Làm gì để giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông ?

Thứ hai, 29/10/2007 00:00 GMT+7
Theo tác giả Nguyễn Đức Quỳ, thực trạng ách tắc và tai nạn giao thông hiện nay đang rất nhức nhối, ai cũng biết và không phải là không khắc phục được. Tác giả đề xuất một số biện pháp để giảm thiểu tình trạng này.
Theo tác giả Nguyễn Đức Quỳ, thực trạng ách tắc và tai nạn giao thông hiện nay đang rất nhức nhối, ai cũng biết và không phải là không khắc phục được. Tác giả đề xuất một số biện pháp để giảm thiểu tình trạng này.
Thực trạng ách tắc và tai nạn giao thông hiện nay đang rất nhức nhối, ai cũng biết và không phải là không khắc phục được. Bài học trong việc bảo đảm giao thông phục vụ Hội nghị APEC tại Hà Nội đã được đánh giá là rất tốt vì một lực lượng lớn Cảnh sát giao thông đã được bố trí 24/24 giờ có mặt trên khắp các ngả đường.

Theo chúng tôi, nếu không là 24/24 giờ thì cảnh sát giao thông cũng phải túc trực 12-16 giờ hằng ngày cho hiện tại và lâu dài sẽ là một biện pháp tích cực.

Trong các thành phố, Cảnh sát giao thông không chỉ làm việc chủ yếu vào giờ cao điểm mà phải thường xuyên có mặt trên đường, phải xây bục vững chắc ở giữa các ngã ba, ngã tư lớn để cảnh sát đứng trên đó điều hành các phương tiện giao thông.

Hệ thống đèn tín hiệu phải được bật sáng 24/24 giờ để những người vô ý thức khi không có lực lượng cảnh sát giao thông cũng phải chú ý giảm tốc độ khi qua đường. Hệ thống đèn chiếu sáng trên đường phố tuy còn thiếu, chưa bảo đảm tiêu chuẩn chiếu sáng theo yêu cầu cũng không được tắt vào 4, 5 giờ sáng khi trời vẫn còn tối, nhất là mùa đông.

Những đường phố hẹp, đường nhiều cây xanh che khuất đã có nhiều trường hợp tai nạn đau thương xảy ra trong thời gian này. Cũng để giảm mức độ ùn tắc trên các tuyến đường chính ở các ngã ba, ngã tư phải làm các đường cho xe rẽ phải (nếu cần giải phóng một vài ngôi nhà cũng phải làm miễn là đền bù cho người dân thích đáng) đồng thời phải thay các biển báo hiệu cho xe rẽ trái, rẽ phải, đường cấm, đường một chiều quá nhỏ hiện nay, v.v.

Trên các đường lớn quốc gia, đường liên tỉnh, liên huyện, ngoài việc phải xóa bỏ các "điểm đen, điểm chết", phải có Cảnh sát giao thông thường xuyên có mặt ở những nơi nguy hiểm, nơi vắng vẻ về ban đêm vì tai nạn thường xảy ra vào lúc đường vắng (lúc 20- 24 giờ và 2-6 giờ). Riêng trên các đỉnh đèo dốc, các đường thuộc miền trung, miền nam, xe lưu thông nhiều về ban đêm để tránh nắng, cảnh sát phải thường trực 24/24 giờ hằng ngày.

Chúng ta cũng có thể giảm bớt hoặc bỏ đi các trạm kiểm soát cố định dọc đường để tránh ách tắc giao thông và tình trạng nhũng nhiễu phiền hà lái xe. Việc bắn tốc độ trên một số đoạn đường theo kiểu "du kích" hiện nay, gây khó khăn cho lái xe cũng là nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn, vì sau khi cả đoàn xe chạy như bò khi vượt qua đoạn đường có Cảnh sát giao thông bắn tốc độ là thả phanh chạy vô tội vạ, cướp đường, lấn đường để bù lại thời gian (chủ yếu là xe khách đường dài) đã mất mà không ai kiểm soát.

Chúng ta có thể quy định tốc độ xe như các nước đã làm bằng các biểu bảng rất to quy định tốc độ cho từng đoạn đường, cho từng loại xe đặt ngay bên lề đường với khoảng cách 5 - 10 km cho một chỗ và để kiểm soát không những chỉ là tốc độ xe mà cả tình trạng xe, hành khách trên xe, vật tư trên xe, kiểm tra độ cồn và tình trạng sức khỏe của người lái xe bằng cách thành lập các đoàn kiểm tra lưu động, đan chéo nhau thường xuyên trên đường.

Ðoàn kiểm tra đó phải trực thuộc Bộ Công an (không giao cho một địa phương nào để tránh tình trạng cục bộ) có toàn quyền xử lý và giải quyết các tình huống và sự việc trên đường, nhưng ngược lại phải có chế tài chặt chẽ, nếu ai vi phạm gây phiền hà nhũng nhiễu lái xe, phải kỷ luật nghiêm, nếu nghiêm trọng phải cho ra khỏi ngành.

Ðể thực hiện các việc nêu trên cần một lực lượng lớn Cảnh sát giao thông nhất định và tăng lương, tăng mức bồi dưỡng cho phù hợp với thời gian và công sức bỏ ra. Nhân dân sẽ đồng tình ủng hộ bằng cả công sức và tiền của cho việc làm hữu ích đó. Nhà nước cũng có thể trích phần lớn tiền phạt do vi phạm, một phần nhỏ của lượng tiền phải chi hằng năm cho tai nạn, ách tắc gây nên để phục vụ việc này.

Về phương tiện giao thông đang lưu hành hiện tại chưa thể loại bỏ ngay được những phương tiện đã quá hạn sử dụng (dù sao đó vẫn là tài sản, là nguồn sống của nhiều gia đình), nhưng có thể khắc phục tình trạng đó bằng cách kiểm tra thường xuyên phương tiện lưu thông, kiểm tra tình trạng xe, kiểm tra lốp, phanh, tay lái, xăng dầu với việc thành lập các trạm kiểm tra đặt ở những nơi trước khi xe rời vị trí như trước các cảng, kho bãi, ở các công ty vận tải, ở bến xe, ở đầu dốc, cuối dốc trước khi lên dốc, xuống đèo, trên các đoạn đường dài liên tỉnh, chứ không nhất thiết phải chờ định kỳ kiểm tra "hình thức" như hiện nay.

Làm tốt được việc đó sẽ kéo dài tuổi thọ xe, giảm bớt khó khăn cho nhiều người, nhưng cũng phải có chế tài chặt chẽ để không có tình trạng gây khó khăn cho lái xe vì mỗi lần kiểm tra sẽ là chi phí, là bị bắt chẹt, mè nheo, vòi vĩnh, lái xe sẽ tìm cách trốn tránh không kiểm tra.

Tình trạng bến dù, bến cóc, xe chạy vòng vo không vào bến cũng là nguyên nhân ách tắc và tai nạn giao thông mà chúng ta chưa quản lý được. Ðấy là một thực tế do việc thu lệ phí vào bến quá cao chưa kể các phiền hà khác mà bến xe gây nên. Nếu bỏ hoặc giảm lệ phí thì chắc chắn là lái xe sẽ vào bến và lúc đó chúng ta sẽ quản lý được.

Chúng ta vẫn nói tai nạn giao thông đường bộ chủ yếu là do người điều khiển xe hai bánh gây nên, lượng xe máy được thống kê hiện nay đã đến 20 triệu chiếc và còn sẽ tăng. Tai nạn giao thông do người điều khiển xe máy gây nên có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân đó là  người điều khiển xe không có bằng lái xe, tức là họ không học luật, không hiểu luật, không đi theo luật (hiện nay mới có khoảng 50% người điều khiển xe máy có bằng).

Hiện nay mỗi năm cấp được 500 nghìn đến 1 triệu bằng, làm con tính đơn giản cũng phải mất 10 năm nữa (nếu số xe không tăng) thì mới cấp hết bằng cho người có xe.

Ðể khắc phục được điều đó với thời gian ngắn nhất, nhanh nhất có thể mở các lớp học tại phường, tại xã, tại xóm cho mọi đối tượng, chỉ học luật giao thông không phải học lái, vì ai đã có xe đều biết điều khiển xe nhưng phải thi, kiểm tra chặt chẽ, không đạt bắt buộc phải học lại, không nhân nhượng. Ngành giao thông và Cảnh sát giao thông phải cử giáo viên về trực tiếp mở lớp và giảng dạy, lớp học phải linh hoạt không kể thời gian và giờ giấc có thể cả ngày lễ và cả buổi tối nhất là cho nông dân sau một ngày đi làm đồng về.

Có chế độ bồi dưỡng thỏa đáng cho những giáo viên giảng dạy, lệ phí thu của người học cũng chỉ thu để làm bằng và một phần bồi dưỡng thêm cho giáo viên, cho chi phí lớp học không thể thu 300 - 400 nghìn đồng một người học như hiện nay vì đối với nông dân là bằng 2, 3 tạ thóc, họ không thể đóng được và sẽ bỏ lớp không học.

Tai nạn giao thông còn do xe ô-tô gây nên, thường là những vụ tai nạn thảm khốc chết nhiều người, bị thương nhiều người. Do đó phải có quy định tuổi đời cho những người lái các loại xe này, thí dụ như: không dưới ba mươi tuổi, có sức khỏe, minh mẫn, có ít nhất năm năm lái xe liên tục trở lên và cũng phải định kỳ kiểm tra tay lái, kiểm tra sức khỏe lái xe.

Những biện pháp nêu trên nếu được thực thi kịp thời, đồng bộ và kiên trì sẽ tránh được những thiệt hại do giao thông gây ra, giảm được các chi phí quá lớn chín trăm triệu đến một tỷ USD hằng năm cho nền kinh tế của đất nước, cũng tránh được cho hàng vạn gia đình hằng năm không còn cảnh cha mẹ mất con, vợ mất chồng để lại bao đau thương, mất mát, đấy cũng là mục tiêu an toàn giao thông, là hạnh phúc của mỗi gia đình và giảm gánh nặng cho xã hội.

NGUYỄN ÐỨC QUỲ
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)