Nhằm từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, UBND TP.HCM chỉ đạo Ban An toàn giao thông (ATGT) TP chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình TP, Đài Tiếng nói nhân dân TP, Sở GD-ĐT và UBND các quận - huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông, nhất là Luật Giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức.
Từng bước khắc phục ùn tắc giao thông
Theo nội dung chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Công an TP, Sở Giao thông vận tải (GTVT) (Thanh tra Sở GTVT), UBND các quận - huyện phải xóa bỏ các điểm trông giữ phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm trái phép lòng đường, hè phố; áp dụng các biện pháp kiểm tra, xử lý tiên tiến thông qua hình ảnh, camera. Đồng thời tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm đỗ, dừng phương tiện trên lòng đường, hè phố không đảm bảo điều kiện theo quy định; hướng dẫn, điều tiết giao thông tại các nơi có nguy cơ thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Song song đó, UBND TP giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND các quận - huyện tiếp tục thực hiện tổ chức giao thông tại các điểm, nút giao thông, tuyến đường cho phù hợp và hiệu quả; hoàn thiện tổ chức thu phí điểm đỗ xe tĩnh, dưới lòng đường tại khu vực trung tâm thành phố, báo cáo UBND TP xem xét cho thực hiện trong thời gian tới.
Ngoài ra, UBND TP còn chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh công cuộc “xã hội hóa” trong đầu tư cải tạo, xây dựng các bến bãi đậu xe; đề xuất mô hình cơ quan quản lý nhà nước về vận tải hành khách công cộng, giải pháp hiện đại hóa phương tiện xe buýt trong đô thị; đề xuất giải pháp hữu hiệu trong việc hạn chế phương tiện cá nhân tại TP.HCM; đề xuất quy định về lệ phí liên quan đến phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TP; nghiên cứu bổ sung điều kiện bắt buộc doanh nghiệp phải có vị trí và diện tích đậu xe tương ứng khi cấp giấy đăng ký kinh doanh đối với các ngành nghề có nhu cầu đậu xe cho khách hàng, áp dụng cho TP.HCM để trình Thủ tướng Chính phủ.
Xe buýt phải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân
Bên cạnh việc đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, UBND TP còn giao Thường trực Ban ATGT TP, Sở GTVT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an TP và UBND các quận - huyện chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường phối hợp bảo đảm trật tự ATGT theo đề nghị của Cục Đường sắt Việt Nam. Giao Chủ tịch UBND các quận 3, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh và Thủ Đức, là các địa phương có đường sắt đi qua, phải có kế hoạch và chỉ đạo phối hợp với các lực lượng chức năng của ngành đường sắt để tăng cường tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn chạy tàu trên địa bàn mình phụ trách.
Sở GTVT xây dựng đề án phát triển xe buýt trên địa bàn thành phố đến năm 2025 sẽ đáp ứng được 40% nhu cầu đi lại của hành khách. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, Sở GTVT thực hiện các biện pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt; sắp xếp lại mạng lưới xe buýt theo mô hình: tuyến trục chính - tuyến nhánh - tuyến thu gom; điều chỉnh lộ trình 42 tuyến, hủy 6 tuyến, tăng 25 tuyến nhánh để thu hút người dân tại các tuyến đường nhánh đi xe buýt. Được biết, hiện nay các tuyến xe buýt tập trung chủ yếu tại các quận trung tâm (chiếm 67% tổng cự ly tuyến đường), trong khi đó một số tuyến ở ngoại thành lại quá ít. Qua thống kê của Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng, trên một số tuyến đường có đến 17 tuyến xe đi qua, vì thế tỷ lệ trùng lặp giữa các tuyến lên đến 56,6%. Theo đề án, Sở GTVT sẽ thay mới các xe đã hết hạn sử dụng để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Dự báo, sau khi sắp xếp lại các tuyến, hệ thống xe buýt của TP có thể đạt số lượng 1,8 triệu lượt hành khách/ ngày. Đến năm 2015, có thể đạt 21,6 triệu lượt hành khách/ ngày và đáp ứng khoảng 19,3% nhu cầu đi lại của hành khách.
Theo Báo Giáo dục TP.HCM