Ngày 1/7, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, quy định trẻ em trên sáu tuổi bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy. Nhưng đến nay, sau hơn ba tháng có “Luật mới”, hầu hết các bậc phụ huynh vẫn “trung thành” với “Luật cũ”, trẻ em vẫn bị “đầu trần” thách thức với nguy hiểm... Trong khi giao thông đường bộ vẫn còn là một “bài toán khó”, mũ bảo hiểm lại chính là loại “vắcxin” phòng chống có hiệu quả “căn bệnh” khó ai đoán trước này, nhưng không phải phụ huynh nào cũng dành cho con em mình sự bảo vệ tin cậy đó.
Bởi vì đâu?
Vào giờ tan tầm, xe cộ nối đuôi nhau tấp nập, gần Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP Yên Bái), thi thoảng mới thấy một chiếc mũ bảo hiểm “nhi đồng” chen trong hàng loạt những chiếc đầu bé nhỏ, tơ hơ “không quai, không mũ”, bởi “nhà ở gần trường, đi có một đoạn là tới, cần gì phải mũ cho thêm vướng víu” – chị D.T.Thuý, phường Yên Thịnh (TP Yên Bái) giãi bày hoàn cảnh. Hơn thế là “vì nhà có hai đứa cùng học tiểu học, lại tiện thể đón luôn đứa cháu, nên nếu đội mũ cho cả ba thì xe sẽ chật chỗ, các cháu không ngồi được” - anh C.V.Thanh, phường Yên Thịnh tỏ ra “rất tiếc”, tuy rằng muốn thực hiện đúng luật giao thông nhưng không thể vì - “Các cháu cũng không thích đội mũ bảo hiểm, chúng kêu nóng đầu và bắt bỏ ra ngay”.
Theo thống kê của Bộ Y tế tại 100 bệnh viện lớn, năm 2008, cứ khoảng 20 trẻ nhập viện do tai nạn giao thông thì có tới sáu trẻ “mắc” chấn thương sọ não, trong đó có một trẻ dưới 14 tuổi, và hầu hết các trường hợp này là chấn thương nặng.
|
Mỗi người đều có một lý do riêng để lý giải cho hành vi vi phạm luật giao thông của mình, tất cả đó đều là những lý do “bất khả kháng”?. Nhưng trên thực tế khi hỏi cháu Hiếu, học trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân thì nhận được câu trả lời thế này: “Nhiều bạn có mũ bảo hiểm đẹp lắm, cháu cũng thích đội mũ như thế, cô giáo cháu cũng dạy phải đội mũ khi đi xe với bố mẹ”. Phải chăng đây mới là câu trả lời chính đáng. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng đội mũ bảo hiểm ảnh hưởng đến đốt sống cổ của trẻ em, nhưng trên thực tế chưa có căn cứ nào khẳng định điều này.
Và cũng còn một lý do quan trọng khác để các bậc phụ huynh vẫn “từ chối” Luật một cách ngang nhiên và thẳng thừng như thế, chính bởi vì lực lượng cảnh sát giao thông vẫn chưa chính thức vào cuộc. Trong khi đó, một điều đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người chúng ta, đó là: chưa nhìn thấy hậu quả thì chưa làm. Nếu cứ xử theo đúng luật, mỗi trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ sáu tuổi trở lên sẽ bị phạt từ một trăm đến hai trăm nghìn đồng, tin chắc rằng không phụ huynh nào muốn mình thủng túi.
Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, vấn đề xác định tuổi của trẻ em là rất khó, tuy có thể nhờ vào kinh nghiệm mà đoán biết được, nhưng trong luật thì không thể có điều “ước chừng” như thế, mà không lẽ, lúc nào ra đường phụ huynh cũng phải mang giấy khai sinh của con mình đi theo. Đúng là “làm khó” cho đội ngũ cảnh sát giao thông, nhưng với sự vào cuộc thẳng thắn cộng với ý thức nghiêm túc chấp hành luật giao thông của mỗi người, tin rằng sẽ không có gì là “khó làm” cả.
Đội mũ cho trẻ dường như chưa trở thành ý thức của nhiều bậc cha mẹ.
“Văcxin” cho tương lai của trẻ
Sẽ là phiến diện nếu như không kể đến những bậc phụ huynh luôn lưu tâm đến việc đội mũ bảo hiểm cho con em mình, “không chỉ bởi pháp luật đã quy định, mà còn bởi việc đội mũ bảo hiểm là cần thiết để bảo đảm an toàn cho trẻ, khi có điều bất trắc xảy ra” - anh Thành, phường Yên Thịnh chia sẻ. Đúng là “không thể nói trước được ngày mai”, nhưng việc phòng chống những điều không may mắn, có thể đến trong ngày mai đó là điều nằm trong tầm tay của chúng ta. Bởi vậy “đội mũ bảo hiểm là mang đến cho con tôi điều tốt đẹp nhất, để những ngày mai không bao giờ phải nói câu “giá mà” vẫn thường gặp trong cuộc sống” - chị Hương, phường Yên Thịnh tâm sự. Và giá mà ai cũng có được những suy nghĩ ấy thì thành phố Yên Bái này sẽ ngày thêm khởi sắc.
Hơn thế nữa, không thể phủ nhận rằng, bên cạnh ý nghĩa giảm thiểu chấn thương sọ não, đội mũ bảo hiểm cho trẻ còn tạo lập ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho con em bạn ngay từ khi còn nhỏ, cũng là một cách đưa Luật tiến nhanh vào thực tiễn. Nếu như trẻ đến lớp được thầy cô nhắc nhở, trẻ về nhà được cha mẹ luôn khuyến khích và khen ngợi hành vi tốt của mình, dần dần chúng sẽ tự giác đội mũ bảo hiểm mà không cần sự tác động của ai. Trẻ em với những tâm hồn non nớt, dễ uốn nắn nên để rèn luyện những ý thức tốt cho trẻ, hãy bắt đầu từ việc hình thành thói quen chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Đó không chỉ là một phương pháp giáo dục trẻ có hiệu quả, mà còn có tác dụng thiết thực đến việc bảo vệ sự an toàn cho con em bạn.
Mũ bảo hiểm là một loại “văcxin” hữu hiệu cho việc phòng chống chấn thương sọ não ở trẻ nhỏ. Sử dụng loại “văcxin” này để bảo đảm an toàn cho con em bạn cũng là bảo vệ tương lai của đất nước.
Theo Báo YenBaiOL