Những năm qua, trên địa bàn Lạng Sơn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này chính là sự tồn tại của các “điểm đen” tai nạn giao thông. Vì vậy, việc khắc phục các “điểm đen” được coi là một giải pháp hữu hiệu để đảm bảo trật tự ATGT.
Theo tiêu chí của Cục Đường bộ Việt Nam, “điểm đen” tai nạn là một điểm hoặc một đoạn đường bộ có chiều dài xác định, bình quân mỗi năm có ít nhất 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng (có người chết), hoặc 3 vụ (trong đó có 1 vụ nghiêm trọng), hoặc 4 vụ tai nạn giao thông (có người bị thương) xảy ra.
Trung tá Bế Thế Huyên, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Trên quốc lộ 1A chạy qua Lạng Sơn, năm 2007 có 4 “điểm đen” tai nạn giao thông được xác định, đó là km1+700; km3+500; đoạn từ km41+600 đến km41+700; km42+200 thuộc địa phận huyện Cao Lộc, TP Lạng Sơn và huyện Chi Lăng. Đặc điểm chung của các “điểm đen” là đường dốc, cong, mấp mô, tầm nhìn hạn chế, sơn vạch kẻ đường không đầy đủ… Chẳng hạn, “điểm đen” km1+700 đoạn từ cửa khẩu Hữu Nghị về, phần rẽ vào Kéo Kham, blốc giao thông nhô ra lòng đường, lại không có vạch sơn phản quang; “điểm đen” km42+200 thuộc địa phận huyện Chi Lăng đường cong, tầm nhìn hạn chế, mặt đường mấp mô nên khi trời mưa thường tạo thành những vũng nước đọng trên mặt đường khiến cho các phương tiện giao thông chạy với tốc độ cao có thể bị mất lái…. Do những yếu tố khách quan đó mà tại các “điểm đen” này hàng năm đã xảy ra nhiều vụ giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và phương tiện.
Để đảm bảo ATGT, các ngành chức năng của tỉnh đã lập hồ sơ, khảo sát các điểm đen và tiến hành khắc phục. Cho đến nay, 2 “điểm đen” là km1+700 và km42+200 đã được xử lý xong, 2 “điểm đen” còn lại đã hoàn thành khảo sát vào tháng 4/2009 dự kiến sẽ được xoá trong quý II năm nay. Theo ghi nhận của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, thì tại các điểm đen đã được xử lý, tình hình trật tự ATGT được cải thiện đáng kể, cụ thể là km1+700, từ lúc khắc phục xong chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nào, tại km42+200, chỉ xảy ra tai nạn hoặc va chạm nhẹ. Trung tá Bế Thế Huyên nhấn mạnh: Nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông tại các “điểm đen” là “đường có vấn đề” chính vì vậy, việc xử lý điểm đen tập trung giải quyết những “vấn đề” của các điểm, đoạn đường bộ đó như: sửa chữa nền đường để tăng độ nhám (hệ số ma sát), lắp hộ lan hai bên, sơn vạch kẻ đường, dựng đảo phân cách, lắp đặt biển báo để hướng dẫn phương tiện giao thông…Tuỳ theo kết quả khảo sát mà đối với từng “điểm đen”, ngành chức năng sẽ có cách xử lý riêng.
Theo baolangson
Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng rà soát, phát hiện các “điểm đen” tai nạn giao thông để từ đó tiến hành khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, để đảm bảo ATGT, giảm các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh thì một giải pháp quan trọng không kém chính là tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm luật lệ ATGT nhằm xoá các “điểm đen” trong ý thức của người tham gia giao thông.