![](http://nhandan.com.vn/nhandan/Vietnamese/chinhtri/giaothong/011109/Image/i60_104439.jpg) |
Học sinh thôn Trằm Mé đến trường trên
chuyến đò ngang mà không có phao cứu sinh.
|
Hậu quả của vụ chìm đò thảm khốc trên sông Gianh (Quảng Bình) hồi đầu năm chưa kịp lắng xuống thì hiện nay tình trạng vận chuyển người bằng phương tiện thiếu an toàn này lại diễn ra khá phổ biến trên một số con sông ở Quảng Bình. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những bến đò "nhiều không" tại huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa mà không khỏi lo cho tính mạng của hàng trăm em học sinh phải ngồi trên những chuyến đò ngang mạo hiểm ấy để đến trường.
Nhọc nhằn đường đến trường
Do địa hình đồi núi và sông Son chia cắt nên thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch hình thành hai vùng Trằm và Mé tách biệt. Toàn thôn có 198 hộ, 984 nhân khẩu, trong đó có tới 110 hộ nghèo, mức thu nhập bình quân khoảng 200 nghìn đồng/người/tháng. Do đặc thù của địa hình, ở địa phương này có tới ba bến đò nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của bà con và phục vụ con em đến trường.
Trưởng thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch Nguyễn Văn Thông cho biết: "Trằm Mé hiện có 96 học sinh tiểu học, khoảng 60 học sinh THCS và 20 học sinh đang theo học THPT. Tại thôn chỉ có một điểm trường tiểu học, đóng tại vùng Mé. Riêng học sinh THCS thì đa số phải ra vùng trung tâm xã (cách thôn 7 km), còn đối với học sinh THPT thì phải về tới vùng Cự Nẫm (khoảng 15 km). Do địa hình chia cắt nên việc đi lại của bà con trong thôn với nhau cũng như với các vùng bên ngoài là rất khó khăn. Ðối với những học sinh tiểu học ít nhất cũng phải đi qua một lần đò. Riêng học sinh THCS và THPT, nhiều em phải "bò" qua một chiếc cầu khỉ (nằm tại vùng Mé), tiếp đến là đi thêm hai lần đò nữa, từ đó mới có thể đi bằng đường bộ tới trường. Vào mùa nắng thì còn đỡ chứ mùa mưa lũ thì rất nguy hiểm. Hằng năm, học sinh ở đây buộc phải nghỉ học chừng một tháng do mưa lũ, nước sông Son chia cắt. Không ít học sinh của thôn, mặc dù học buổi chiều nhưng từ 10 giờ sáng đã cắp cặp đi, mãi đến chừng 7 giờ tối mới về tới nhà. Cũng do đi lại quá khó khăn mà cách đây vài năm, Trằm Mé là địa phương có tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều đến mức được coi là "điểm nóng" về tình trạng học sinh bỏ học của tỉnh".
Ông Thông cho biết thêm: "Tại thôn có tới ba bến đò, nhưng hầu hết các chủ đò nơi đây đều không có giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Các đò hầu như không được đăng kiểm, không trang bị phao cứu hộ, cứu nạn đầy đủ. Mặc dù biết rõ thực trạng đó, nhưng địa phương "buộc" phải ký hợp đồng với các chủ thuyền nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của bà con, đặc biệt là phục vụ các em tới trường. Do đời sống bà con nơi đây còn nghèo nên chúng tôi trả tiền công chèo đò bằng lúa, bình quân mỗi hộ phải đóng hai thúng lúa (khoảng 10 kg)/6 tháng, hộ nào có con đi học thì đóng thêm 5 kg. Tiền công chẳng đáng là bao nên có thời điểm như đầu năm học 2009 - 2010, các chủ thuyền đều không chèo nữa buộc địa phương phải tính đến chuyện kết bè để đưa các em tới trường. Cũng may nhờ chính quyền xã đến vận động, hỗ trợ thêm một tạ gạo/năm/thuyền nên các chủ thuyền mới tiếp tục chèo. Chúng tôi mong được Nhà nước quan tâm đầu tư cho thôn một chiếc cầu để bà con nơi đây bớt khó nhọc và nguy hiểm" khi đi lại.
Nguy hiểm rình rập
Tại thôn Trằm Mé (xã Sơn Trạch), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng hàng chục em học sinh chen nhau ngồi trên một chuyến đò qua sông. Ðiều đáng nói, trên các thuyền này hầu như không có lấy một chiếc phao cứu hộ. Ðã thế, các em học sinh tha hồ đùa nghịch trên thuyền nhưng chẳng mấy khi thấy chủ đò nhắc nhở. Nguy hiểm đang rình rập từng ngày trên chặng đường đến trường học chữ của học sinh nơi đây...
Cảnh tượng trên cũng lặp lại tại bến đò ngang trên sông Gianh ở thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa. Trên một chuyến đò chật hẹp qua sông, chúng tôi đếm có khoảng 30 em học sinh ngồi chen chúc mà không thấy có một chiếc phao cứu hộ nào. Ðưa vấn đề này trao đổi ý kiến với lãnh đạo xã, chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa Nguyễn Thanh Bình cho biết: "Bến đò này đã tồn tại từ nhiều năm nay. Do địa hình chia cắt nên vùng Xuân Canh bị biệt lập với vùng trung tâm xã. Thôn Xuân Canh có 103 hộ, với 495 nhân khẩu, trong đó có chừng 60 học sinh các cấp thường xuyên phải qua sông để đến trường. Lệ phí đi đò là 12 nghìn đồng/học sinh/tháng, vào mùa mưa lũ thì giá cao hơn. Phó Chủ tịch UBND xã vẫn thản nhiên cho rằng: "Vẫn biết chủ thuyền không trang bị phao cứu sinh và chở quá số người theo quy định là vi phạm, nhưng để các em được đến trường thì cũng đành chấp nhận thực trạng trên thôi. Riêng vấn đề chở quá số người, chúng tôi cũng đã tiến hành nhắc nhở chủ đò nhưng đâu lại vào đấy"!?
Về cuối nguồn sông Gianh, gần với bến đò xảy ra tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng 42 người dân xã Quảng Hải, chúng tôi phát hiện ra một bến đò mới mở tại xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch. Ðược biết, trước đây xã Quảng Lộc có một chiếc cầu phao bắc qua sông Gianh, nối với các xã vùng nam huyện Quảng Trạch nhưng hiện đã đổ sập. Bởi thế mà học sinh của xã này buộc phải dùng đò để qua sông. Ðiều đáng nói, trên chuyến đò này cũng không hề có một chiếc phao cứu hộ.
Nhiều tháng qua, Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Bình và các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy, song không hiểu sao nhiều thuyền chở khách qua sông vẫn ngang nhiên vi phạm. Với giao thông đường thủy, hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vụ đắm đò thảm khốc trên sông Gianh dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu là bài học đắt giá cho những ai coi thường luật lệ giao thông.
Theo Báo Nhân Dân