Không thể để vi phạm quy định đội MBH thành “phong trào"

Thứ sáu, 08/08/2008 00:00 GMT+7
Một trong những nguyên nhân khiến TNGT trong 6 tháng đầu năm giảm là do có nhiều chuyển biến trong việc thực hiện quy định bắt buộc đội MBH khi đi môtô, xe gắn máy. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng vi phạm không đội mũ bảo hiểm có dấu hiệu ngày càng gia tăng, nhất là vào ban đêm và ở các tuyến đường liên thôn, liên xã.

Một trong những nguyên nhân khiến TNGT trong 6 tháng đầu năm giảm là do có nhiều chuyển biến trong việc thực hiện quy định bắt buộc đội MBH khi đi môtô, xe gắn máy. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng vi phạm không đội mũ bảo hiểm có dấu hiệu ngày càng gia tăng, nhất là vào ban đêm và ở các tuyến đường liên thôn, liên xã.

Vi phạm manh nha... phổ biến

Theo Cục CSGT đường bộ - đường sắt, qua 6 tháng (từ 1-12-2007 đến 5-2008), lực lượng CSGT toàn quốc đã lập biên bản xử lý 2.727.335 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, trong đó có 349.017 trường hợp đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) (trung bình có gần 60.000 trường hợp vi phạm mỗi tháng). Riêng tháng 6/2008, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 47.017 trường hợp không đội MBH. Việc siết chặt quy định này đã góp phần kéo giảm thiệt hại do TNGT trong 6 tháng 2008. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy, còn một bộ phận lớn người tham gia giao thông vẫn thiếu tự giác chấp hành quy định pháp luật về ATGT và manh nha trở thành vi phạm phổ biến nếu có sự lơi lỏng trong TTKS, xử lý vi phạm. Không khó để dẫn chứng, ngay cả ở địa bàn đô thị và nông thôn, vi phạm không đội MBH vẫn là... “chuyện thường ngày ở huyện”. Ví dụ tại TP Hà Nội, với gần 60.000 trường hợp vi phạm không đội MBH bị xử lý trong 6 tháng qua, Hà Nội trở thành địa bàn vi phạm nhiều nhất (mỗi ngày có hơn 300 trường hợp bị xử lý so với tổng số 2,3 triệu xe hai bánh) mà đối tượng vi phạm chủ yếu là thanh, thiếu niên. Cuối tháng 3/2008, Cục CSGT Đường bộ, đường sắt bí mật dùng camera ghi hình và phát hiện hàng trăm học sinh các trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Trần Phú, Chu Văn An, Kim Liên... vi phạm lỗi chở quá số người quy định, ngồi trên xe môtô không đội MBH, điều khiển môtô khi chưa đủ tuổi và nhiều phụ huynh đưa đón học sinh cũng chở quá người quy định, điều khiển xe môtô không đội MBH. Thời tiết oi bức, lượng người dân xuống phố đầu trần cũng ngày càng nhiều. Biểu hiện vi phạm quy định đội MBH có thể trở thành “phong trào” còn ở chỗ khá nhiều người mang theo MBH nhưng cầm ở tay, treo ở xe, hay chuyện đội “MBH thời trang”, mũ được làm giống MBH... Thậm chí nhiều người có mang MBH nhưng không đội, không lo bảo vệ chính mình mà chỉ để đối phó với CSGT.

Không chỉ ở Hà Nội mà ở nhiều tỉnh phía Bắc tình trạng người ngồi trên xe máy không đội MBH bắt đầu đáng lo ngại, trong đó đối tượng chủ yếu vi phạm là thanh, thiếu niên. Trên các tuyến quốc lộ, phần lớn người đi xe máy đều chấp hành tốt, nhưng vào đường tỉnh, đường huyện, xã sẽ thấy vi phạm phổ biến. Lực lượng công an xã được quyền kiểm tra, xử lý vi phạm này nhưng nhìn chung vẫn nặng tâm lý nể nang người xã mình; còn người vi phạm sẵn sàng xin xỏ, cậy nhờ can thiệp… Lực lượng CSGT, công an xã mỏng, địa bàn lại rộng nên không thể kiểm soát hết được nên ở những nơi không có hoặc ít có lực lượng tuần tra kiểm soát người dân vẫn vi phạm không chấp hành đội MBH trong khi ở thôn quê, những đoạn đường quanh co, đầy ổ gà, trâu bò luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT bất cứ lúc nào.

Cần xử lý mạnh mẽ, đồng bộ

Nhằm dẹp những biểu hiện chống đối quy định đội MBH, một trong những động thái mới đây của cơ quan quản lý Nhà nước là từ tháng 11/2008 sẽ không chấp nhận việc đội “MBH thời trang” thay cho MBH khi đi môtô, xe gắn máy. Song từ thực tế cho thấy, có thể sẽ gia tăng hiện tượng chống đối người thi hành công vụ khi bị xử lý vi phạm quy định về đội MBH. Bởi lẽ, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008 đã xảy ra 60 vụ chống đối CSGT, tăng 30 vụ so với cùng kỳ năm trước, làm 35 CSGT bị thương.

Ví dụ, ngày 4/6, khi Lê Văn Hoan điều khiển mô tô không đội MHB bị công an xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Tây phát hiện đã tông xe đâm thẳng vào công an viên Nguyễn Văn Sáu khiến anh Sáu ngã, bị thương ở vùng mặt và tay phải. Đêm 23/6, khi tổ tuần tra thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động CATP Hà Nội tuần tra khu vực phường Tràng Tiền, phát hiện Nguyễn Xuân Tiến, Nguyễn Hữu Cường không đội MBH và yêu cầu dừng xe kiểm tra bị một thanh niên lái xe nhảy xuống, lao vào bóp bổ rồi giật đứt một bên ve hàm trái của chiến sĩ CSGT.

Để chấn chỉnh việc đội MBH, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định cho phép thêm 4 lực lượng cảnh sát là: cảnh sát trật tự, phản ứng nhanh, cơ động và cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được “quyền” xử phạt những người tham gia giao thông không đội MBH. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để đưa quy định đội MBH thực sự đi vào cuộc sống, nhưng để đạt được điều này, Công an các địa phương cần phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tránh để trống địa bàn.

Được biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm hành vi không đội MBH khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy. Theo đó, lực lượng CSGT toàn quốc tích cực bố trí lực lượng chốt chặn, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển mô tô, xe gắn máy không đội MBH. Việc xử lý kiên quyết sẽ góp phần tạo ý thức về ATGT đối với người tham gia giao thông, là biện pháp cần thiết với đối tượng xem thường pháp luật ATGT.

Hồng Xiêm
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)