Hà Nội: Sẽ tập trung phát triển đường sắt đô thị

Thứ tư, 22/12/2010 00:00 GMT+7
Hệ thống bến bãi đỗ xe thiếu về số lượng và kém về chất lượng phục vụ, phân bố không đều, không hợp lý, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu, nên gây nhiều bức xúc. Cụ thể ở khu vực nội đô, nhu cầu đỗ xe rất lớn nhưng không giải quyết được…
 “Trong 5 năm tới cần hoàn thiện vành đai 1, 2, 3 và xây dựng vành đai 4, 5. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, giao thông tĩnh với bến bãi đỗ xe… để giảm ùn tắc”, ông Nguyễn Văn Khôi Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đưa ra kế hoạch phát triển giao thông trong 5 năm tới.

Đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông TP.Hà Nội thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, GĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, tỉ lệ đất dành cho giao thông thiếu, chỉ chiếm khoảng 7-8% đất đô thị, trong khi đó mức yêu cầu tỉ lệ đất cho giao thông tại một đô thị hợp lý, hiện đại phải từ 20-25%.

Hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, chỉ đáp ứng khoảng 8% nhu cầu đi lại của nhân dân. Đặc biệt, mạng lưới giao thông đường bộ thiếu đồng bộ, thiếu khung xương hoàn chỉnh để kết nối liên thông tạo thành mạng lưới chính đường bộ.  

Giao thông đô thị Hà Nội lộn xộn đang là bài toán
đau đầu cho các nhà hoạch định

Cũng theo ông Hùng, chức năng một số tuyến chưa rõ ràng, do vậy cần cải tạo mở rộng và thiết lập lại chức năng cụ thể nhằm giải quyết những nhu cầu cơ bản của giao thông đi lại. Cụ thể như hệ thống đường vành đai chưa hoàn chỉnh, chưa khép kín do đó chưa phát huy được hiệu quả.

Hệ thống bến bãi đỗ xe thiếu về số lượng và kém về chất lượng phục vụ, phân bố không đều, không hợp lý, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu, nên gây nhiều bức xúc. Cụ thể ở khu vực nội đô, nhu cầu đỗ xe rất lớn nhưng không giải quyết được…

Trong 5 năm tới, hình thức vận tại công công bằng xe buýt vẫn là chủ yếu, những hình thức khác như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Do đó, theo ông Hùng, thành phố cần tăng quỹ đất cho giao thông vận tải từ 0,8 -1,5 %/ năm để đến năm 2015 tỉ lệ đất cho giao thông đạt khoảng 11-12%/năm, đến năm 2020, đất cho giao thông chiếm khoảng 20% đất đô thị.

Ông Hùng cũng đề xuất với TP. Hà Nội cần tập trung phát triển hệ thống giao thông chính, những đường có tính kết nối liên thông theo mạng, và phát huy mọi nguồn lực để triển khai thực hiện bằng được, tránh đầu tư dàn trải. Tránh đầu tư các tuyến nhánh, tuyến phụ trong khi các tuyến chính chưa xây dựng, dẫn đến đầu tư chưa hiệu quả, thiếu bền vững, và không giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông.

Ngoài ra cần hoàn chỉnh kết nối các tuyến vành đai 1, 2, 3 để phân bổ giao thông cho các tuyến hướng tâm, xây dựng thêm các tuyến nối giữa các vành đai để linh hoạt trong quá trình điều hành giao thông, nhằm tách phương tiện quá cảnh không đi qua khu vực trung tâm. Tách nhu cầu giao thông đi thẳng, đi dài, vượt tuyến không phải đi chung với các loại phương tiện khác trong nội đô, bằng việc triển khai xây dựng mạng lưới đường trên cao…

Đóng góp thêm cho kế hoạch của Sở GTVT, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cũng đề xuất thêm, ngoài xây dựng đường, cần triển khai quy hoạch phát triển đô thị hai bên đường, để khai thác triệt để hiệu quả quỹ đất, tạo bộ mặt đô thị hoàn chỉnh.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng, việc đầu tư hạ tầng giao thông cần đạt mục tiêu đáp ứng yêu cầu đi lại, phục vụ cuộc sống của nhân dân. Từ đó,  trên cơ sở hiện đại, đồng bộ có trọng tâm trọng điểm, trong 5 năm tới cần hoàn thiện vành đai 1, 2, 3 và xây dựng vành đai 4, 5; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, giao thông tĩnh với bến bãi đỗ xe…

Theo vietnamnet

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)