Hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, càng ngày, ùn tắc giao thông (UTGT) càng nghiêm trọng, gây thiệt hại nhiều mặt tới kinh tế - xã hội. Không những giờ cao điểm mà bất cứ lúc nào cũng có thể tắc đường nhất là ở những trục đường quan trọng như Kim Mã, Hoàng Hoa Thám, Chùa Bộc, Thái Hà, Cát Linh...
Ngoài nguyên nhân do đường hẹp, phân luồng nhiều nơi chưa hợp lý..., ý thức kém của người tham gia giao thông cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên UTGT.
Có dịp quan sát tại những ngã tư ở đây, chúng tôi nhận thấy, các phương tiện giao thông thường di chuyển không khẩn trương nên lượng phương tiện "thoát" khỏi nút tắc rất ít khi có tín hiệu đèn xanh. Chẳng hạn, thời gian đèn xanh thường khoảng từ 30 đến 60 giây, thì khi những chiếc ô-tô hoặc nhóm xe máy đỗ trước vạch dừng ngã tư lao đi thì thường ít nhất 5 giây sau, ô-tô thứ hai (hay gọi là nhóm thứ hai) mới có thể chầm chậm đi tiếp, và cứ thế, những nhóm tiếp theo cũng phải mất ít nhất 5 giây nữa mới chuyển động được và như vậy, hết đèn xanh mà phía sau vẫn còn nhiều phương tiện chưa thể qua được. Chưa kể, khi đèn xanh, nhiều phương tiện (thường là xe máy) đỗ ở làn đường bên trái lại rẽ sang bên phải và ngược lại, gây cản trở giao thông.
Do vậy, để giảm bớt UTGT ở các nút giao thông thì điều quan trọng là mỗi khi bắt đầu đèn xanh, cần phải bố trí thêm lực lượng để điều phối giao thông để các phương tiện khẩn trương lưu thông. Khi có mưa to gây ngập úng tại nhiều điểm trong thành phố thì sự có mặt kịp thời của các lực lượng chức năng giữ gìn trật tự an toàn giao thông lại càng cần thiết. Bài học cho thấy, khi ngập lụt nhiều tuyến phố, cảnh sát giao thông không kịp thời xuất hiện ở đâu thì ở đó sẽ xảy ra tình trạng giao thông hỗn loạn. Thường xuyên qua ngã tư Kim Mã - Núi Trúc, chúng tôi nhận thấy, cũng tương tự như nhiều nút giao thông khác, cứ khi nào, cảnh sát giao thông không bố trí thêm các đồng chí trực ở hai phía đường Kim Mã thì mặc dù có tín hiệu đèn giao thông song các phương tiện thường không "tự giác", tranh thủ cố vượt kể cả đèn đỏ đã bắt đầu được vài giây, trong khi phía đèn xanh bên kia cũng lao sang gây ùn tắc rất nghiêm trọng. Tại những đường giao cắt với đường sắt, mỗi khi tàu chưa chạy qua hết, hàng đoàn xe máy, thậm chí cả ô-tô cũng chen lên lấn sang làn đường bên trái. Kết quả, khi rào chắn đường sắt được mở ra thì nhiều lúc, không thể đi nổi. Tình cảnh này có thể gặp rất nhiều ở đoạn giao cắt đường sắt trên đường Trần Phú, Khâm Thiên, đường vào khu Linh Ðàm...
Ðể làm giảm UTGT, nhà chức trách đã nỗ lực thực hiện một loạt biện pháp đồng bộ, nhất là tổ chức phương án phân luồng lại giao thông, bố trí lại các nút giao thông, lập kênh phát thanh giao thông... bước đầu đã phát huy tác dụng. Ðối với kênh phát thanh giao thông, theo chúng tôi, kênh này đã làm tốt vai trò trong thời gian qua giúp người tham gia giao thông biết được tình hình UTGT hoặc giúp cảnh sát giao thông kịp thời can thiệp những điểm ùn tắc. Song, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để có những hình thức khác để thông báo cho người tham gia giao thông biết được những điểm ùn tắc một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất bởi không phải ai cũng nghe đài trước khi ra khỏi nhà hoặc không phải ai cũng đi ô-tô (nghe qua máy thu thanh) hay gọi điện thoại di động tới trung tâm điều hành giao thông. Có dịp đi một số nước, chúng tôi thấy, mặc dù phương tiện giao thông chủ yếu là ô-tô song nhà chức trách vẫn lắp đặt rất nhiều bảng thông báo điện tử cảnh báo từ xa giúp người tham gia giao thông biết được tình trạng giao thông các tuyến đường phía trước có ùn tắc hay không.
Rõ ràng, dù còn khó khăn về kinh phí, mặt bằng song có thể làm được, nhưng ý thức tham gia giao thông thì cần phải mất nhiều thời gian mới có thể cải thiện, đòi hỏi nỗ lực của cả xã hội.
Theo Báo Nhân Dân OL