Tắc đường hay kẹt tư duy ?

Thứ ba, 22/12/2009 00:00 GMT+7
Trong giao thông văn minh, mỗi lần tới chỗ rẽ, người ta luôn phải để ý biển báo, xem liệu mình có được ưu tiên. Nhưng với người Hà Nội, ngồi lên xe, mình là… nhất. Biết đâu, những người lên kế hoạch phát triển giao thông thủ đô cũng mắc bệnh đó...
Trong giao thông văn minh, mỗi lần tới chỗ rẽ, người ta luôn phải để ý biển báo, xem liệu mình có được ưu tiên. Nhưng với người Hà Nội, ngồi lên xe, mình là… nhất.

Nút cổ chai phố Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) thường xuyên ách tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Yên

                                                                                                                                                         

Biết đâu, những người lên kế hoạch phát triển giao thông thủ đô cũng mắc bệnh đó, cả lúc trên đường lẫn trong tư duy. Vì thế, giao thông Hà Nội ngày càng tắc tỵ vì chả biết “đường” ưu tiên là gì.

Nhà báo Thạch Anh (Nguyễn Hồng Thạch, hiện là Tham tán Kinh tế của Sứ quán Việt Nam tại Mỹ) đã từng nghiên cứu rất kỹ về giao thông Hà Nội. Anh cho biết : Hồi năm 2000, anh từng mang biếu không ý tưởng của mình cho lãnh đạo thành phố là ông Hoàng Văn Nghiên. Lúc đó, Hà Nội có khoảng 1 triệu xe máy. Giả sử chỉ có 1/3 chủ xe, tức khoảng 300.000 xe gắn máy có thể trả thuế 1 triệu VNĐ/năm để được lưu thông trên phố thì ngân sách đã có khoảng 300 tỷ đồng trong một năm. Mạng lưới xe bus lúc đó được bù giá khoảng 60 tỷ. Đánh thuế 300.000 xe máy đủ để mở rộng 5 lần mạng lưới xe bus.

Tất nhiên, không phải ai cũng đủ 1 triệu đồng để đóng thuế hàng năm. Như vậy, chỉ có người giầu và thu nhập trung bình mới đủ tiền để lưu thông xe riêng. Người có tiền khi lựa chọn mua xe máy hay đi xe công cộng phải hết sức tính toán. Phương tiện công cộng hay cá nhân khi đầu tư và đưa vào lưu thông sẽ được sử dụng tối ưu bởi người chủ phương tiện. Đương nhiên, xây dựng thành phố cũng phải đồng bộ. Những khu dân cư hàng vạn người cần có những bến xe bus đưa đón. Đó là một bài toán tổng thể về đô thị, không phải là một quyết tâm chính trị viết thành khẩu hiệu trên phố.

Rất đáng tiếc, nhà báo Thạch Anh gõ cửa bao nhiêu nơi công quyền, dù được tiếp ân cần, nhưng ý tưởng kia vẫn bị bỏ xó. Anh thấy rằng, một gia đình ở thành phố đôi khi không đến mức quá cần thiết cũng kiếm 2-3 xe máy để trong nhà. Không có nhu cầu cũng phóng xe ra đường. Nếu phải đi xe bus, hoặc đóng thuế xe máy rất cao, người ta phải nghĩ rất kỹ, trước khi mua và bước ra đường. Anh Thạch từng ở Singapore nên rất hiểu hệ thống giao thông đô thị và bài toán đặt ra cho con rồng châu Á này. Đất chật, người đông, nhưng Singapore ít tắc đường.

Bài toán đơn giản, có vẻ không công bằng. Nhà giàu đi xe hơi, nhà nghèo hãy chọn phương tiện công cộng. Một sự phân biệt đối xử ư ? Không hoàn toàn thế. Đó là giải pháp của mọi thời đại, mọi xã hội. Vì thật ra, chính sách đó đã lấy một phần của người giầu thông qua thuế, để cấp cho người nghèo dùng giao thông công cộng với giá rẻ vì được trợ giá. Ngoài ra, nhà nước nên khuyến khích tư nhân đầu tư loại phương tiện nhỏ hơn, xe mini 12 chỗ, 15 chỗ. Nguồn lực xã hội có thừa, nhưng không biết sử dụng, cứ phải thích “nhà nước” mới yên tâm.

Sau 10 năm, Hà Nội đã khác nhiều. Bây giờ không phải là 1 triệu xe máy mà là 4 triệu. Số 300.000 kia là xe hơi. Và hàng năm tăng khoảng 14-15% trong khi mạng lưới giao thông vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Kỳ họp HĐND vừa rồi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi liên tục bị các đại biểu “xoay” giải pháp chống ùn tắc giao thông và trách nhiệm của chính quyền. Báo chí đưa tin, đại biểu Phạm Thị Loan nóng lòng muốn biết UBND TP sẽ duy trì đến bao giờ “giải pháp tình thế” chống ùn tắc giao thông thực hiện thời gian qua -  “trên thế giới chẳng có ai lại ngăn ngã ba, ngã tư như thế cả”.

Có người còn đề nghị, người đi bộ thủ đô nên “bay” qua đường vì hệ thống đèn đỏ với đầu tư hàng trăm tỷ đồng của Pháp đang tắt ngấm. Đại biểu Đào Xuân Mùi còn nói “Giải pháp phân luồng giao thông hiện nay đang phá vỡ kết cấu hạ tầng, hệ thống đèn tín hiệu, gây lãng phí trong đầu tư. Ngoài ra, việc dựng hàng rào tại các ngã tư cũng đang gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây khó khăn và mất an toàn cho người đi bộ qua đường”, ông Mùi nêu cụ thể.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi kết luận khó hiểu rằng, “cả hai luồng ý kiến trên... đều đúng” khi cho rằng giải pháp tình thế đáng được khen và cũng…đáng chê. Thật ra, không có giải pháp tình thế nào đâu. Bây giờ mới bắt đầu nghĩ thì đã quá muộn. Nhưng thà muộn còn hơn không.

Nguyên tắc quan trọng trong giao thông là phải có ưu tiên và không ưu tiên. Không phải ai có xe cũng được ra đường. Đánh thuế cao vào xe tư nhân, lấy tiền đó phát triển giao thông công cộng, nâng chất lượng phục vụ, mới mong bớt tắc tỵ như hiện nay. Đương nhiên tiền đánh thuế kia phải được sử dụng hiệu quả. Giãn dân mà cứ xây nhà cao tầng trong nội đô không giải quyết được gì. Biết đâu qui luật vàng trong phát triển giao thông của Singapore lại áp dụng tốt ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, đưa lại sự thông thoáng và trả lại sự công bằng trên đường cho tất cả mọi người.

Nếu không, mọi giải pháp chỉ là tình thế. Mà đã là tình thế thì không bao giờ giải quyết triệt để nạn tắc đường. Đi từ nhà đến văn phòng, thấy ngột ngạt trên phố cũng đủ làm người ta cảm thấy bế tắc trong tư duy, hết luôn cả sức sáng tạo. Niềm tin bị sụt giảm chính từ những nút cổ chai trong thành phố.

Tại thủ đô Washington DC  của nước Mỹ xe cộ đi lại như mắc cửi nhưng rất có hàng lối. Trên đường cao tốc hiện đại có đến 10 làn đường nhưng người ta vẫn có đường ưu tiên cho xe chở đông người với hiệu suất sử dụng phương tiện cao. Cũng lạ, ở cái xứ Mỹ này, chả thấy khẩu hiệu cổ động nào treo ngoài đường, thế mà giao thông của họ vẫn trật tự.

Không thể  “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” trong lúc hệ thống giao thông hỗn loạn và tắc nghẽn.  

 

                                                                                                                                Theo Báo TP 
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)