giang là hai địa phương vừa bị Thủ tướng Chính phủ phê bình vì để số người do TNGT tăng cao liên tục 3 năm, tình trạng tai nạn liên quan đến xe máy cũng rất cao. Cụ thể tại tỉnh Thái Nguyên 6 tháng đầu năm xảy ra 370 vụ TNGT, trong đó có 74 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 83 người, bị thương 427 người. Trong số đó có trên 75% số vụ do xe máy gây ra. Cũng tương tự tại tỉnh Kiên Giang đã xảy ra 92 vụ TNGT làm chết 88 người, bị thương 66 người. Trong số đó có trên 75 % số vụ liên quan đến xe máy.
Tại TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm cũng xảy ra 520 vụ TNGT làm chết 443 người và bị thương 283 người, tăng cả 3 mặt so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó số vụ liên quan đến xe máy cũng chiếm tỉ lệ lớn. Thời gian xảy ra TNGT chủ yếu từ 19 giờ đến 2 giờ hôm sau, tăng cao vào thứ bảy, chủ nhật, đối tượng bị tai nạn nhiều nhất vẫn là thanh thiếu niên.
Các vụ TNGT do mô tô xe máy gây ra có liên quan đến lứa tuổi thanh thiếu niên tăng cao, đặc biệt trong các tháng nghỉ hè. Đây là thời điểm học sinh, sinh viên có tâm lý “xả hơi” sau một năm học hành nên các bậc phụ huynh cũng dễ dãi cho mượn mô tô, xe máy, cùng với đó những buổi họp lớp, chia tay cuối cấp nên tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông cũng gia tăng. Và không ít các vụ TNGT thương tâm xảy ra. Nguyên nhân các trường hợp vi phạm an toàn giao thông theo lực lượng chức năng thường do chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép, không đội mũ bảo hiểm.
Hiện nay cả nước có hơn 32 triệu mô tô, xe máy và tốc độ đăng ký của phương tiện này tăng nhanh hơn 10%, vấn đề tai nạn liên quan đến xe máy đang rất báo động. Vì vậy cần phải nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt.
Trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là các vùng ven, tình trạng mất cắp thiết bị chiếu sáng công cộng xảy ra quá nhiều cũng là một nguyên nhân gây mất an toàn giao thông. Việc thi công tắc trách của nhiều đơn vị giao thông, thoát nước cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Đối tượng gây tai nạn chủ yếu là thanh thiếu niên. Do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Các bậc phụ huynh cần nhắc nhở con em mình mỗi khi đi xe mô tô ra khỏi nhà phải đội mũ bảo hiểm, đồng thời ngăn chặn việc lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Thangnd(theo anninhthudo.vn)