Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt, liên tục để bảo đảm an toàn giao thông

Thứ năm, 01/09/2011 00:00 GMT+7
Năm nào cũng vậy, đến thời điểm này, các cấp, các ngành liên tục ra quân hưởng ứng Tháng An toàn giao thông, triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm tăng cường trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Tháng An toàn giao thông năm nay được triển khai trong bối cảnh khá phức tạp.
Năm nào cũng vậy, đến thời điểm này, các cấp, các ngành liên tục ra quân hưởng ứng Tháng An toàn giao thông, triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm tăng cường trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Tháng An toàn giao thông năm nay được triển khai trong bối cảnh khá phức tạp.

Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tục xảy ra trên các tuyến giao thông trọng điểm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Có ngày, số người chết vì tai nạn giao thông lên tới gần 40 người. Tại các đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù các ngành chức năng đã nhiều nỗ lực, nhưng bức tranh giao thông vẫn nổi lên với hình ảnh về sự đi lại lộn xộn của các phương tiện giao thông, ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, gây bức xúc trong dư luận.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên có nhiều: Do kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, nhất là số lượng xe máy, xe ô-tô. Công tác quản lý giao thông vận tải còn nhiều bất cập, yếu kém. Ý thức chấp hành của nhiều người tham gia giao thông còn hạn chế, thậm chí có trường hợp người vi phạm luật lệ giao thông còn chống lại người thi hành công vụ...

Các ngành chức năng, chính quyền các cấp, kể cả những người tham gia giao thông đều nhận thức được những bất cập trên. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức các cuộc ra quân triển khai, nhưng kết quả chưa được như mong muốn, nguyên nhân là do các giải pháp thực hiện chưa quyết liệt, đồng bộ, thường chú trọng vào triển khai các biện pháp "chống", chứ chưa đẩy mạnh thực hiện các biện pháp "xây". Các đợt ra quân của các lực lượng chức năng chỉ làm mạnh trong thời gian đầu, không được duy trì thường xuyên, liên tục. Trong khi các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông luôn trong tình trạng chậm tiến độ. Chẳng hạn như các dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn- Nhổn), đường Cát Linh-Thái Hà-Láng, Văn Cao-Hồ Tây... ở Hà Nội, được triển khai nhằm tăng cường năng lực giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng kéo dài nhiều năm không hoàn thành, trở thành những cung đường "đau khổ" gây ùn tắc giao thông triền miên.

Để khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, tăng cường trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, cần triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp như: tuyên truyền sâu rộng các quy định của Luật Giao thông đường bộ, các tiêu chí văn hóa giao thông, các hành vi thể hiện văn hóa giao thông; mở đợt cao điểm và thường xuyên tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật giao thông. Đồng thời với các biện pháp này, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng các giải pháp nhằm từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, hệ thống các phương tiện giao thông vận tải công cộng sức chở lớn... Người dân mong chờ các giải pháp này không chỉ được làm mạnh trong thời điểm Tháng An toàn giao thông, mà cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, có như vậy công tác bảo đảm an toàn giao thông với mục tiêu giảm tai nạn và ùn tắc giao thông mới đạt hiệu quả bền vững.

Longlv(Theo Nhandan)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)