Theo báo cáo toàn cầu về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong và khuyết tật cho thanh thiếu niên Việt Nam. Mặc dù chưa có con số thống kê, song theo bà Lê Minh Châu, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), TNGT xảy ra với các em học sinh đi xe đạp đến trường chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Tại Hà Nội vào giờ tan học, trên đường Láng nối từ Ngã Tư Sở (Q.Đống Đa) đến Cầu Giấy (Q.Cầu Giấy), đoạn đường tập trung khá nhiều trường học, rất nhiều học sinh đi xe đạp kẹp 2, 3 người, dàn hàng ngang trên đường, vừa đi vừa trêu đùa nhau. Một số cô cậu bé còn vừa tham gia, vừa cổ vũ cho trò diễn xiếc xe đạp trên đường phố, như bốc đầu, buông tay lái hay đứng trên giá đèo hàng…
Anh Trần Tuấn Tú, lái xe buýt của Công ty Xe buýt Hà Nội, tâm sự: “Lái xe trên đường nhiều năm, tôi sợ nhất đi vào giờ tan học. Các em túa ra đường không theo trật tự nào và không hề quan tâm đến các phương tiện khác đang lưu thông. Nhiều người nói xe buýt là hung thần xa lộ không oan nhưng học sinh đi xe đạp trên đường cũng là mối đe dọa với lái xe chúng tôi”.
Đã có nhiều vụ TNGT đáng tiếc và hậu quả là không chỉ các em và gia đình mà cả xã hội phải gánh chịu. Chị Nguyễn Thị T, phụ huynh em học sinh bị thương nặng do va chạm giữa xe đạp và xe buýt trên đường Cát Linh (Q.Ba Đình) hồi tháng 10 vừa qua, tâm sự: “Giá như con tôi đội nón bảo hiểm khi đi xe đạp và đi cẩn thận hơn chút nữa, đừng đi hàng đôi hàng ba thì đỡ đau xót bao nhiêu. Tôi muốn nói với các cháu học sinh là, có những chuyện đáng tiếc xảy ra mà không có cơ hội làm lại”.
Anh Nguyễn Minh Nam (TX Bắc Giang - tỉnh Bắc Giang) cũng chưa hết đau xót vì cô cháu gái bị TNGT khi đi xe đạp đến trường. Sau khi va chạm, cháu vẫn đứng dậy được và đi về nhà bình thường. Chỉ đến hôm sau cháu mới đau đầu, chóng mặt, không dậy được, cứ lịm dần rồi ra đi trong sự tuyệt vọng của gia đình. Anh nói: “Nguy cơ TNGT sẽ càng nhiều khi chính các em không hiểu và không chủ động phòng tránh”.
Theo các chuyên gia giao thông, ước tính có 2/3 trên tổng số 22 triệu học sinh - sinh viên trên cả nước đến trường bằng xe đạp. Tình trạng đi xe đạp không an toàn vẫn đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương và nó góp phần làm TNGT gia tăng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT nhưng trong đó phải nói đến trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục các em ý thức và kỹ năng đi xe đạp an toàn. Các chuyên gia khuyến cáo, các em học sinh cần được kết hợp giữa học và hành những điều đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ mới vừa được ban hành.
Theo đó, người đi xe đạp chỉ được đi làn đường bên phải trong cùng; chỉ được đèo 1 người; phải đội nón bảo hiểm khi đi xe đạp máy; người đi xe đạp không được dàn hàng ngang, đi vào phần đường dành cho người đi bộ và các phương tiện khác; không được sử dụng thiết bị dù, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, buông 2 tay, đi xe 1 bánh, đứng trên yên, giá đèo hàng…
Các chuyên gia cũng cho rằng, có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường thì việc rèn luyện ý thức tham gia giao thông cho học sinh mới có thể phát huy hiệu quả.
Theo SGGPOnline