Thực tế lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Quảng Bình chưa nhiều, nhưng để giảm bớt cho QL1A đang quá tải, cầu Lý Hòa (QL1A) đang trong quá trình khắc phục, sửa chữa thì việc chủ trương kêu gọi các phương tiện tham gia giao thông trên đường HCM là đúng đắn. Tuy nhiên, vấn đề mất ATGT trên tuyến đường này đã đến mức báo động.
Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông qua địa bàn tỉnh Quảng Bình có chiều dài 178km, đi qua 5 huyện và 01 thành phố. Từ khi hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng đến nay, mặc dù lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông chưa cao, nhưng tình hình TTATGT trên tuyến đường này diễn biến rất phức tạp. Trung tá Nguyễn Thuận Do, Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: Trong 6 tháng năm 2008, trên tuyến đường này đã xảy ra 20 vụ TNGT, chiếm 16,8% số vụ TNGT trên toàn tỉnh, làm chết 21 người, bị thương 8 người, so với cùng kỳ năm 2007 tăng 6 vụ, thời gian xảy ra tai nạn chủ yếu từ 12 giờ đến 18 giờ.
Qua khảo sát thực tế trên tuyến cho thấy tình trạng mặt đường, hệ thống biển báo hiệu, vạch kẻ đường, hàng rào hộ lan tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình, tuyến đường HCM qua Quảng Bình đa số là đường đồi dốc, quanh co, có nhiều đường phụ đấu nối và tầm nhìn bị che khuất. Trong đó đoạn qua đèo Đá Đẽo dài 8km có nhiều khúc cua tay áo nguy hiểm, rất khó cho các phương tiện siêu trường, siêu trọng tránh nhau; đặc biệt tại các điểm Km 926+500; Km 930; Km 932 thường xuyên xảy ra sạt lở khi có mưa lũ làm cho một khối lượng đất đá lớn tràn ra chiếm hơn 2/3 phần mặt đường gây ách tắc giao thông. Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, hay có hiện tượng sương mù và mưa rào đột ngột; tình trạng người dân chăn thả trâu bò trên đường còn tùy tiện, thậm chí vào ban đêm người dân sống dọc theo tuyến thường để trâu bò ngủ ngay trên phần đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ làm cho nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Điển hình là vụ TNGT xảy ra vào lúc 22 giờ ngày 28/5/2008 tại đèo Đá Đẽo. Xe ôtô kéo moóc mang biển số 29M-8703 do anh Nguyễn Xuân Phương điều khiển khi đi qua đoạn này do không làm chủ tốc độ khi xuống dốc, ôm cua đâm vào lan can và lao xuống ta-luy đường gây tai nạn làm chết 1 người, bị thương 2 người, thiệt hại tài sản trên 50 triệu đồng.
Trung tá Nguyễn Thuận Do cũng cho biết thêm, hiện nay trên tuyến đường hệ thống các dịch vụ phục vụ cho hoạt động kinh doanh vận tải và các điểm dừng đỗ xe còn rất ít, các phương tiện phải hoạt động liên tục và nếu có hư hỏng thì phải dừng đỗ ngay trên phần đường xe chạy, trong khi điều kiện về ánh sáng và phòng vệ còn rất hạn chế. Vì vậy, vừa qua CA tỉnh Quảng Bình đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN, Khu QLĐB IV về việc đảm bảo ATGT khi phân luồng xe ôtô trên đường HCM đoạn qua tỉnh QB trong thời gian thi công cầu Lý Hòa.
Theo đó, để đảm bảo ATGT, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT và thực hiện phân luồng xe ôtô có tải trọng trên 18 tấn, các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng thực hiện việc tiến hành lắp biển báo hiệu số 208 “Giao nhau với đường ưu tiên” tại các đường phụ đấu nối với đường HCM; lắp đặt biển số 228 a, b “ Đá lở” tại các điểm Km930, Km926, Km 926+500, đồng thời chủ động bố trí các phương tiện chuyên dùng thường trực để kịp thời giải tỏa thông tuyến khi có đất đá sạt lở gây ách tắc giao thông.
Đồng thời, cần lắp đặt biển số 230 “Gia súc” tại các điểm Km 940+500, Km914+500 để các lái xe có trách nhiệm dừng lại bảo đảm cho gia súc có thể qua đường không bị nguy hiểm. Ngoài ra, cần sơn gờ giảm tốc từ 2 phía tại các đoạn đường cong cua nguy hiểm, điểm giao nhau với các đường đấu nối và đoạn đường từ Km946 đến Km 947 thuộc khu đông dân cư Troóc ( huyện Bố Trạch) để các phương tiện chủ động giảm tốc độ đến mức an toàn. Cần có đề án xây dựng các điểm dừng đỗ phương tiện giao thông, các trung tâm cứu hộ trên tuyến để kịp thời khắc phục các sự cố xảy ra, chủ động phòng tránh TNGT.
Ánh Dương