Ngành GTVT tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ

Thứ tư, 05/11/2008 00:00 GMT+7

Liên tiếp trong các ngày 30/10, 1/11 và 3/11 Bộ GTVT đã có Công điện khẩn số 90, 91 và 92 gửi các Cục: Đường bộ, Đường thủy nội địa, Đường sắt, Ban QLCDA: 1, 85, đường Hồ Chí Minh, các Tổng công ty: Đường sắt, Xây dựng CTGT 8, Khu QLĐB II, IV và các Sở GTVT: Lạng Sơn, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Liên tiếp trong các ngày 30/10, 1/11 và 3/11 Bộ GTVT đã có Công điện khẩn số 90, 91 và 92 gửi các Cục: Đường bộ, Đường thủy nội địa, Đường sắt, Ban QLCDA: 1, 85, đường Hồ Chí Minh, các Tổng công ty: Đường sắt, Xây dựng CTGT 8, Khu QLĐB II, IV và các Sở GTVT: Lạng Sơn, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong đó Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trong ngành cần tập trung tổ chức thực hiện tốt các việc sau: Triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện của Bộ, các đơn vị cử cán bộ xuống ngay địa bàn phối hợp với địa phương kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Cần theo dõi diễn biến của mưa, lũ để có biện pháp đối phó kịp thời và báo cáo về Ban Chỉ đạo PCLB và tìm kiếm cứu nạn của Bộ.

Huy động nhân lực, máy móc thiết bị khắc phục sụt trượt trên các tuyến đường do mưa lũ, đảm báo giao thông
Thực hiện chỉ đạo Bộ GTVT, các Sở GTVT đã nghiêm túc thực hiện, xuống hiện trường tổ chức phân luồng giao thông đồng thời khắc phục ngay khi nước rút, bảo đảm ATGT cho người dân tại các vùng ngập nước.

Hòa Bình: Cơ bản đã thông đường

Theo báo cáo nhanh của Sở GTVT Hoà Bình đến chiều ngày 3/11 các tuyến đường cơ bản đã được thông, lãnh đạo Sở đã trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả đảm bảo giao thông các tuyến trọng yếu như: QL 21, 12B, ĐT 433, 445… Các đơn vị quản lý đường bộ liên tục có mặt tại hiện trường vừa phân luồng bảo đảm giao thông vừa khắc phục hậu quả, phối hợp cùng các ngành chức năng của địa phương ứng cứu, sơ tán dân và tài sản ra khỏi vùng ngập lũ.

Bà Nguyễn Thị Chung, Trưởng phòng Quản lý giao thông - Sở GTVT Hòa Bình cho biết: hiện nay trên QL21 nước đã rút, giao thông đi lại bình thường tại một số điểm, tuy nhiên cần phải khắc phục tại một số vị trí như đoạn qua thị trấn Thanh Hà (km71-72, km 75 - 95) do bị ngâm lâu trong nước nhiều đoạn mặt đường hư hỏng ô tô không thể đi lại được, hiện Đoạn Quản lý đường bộ 2 đang rào chắn phân luồng cho phương tiện đi đường Hồ Chí Minh. QL12B nước cũng đã rút nhưng mặt đường bị bong, hư hỏng nhiều đoạn như: km30-km43, đoạn km53-km54, đoạn km73 -km78... Đường Trường Sơn A đã thông đường từ chiều ngày 1/11, nhưng có nhiều vị trí bị sạt ta luy âm do bị nước xói. Tuyến Y sụt lở nhiều đoạn khối lượng khoảng 3.000 m3, 3 vị trí bị tắc 2 vị trí cống bị xói hạ lưu, kè taluy dương Km8+400 bị phá hỏng hoàn toàn, đến nay tuyến này cũng đã được thông xe. Các tuyến đường tỉnh 449 (Kim Truy - Nuông Dăm) đoạn km 4+500 bị phá hỏng hoàn toàn, hiện nay không thể đi lại được, các tuyến 445, 447, 433, 432 đã đã đi lại bình thường, tuy nhiên nhiều điểm bị sạt lở với khối lượng trên 10.000 m3.

Trước mắt ngành GTVT Hoà Bình đang khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông phục vụ nhu cầu dân sinh, sau đó kiến nghị UBND tỉnh, Cục Đường bộ bổ sung kinh phí để sửa chữa ngay các điểm hư hỏng, điểm có nguy cơ sụt trượt trên hệ thống đường tỉnh, QL để đảm bảo giao thông lâu dài cũng như tuổi thọ công trình.

Ninh Bình: Đường Cầu Huyện - Trường Yên ngập sâu trong nước

Theo ông Phạm Minh Cường - Trưởng ban phòng chống bão lũ, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Đoạn đường từ Cầu Huyện đến thị trấn Trường Yên ( Đường tỉnh 478) bị ngập sâu trong nước. ĐT 477 đoạn qua Cầu Đế - Nho Quan cũng bị ngập sâu, đặc biệt ĐT 479 thuộc xã Gia Tường, huyện Gia Viễn vì đây là vùng xả lũ nên thiệt hại lớn hơn, hiện Sở GTVT đã tổ chức phân luồng và phối hợp cùng UBND huyện Gia Viễn tổ chức lại được giao thông qua bến phà Đồng Chưa bằng đò tay phục vụ nhu cầu đi lại của bà con vùng ngập lũ, hiện nước mặt sông đã tràn rộng đến 800m, mà cầu phao chỉ có 60m nên Sở đã chỉ đạo cắt cầu phao để đảm bảo tài sản cũng như an toàn. Hiện nay những đoạn nào nước rút, đội đảm bảo giao thông sẽ có mặt để khắc phục lại mặt đường đảm bảo giao thông liên tục.

Sơn La: QL 37 chưa thể khắc phục ngay được

Trong khi công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 6 chưa xong, đợt mưa lớn lần này đã làm cho công tác khắc phục giao thông của Ngành GTVT Sơn La gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Sở GTVT, thiệt hại do cơn bão số 6 lên đến 89,501 tỷ đồng, công tác bảo đảm giao thông trên các QL 6, 4G, QL 279 đã được khắc phục kịp thời, duy nhất chỉ có QL37 (Bản Cơi - Cò Nòi) hiện giờ vẫn bị tắc, do khối lượng sụt trượt đoạn từ km 424 - km 463 đến 141.000 m3. Các đơn vị quản lý đã tập trung thiết bị, nhân lực hót sụt đảm bảo giao thông trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên đến ngày 4/11 một trận mưa lớn đã làm đoạn đèo Chẹn (xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên), tạo cung trượt lớn dài trên 200m, phía ta luy dương cung trượt cao trên núi khoảng 500m - 1.500m đã sạt trượt toàn bộ xuống nền đường, trên toàn bộ khung trượt đất đá vẫn rơi xuống, do vậy việc đưa máy móc thiết bị vào khắc phục bảo đảm giao thông rất khó khăn. Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý khắc phục xe tạm thời, nhưng do nền đất phức tạp có nước ngầm hoạt động nên đén nay việc khắc phục rất khó khăn hiện vẫn chưa thông xe. Tiếp đến cơn mưa lớn trong những ngày vừa qua việc khắc phục giao thông đoạn đèo Chẹn trên QL 37 phải dừng lại, do thời tiết cũng như địa chất diễn biến phức tạp, Cục Đường bộ VN đã cử cán bộ xuống khảo sát để có biện pháp khắc phục sụt trượt đảm bảo giao thông tại QL37.

Thanh Hóa

Sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài trên diện rộng, đến nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang giảm dần. Tuy nhiên, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở mức cao. Để chủ động đối phó và khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra, các huyện và các ngành liên quan đã và đang tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác đê để phát hiện sớm các sự cố, huy động vật tư, nhân lực theo phương châm 4 tại chỗ xử lý ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều. Đặc biệt ngành GTVT Thanh Hóa đã huy động lực lượng, phương tiện giải tỏa ách tắc giao thông trên các tuyến đường bị sạt lở.

Huyện Quan Sơn là một trong những huyện bị ách tắc giao thông nặng nhất. Thông tin từ UBND huyện Quan Sơn cho biết, mưa lũ đã làm sạt lở núi ở km 178+800 Quốc lộ 217 (đoạn qua xã Mường Mìn), sạt lở đất, đá trên một số tuyến đường giao thông liên thôn, liên bản ở các xã Tam Thanh, Tam Lư, Mường Mìn, Sơn Thủy, Sơn Điện... gây tắc đường. Hiện nay, huyện Quan Sơn đang tập trung huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ để khắc phục, nhanh chóng xử lý các đoạn đường bị ách tắc.

Ông Lê Văn Bàng - Phó Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi miền Tây Thanh Hóa bị sạt lở nhiều đoạn. Đường 217 bị tắc từ Km 173 - Km 194. Đường tỉnh: tuyến Bái Thượng - Bát Mọt bị cắt đứt mất hai vị trí, còn một số tuyến đường khác như đường 15A chưa đến mức tắc nhưng cũng bị ngập nhiều đoạn. Ngành GTVT Thanh Hóa đã huy động mọi lực lượng nhằm giải tỏa ách tắc giao thông trên các tuyến đường bị sạt lở. Ông Bàng cho biết thêm, một số tuyến đường đã được thông xe tạm thời trong một, hai ngày qua nhưng sau đó lại tiếp tục bị sạt lở lại do mưa to. Do đó, tuy ngành GTVT đã rất cố gắng nhưng việc thông xe các tuyến đường còn phụ thuộc vào diễn biến thời tiết trong những ngày tiếp theo.

Nhanh chóng sửa chữa đường, khôi phục chạy tàu

Những ngày cuối tháng 10, mưa lớn đã làm sạt lở nhiều điểm trên các tuyến đường sắt Thống nhất, đường vành đai Hà Nội, tuyến Yên Viên - Lào Cai, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng và tuyến nhánh Mai Pha - Na Dương. Đặc biệt, trên tuyến Thống nhất, tại lý trình km4 + 300 đến km5 + 00 (Hà Nội - Giáp Bát), nước ngập đỉnh ray trên 730mm. Công ty QLĐS Hà Hải đã phải phong tỏa, cấm tàu từ 23 giờ 30 ngày 31-10-2008. Việc chuyên chở hành khách đi tàu Thống nhất đã phải áp dụng biện pháp chuyển tải khách 2 chiều Hà Nội - Văn Điển. Tại lý trình km 354 + 900 đến km 355 + 300 thuộc Công ty QLĐS Nghệ Tĩnh quản lý, sụt đất taluy dương xuống mép đường, đơn vị đã xử lý nhanh, tuy nhiên điểm lân cận vẫn có nguy cơ bị sạt lở. Vì vậy, tại đây vẫn phải chạy tàu với tốc độ 15km/h.

Trên tuyến vành đai Bắc Hồng- Văn Điển, tại lý trình km20 + 380 đến km 20 + 500 nước ngập đỉnh ray 500mm. Công ty QLĐS Hà Thái đã phong toả, cấm tàu từ lúc 8 giờ 40 ngày 31-10-2008. Khi khu vực Giáp Bát bị ngưng trệ, ĐSVN quyết định cho chạy tàu Thống nhất đi theo đường vành đai này, nhưng một tàu (SE3) thứ nhất chạy đến ga Phú Diễn phải bãi bỏ và quay trở lại ga Hà Nội vì ngập nước.

Tuyến Yên Viên- Lào Cai: tại lý trình km 54+ 012 đến km 54 + 110 nước trôi sạt chân, vai đường dài 8m, Công ty QLĐS Vĩnh Phú đã phong tỏa, cấm tàu lúc 15 giờ 40 ngày 31-10-2008, đồng thời khẩn trương sửa chữa sự cố, trả đường chạy tàu 5km/h lúc 17h40; đến ngày 2-11-2008 đã khôi phục tốc độ chạy tàu khu gian. Tại lý trình km 54 +5 50 đến km 54 + 850 đất sạt lở lẻ tẻ, sau khi kiểm tra cụ thể trạng thái đường, đơn vị đã cho chạy tàu tốc độ cảnh báo 15 km/h. Tại lý trình km 46 + 908 đến km 46+ 962, nước trôi sạt chân, vai đường dài 54m, đơn vị đã cấm tàu từ lúc 13 giờ 20 ngày 31-10-2008, ngay sau đó tổ chức cứu chữa và trả đường chạy tàu tốc độ 5km/h vào lúc 15 giờ cùng ngày.

Trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, tại lý trình km 62 + 800 đến km63 + 400, nước ngập đỉnh ray trên 100mm, Công ty QLĐS Hà Lạng đã phong tỏa, cấm tàu lúc 0 giờ 20 ngày 31-10-2008, các lực lượng xung kích đã kịp thời kiểm tra, xử lý hư hại, trả đường chạy tàu 5km/h ngày 1-11-2008. Đến ngày 2-11-2008 đã chạy tàu trở lại bình thường.

Tuyến đường nhánh Mai Pha- Na Dương, tại lý trình km12 + 310 đến km12 + 400 sụt đất taluy dương khoảng 150 m3, Công ty QLĐS Hà Lạng đã kịp thời phát hiện và cho phong tỏa, cấm tàu lúc 16 giờ 30 ngày 31-10-2008; huy động lực lượng tại chỗ bắt tay cứu chữa và trả đường chạy tàu lúc 18 giờ 30 cùng ngày.

Tại lý trình km 28 - 29: từ cầu ray 75 (km 28) đến cầu ray 17 (km 29), nước ngập đỉnh ray 1200mm, đơn vị cấm tàu lúc 16 giờ 30 ngày 1-11-2008. Đến 7 giờ sáng ngày 2-11, nước đã rút nhưng đơn vị vẫn đang tiến hành kiểm tra trạng thái hư hỏng để sớm trả đường khôi phục chạy tàu. Tổng công ty ĐSVN đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị sở tại triển khai nghiêm chỉnh phương án phòng chống bão lũ tại chỗ, huy động ngay lực lượng xung kích bám sát hiện trường, xử lý nhanh các điểm hư hại khi nước rút, theo dõi diễn biến mực nước để sẵn sàng áp dụng các biện pháp cứu chữa sau từng phân nước rút nhằm nhanh chóng khôi phục giao thông đường sắt trên tất cả các tuyến.

 

theo giaothongvantai.com.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)