Đó là 3 đường ngang giao cắt đường bộ với đường sắt ở địa bàn quận Long Biên; trong đó 2 điểm giáp ranh phường Thượng Thanh - Đức Giang; 1 điểm giáp ranh phường Gia Thụy - Phúc Đồng. Tại cả 3 “điểm đen” này đều từng xảy ra nhiều tai nạn chết người.
|
Độ dốc lớn tại điểm giao cắt trên phố Thượng Thanh khiến học sinh qua lại đều phải dắt bộ |
Trung tá Nguyễn Hữu Tâm - Đội trưởng Đội CSGT số 5 cho biết, từng kiến nghị nhiều lần với cấp có thẩm quyền về việc giải quyết 3 điểm giao cắt đường sắt nguy hiểm. Một điểm trên phố Thượng Thanh, lối vào trụ sở UBND phường Thượng Thanh; một điểm ở khu Thanh Am, giáp ranh giữa phường Đức Giang với Thượng Thanh và một “điểm đen” ở lối ra vào Công ty Dịch vụ bay miền Bắc, trên đường Nguyễn Văn Linh, giáp ranh phường Phúc Đồng và Gia Thụy.
Theo Đội CSGT số 5 và các phường nêu trên, những điểm giao cắt này từng xảy ra tai nạn giao thông hết sức nghiêm trọng. Điển hình là điểm giao cắt trên phố Thượng Thanh, lối từ đường Ngô Gia Tự vào UBND phường Thượng Thanh, khu dân cư của phường Thượng Thanh. Khoảng tháng 8-2008, khu vực này xảy ra vụ tàu hỏa đâm ôtô làm 2 người chết, 8 người bị thương.
Sự nguy hiểm của điểm giao cắt này được Trung tá Nguyễn Hữu Tâm nhận định, là do hệ thống cảnh báo bố trí không hợp lý. Điểm giao cắt này thực chất là một đoạn của tuyến đê Đuống, độ dốc của nó rất lớn so với mặt đường. Các phương tiện cơ giới đến đây thường tăng tốc để vượt qua. Trong khi đó, họ vừa bị hạn chế tầm nhìn phía trước, vừa khuất góc quan sát hai bên phải, trái đường ray.
Một cán bộ UBND phường Thượng Thanh cho biết, điểm giao cắt này cũng là trục đi lại chính của học sinh 2 trường học, nên lưu lượng người, phương tiện qua lại rất đông. Sau nhiều kiến nghị của địa phương và cơ quan chức năng như lắp đặt gờ giảm tốc cưỡng bức, bố trí hệ thống - nhân viên gác ghi, nhưng ngành đường sắt vẫn chưa có động thái nào tích cực.
Có độ nguy hiểm tương tự điểm giao cắt ở phố Thượng Thanh là điểm giao cắt trước cổng Công ty Dịch vụ bay miền Bắc. Cuối năm 2009, mấy thanh niên đi xe ôtô 4 chỗ trên đường Nguyễn Văn Linh, ngang qua khu vực này thấy vắng vẻ đã phóng cả xe ôtô lên vệ đê để “giải quyết nỗi buồn”. Khi đánh xe ra, đúng lúc đoàn tàu băng đến. Xe ôtô bị tàu hỏa húc văng. Năm 2008, cũng tại điểm giao cắt này xảy ra tai nạn chết người đối với khách bộ hành. Lý giải số vụ tai nạn xảy ra thường xuyên này, đại diện CAP Gia Thụy khẳng định, do hệ thống cảnh báo không phát huy tác dụng.
Tai nạn đã và đang xảy ra ở 3 “điểm đen” ngay cửa ngõ Thủ đô, trong khi những bức xúc, kiến nghị của chính quyền cơ sở chưa được giải quyết và cả sự thờ ơ, chậm trễ của ngành đường sắt. Đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, có biện pháp hữu hiệu góp phần chấm dứt các vụ tại nạn đường sắt tại đây.
Theo ANTD