TP Hồ Chí Minh: Tương lai của giao thông công cộng

Thứ hai, 08/11/2010 00:00 GMT+7
Ngày 22-1-2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 101/QÐ-TTg về việc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo đó, hệ thống đường sắt đô thị (ÐSÐT) TP Hồ Chí Minh gồm sáu tuyến tàu điện ngầm (metro) với tổng chiều dài 94,4 km và ba tuyến xe điện chạy trên mặt đất với chiều dài 35 km. Các tuyến ÐSÐT này được coi là tương lai của giao thông công cộng ở TP Hồ Chí Minh, sẽ góp phần giải quyết cơ bản nạn ùn tắc giao thông tại thành phố này.
Ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn và ùn tắc giao thông.
Ngày 22-1-2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 101/QÐ-TTg về việc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo đó, hệ thống đường sắt đô thị (ÐSÐT) TP Hồ Chí Minh gồm sáu tuyến tàu điện ngầm (metro) với tổng chiều dài 94,4 km và ba tuyến xe điện chạy trên mặt đất với chiều dài 35 km. Các tuyến ÐSÐT này được coi là tương lai của giao thông công cộng ở TP Hồ Chí Minh, sẽ góp phần giải quyết cơ bản nạn ùn tắc giao thông tại thành phố này.

Ðột phá trong phát triển hạ tầng giao thông công cộng

Ðể phát triển một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tương xứng và đáp ứng được nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng trong tương lai tại TP Hồ Chí Minh thì việc xây dựng các tuyến metro và tuyến xe điện trở nên thích hợp và cần thiết. Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bùi Xuân Cường, dân số của TP Hồ Chí Minh chiếm 8% cả nước nhưng lượng xe máy lại chiếm đến 15% lượng xe máy cả nước. Trong thời điểm hiện nay, việc phát triển các loại hình vận tải chở nhiều hành khách mà vẫn bảo đảm các yếu tố về môi trường, diện tích chiếm dụng... sẽ là một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Mục tiêu của hệ thống metro là vào giai đoạn cuối năm 2020 sẽ giúp TP Hồ Chí Minh giảm một nửa lượng xe gắn máy lưu thông trên đường. Viện trưởng Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường đại học GTVT Hà Nội) TS Khuất Việt Hùng phân tích, metro và các tuyến xe điện được xem là 'xương sống' của giao thông công cộng của TP Hồ Chí Minh trong tương lai, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Các dự án này sẽ giảm được tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài. Giá trị sử dụng đất tại khu vực chung quanh nhà ga sẽ tăng lên nhờ các dịch vụ khác phát triển. Ðiều này cũng sẽ kéo theo cơ hội tạo việc làm cho nhiều lao động. Metro và các tuyến tàu điện khi vận hành đều sử dụng điện nên hiển nhiên sẽ giảm thấp nhất tác động của khí thải, khói bụi... tới môi trường sống của người dân. Việc tiếp cận các công nghệ mới về phương tiện vận tải hiện đại cũng sẽ giúp ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam phát triển. 

Theo quy hoạch sau điều chỉnh, sẽ có bảy tuyến metro với bảy nhà ga và ba tuyến xe điện được xây dựng. Cả bảy tuyến metro này đều lấy Bến Thành làm bến trung tâm và kết nối với các khu vực chung quanh, khu vực có mật độ dân cư cao, các đô thị vệ tinh trong tương lai, tạo thành mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp, cơ bản giải quyết vấn đề đi lại của người dân.

Ðẩy nhanh tiến độ các dự án

Ðến nay, thành phố đã khởi công hai trong tổng số bảy tuyến nêu trên. Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) khởi công đầu năm 2008 có chiều dài 19,7 km (trong đó có 2,6 km đi ngầm, 17,1 km đi trên cao), đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Ðức và một đoạn thuộc huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với 14 nhà ga (ba ga ngầm và 11 ga trên cao). Ngày 24-8 vừa qua, giai đoạn một tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã được thành phố khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư 1,25 tỷ USD. Tuyến này có lộ trình dài hơn 11 km với 9,6 km đi ngầm với mười nhà ga (chín ga ngầm và một ga nổi). Dự kiến đến năm 2016 tuyến metro này sẽ được vận hành chạy thử và đưa vào khai thác sử dụng. Các tuyến khác như: tuyến số năm, tuyến xe điện mặt đất số một (tramway) đều đã xác định được nguồn vốn đầu tư và đang trong quá trình triển khai các phương án thực hiện. Chánh văn phòng Ban Quản lý ÐSÐT TP Hồ Chí Minh Lê Khắc Huỳnh cho biết, đối với các dự án đã có nguồn vốn đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện các công đoạn để sớm triển khai thi công, còn đối với các tuyến khác, ban quản lý đang hoàn tất báo cáo trình UBND thành phố sớm chọn ra nhà thầu, xác định nguồn vốn để tổ chức thi công.

Bên cạnh các tuyến metro, việc triển khai xây dựng các tuyến xe điện cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng ba tuyến đường loại này. Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng Phạm Sỹ Liêm cho rằng: Loại hình giao thông này không cản trở giao thông trên mặt đất, khả năng chuyên chở 5.000-30.000 người/giờ trên một hướng. Không chiếm dụng nhiều không gian, không che chắn bầu trời đến mức tạo ra nhiều bóng tối và gây cảm giác nặng nề như đường bộ hay đường sắt trên cao, không gây bụi bặm, an toàn, văn minh... Tuy nhiên, việc phát triển loại hình giao thông này có nhiều thách thức: vốn đầu tư cao; thi công tương đối chậm...

Bên cạnh đó, từ trước đến nay, việc xây dựng các dự án metro và các tuyến xe điện chưa hề có tiền lệ, ngoài ra, việc tuân thủ các quy định của quốc tế trong việc tiếp cận phương thức vận tải mới này đã làm chủ đầu tư cũng như các đơn vị liên quan đều gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Việc triển khai giải phóng mặt bằng tại các địa điểm xây dựng các tuyến metro cũng ảnh hưởng quá trình triển khai thi công. Song, đây là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, được Chính phủ phê duyệt và ủng hộ, với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố và Ban Quản lý ÐSÐT, việc triển khai các dự án vẫn đang tiếp tục diễn ra khẩn trương để trong tương lai gần, hệ thống giao thông nói riêng và bộ mặt của TP Hồ Chí Minh phát triển một cách xứng tầm, hướng đến mục tiêu: thành phố văn minh, hiện đại.

Theo ND

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)