Ùn tắc nhiều tuyến đường

Thứ năm, 20/08/2009 00:00 GMT+7

Ngày 17-8, hàng chục vạn học sinh của các trường THPT và THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội đã náo nức tựu trường. Mặc dù trước đó Phòng CSGT đường bộ-đường sắt đã tiên lượng được tình hình và triển khai phương án cho các đội CSGT tổ chức ứng trực phân luồng.

Ngày 17-8, hàng chục vạn học sinh của các trường THPT và THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội đã náo nức tựu trường. Mặc dù trước đó Phòng CSGT đường bộ-đường sắt đã tiên lượng được tình hình và triển khai phương án cho các đội CSGT tổ chức ứng trực phân luồng. Tuy nhiên, do là ngày đầu tuần cộng với lượng người và phương tiện tham gia tăng đột biến đã khiến giao thông tại nhiều tuyến đường nhất là ở cổng các trường học vẫn diễn ra lộn xộn. Những tuyến phố diễn ra cảnh ùn tắc phải kể đến như tuyến đường Thái Hà-Chùa Bộc, Cát Linh, Đê La Thành, Trường Chinh…

CSGT phân luồng chống ùn tắc tại ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng

Trao đổi với PV Báo ANTĐ, Trung tá Trần Ngọc ánh - Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt cho biết: “Nguyên nhân ùn tắc đó là bên cạnh việc gia tăng các phương tiện và người tham gia giao thông thì tại nhiều nút giao thông hiện vẫn còn đang trong cảnh thi công dang dở, gây ảnh hưởng đến hành lang ATGT”. Một số tuyến đường cũng như nút giao thông nằm trong diện trên được đại diện của Phòng CSGT đường bộ-đường sắt dẫn chứng đó là tại nút giao thông ngã ba Pháp Vân-Giải Phóng đang xây dựng cầu vượt theo đường vành đai 3 đã biến nút giao thông này như “nút cổ chai”. Hơn nữa, do đây là tuyến đường huyết mạch nên rất nhiều phương tiện trong đó có những xe trọng tải lớn, xe khách đi qua với mật độ cao càng khiến giao thông tại đây lâm vào cảnh ùn tắc trong những giờ cao điểm.

Để đảm bảo TTATGT, hạn chế tình trạng ùn tắc trong các tuyến đường nội đô, ngoài việc triển khai lực lượng CSGT ứng trực trên các tuyến đường, nút giao thông nhạy cảm, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt đã chỉ đạo các đội CSGT phụ trách ở các tuyến đường “cửa ngõ” của Thủ đô tiến hành tổ chức phân luồng từ xa các phương tiện. Cụ thể, tại nút giao thông cầu Chương Dương, Đội CSGT số 1 đã triển khai dỡ bỏ một đoạn dải phân cách ở phía Nam cầu nhằm giúp thoát phương tiện tại đây vào buổi sáng. Riêng Đội CSGT số 5, đơn vị đã tổ chức hướng dẫn phân luồng cho các xe khách, xe trọng tải lớn đi trên Quốc lộ 5 từ Hải Phòng về Hà Nội đi theo hướng cầu Thanh Trì nhằm giảm lưu lượng xe ôtô đi vào các tuyến phố có nguy cơ gây ùn tắc.

Bên cạnh việc tổ chức phân luồng từ xa, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt cũng tổ chức phối hợp chặt chẽ với CS113, Thanh tra Giao thông… tiến hành ứng trực hướng dẫn giao thông trên các tuyến đường huyết mạch. Mặc dù nút giao thông hầm Kim Liên đã được đưa vào sử dụng nhưng ngã tư Đại Cồ Việt-Giải Phóng vẫn được coi là một điểm “nóng” của giao thông Thủ đô. “Ngoài Thanh tra Giao thông, tại đây chúng tôi còn bố trí 7 CSGT ứng trực phân luồng phương tiện ở 4 đầu ngã tư. Tuy nhiên, dù rất cố gắng nhưng ùn tắc vẫn xảy ra vào đầu giờ sáng bởi khi học sinh đến trường trùng với thời gian đi làm của người dân. Lực lượng CSGT tại đây đã phải rất vất vả trong việc điều khiển giao thông tránh ùn tắc kéo dài” - đại diện Đội CSGT số 4 thông báo.

Theo nhận định của Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, vào năm học mới, lượng người tham gia giao thông trên các tuyến đường Hà Nội sẽ đông hơn rất nhiều so với những tháng học sinh, sinh viên nghỉ hè trước đó.

Để đảm bảo TTATGT, ngoài các biện pháp tuần tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt cũng đang lên kế hoạch phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tới giáo viên, học sinh, sinh viên. Những học sinh vi phạm Luật Giao thông thì ngoài việc bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật CSGT còn gửi thông báo về gia đình, nhà trường để phối hợp giáo dục.

 

Theo Báo ANTĐ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)