Cuối tháng 3 tới, tuyến đường tránh phía Nam hầm đường bộ qua đèo Hải Vân với chiều dài khoảng 18 km mới được thông xe, với chức năng là tuyến Quốc lộ 1A tránh qua nội thị Tp Đà Nẵng. Thế nhưng, trong nhiều ngày qua đã xuất hiện từng đoàn xe tải chở đất đá xây dựng chạy ngang nhiên dù chưa được phép. Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) đang hết sức nóng bỏng với sự tham gia của không chỉ người dân địa phương mà còn có cả các đơn vị kinh doanh, xây dựng.
Thi nhau lấn chiếm hành lang
Tuyến đường tránh Nam Hầm Hải Vân - Túy Loan thuộc địa phận quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Trong những ngày này, từng đoàn xe chở đất tải trọng lớn nối đuôi nhau ra vào tấp nập. Đường vào bãi đất nằm sát 2 bên đường quốc lộ được mở bằng cách đặt bê tông hoặc lấp kín hệ thống cống rãnh thoát nước của con đường. Thậm chí, những vỉa đất thuộc ta-luy dương của HLĐB cũng đã bị các đơn vị thi công lấy đất khoét sâu giữa ban ngày.
Dọc tuyến đường, các hộ dân trong vùng đua nhau xây nhà, mở cổng trong phạm vi HLATĐB. Ông Nguyễn Thanh Trà-Phó Giám đốc Dự án (Ban quản lý Dự án 85) Bộ GTVT bức xúc: "Tình trạng này diễn ra từ khi con đường mới thi công, nhưng rầm rộ nhất là thời gian gần đây, khi chỉ gần 1 tháng nữa là sẽ đưa vào vận hành”. Cũng theo ông Trà, có 2 hình thức vi phạm phổ biến là: Tự ý xây dựng, mở đường đi trong khu vực HLAT của con đường, lấp rãnh thoát nước của con đường và tự ý đào đất, xâm hại các ta-luy đường.
Thống kê ban đầu của Ban quản lý Dự án 85, có tới 17 điểm được người dân ngang nhiên dựng quán, mở nhà hàng, xây hàng rào bê tông, tự ý mở đường ngang. Điển hình nhất là đoạn từ km 6+050 đến km6+150 thuộc xã Hòa Liên, đoạn từ km17 đến km 17+400 thuộc xã Hòa Nhơn. Đặc biệt là tình trạng đào đất, vận chuyển vật liệu nặng khi con đường chưa được đưa vào vận hành diễn ra thường xuyên và rầm rộ.
Nghị định 186/2004 của Chính phủ quy định rõ HLATĐB được tính từ mép ngoài của công trình ra thêm 15 mét. Khi được hỏi hầu hết người dân địa phương ở đây đã lờ đi hoặc cố tình chống chế. Ông Đặng Công Chiêu - người dân xã Hòa Nhơn - TP Đà Nẵng là một trong những hộ vi phạm HLATĐB nói vòng vo: “Tôi không biết là vi phạm, nhưng có vi phạm thì cũng chịu thôi chứ nếu không cho mở cổng ra đường thì tôi chỉ biết đứng im một chỗ thôi”.
Xử lý chưa cương quyết
Điều đáng nói là tình trạng lấn chiếm HLATĐB hiện đang diễn ra ngang nhiên và rầm rộ nhưng không thấy chính quyền địa phương và cơ quan chức năng can thiệp. Đơn vị chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã nhiều lần đề nghị các ngành chức năng nhưng chuyện đâu vẫn đó, đành phải triển khai lực lượng tuyên truyền, nhắc nhở, tạm dừng rồi để đó chứ không thể xử phạt hay cưỡng chế.
Tất nhiên, những điểm vi phạm HLATĐB sẽ bị xử lý bằng cách dỡ bỏ hoàn toàn khi đường tránh hoàn thành, bàn giao cho Khu Quản lý đường bộ V quản lý, nhưng đến lúc đó công việc sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian. Ông Trà kiến nghị: "Cần có cơ chế để cho lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ tiếp quản và xử lý ngay từ khi con đường đang thi công mới mong chấn chỉnh được. Hiện nay, việc xử lý còn vướng vì Thanh tra đường bộ chưa vào cuộc được, còn quy tắc đô thị và chính quyền địa phương thì chưa cương quyết".
Khi đưa vào hoạt động, tuyến đường sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT và tăng tốc độ chạy xe qua TP Đà Nẵng. Nhưng liệu những mục đích này có thực hiện được khi mà đường tránh đến đâu thì nhà cửa, hàng quán... bám theo đến đó.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, Nghị quyết 32 của Chính phủ đã nêu rõ: Các địa phương phải tiến hành giải tỏa dứt điểm các điểm lấn chiếm hành lang quốc lộ trước tháng 3 - 2009. Trong đó nhấn mạnh, UBND cấp tỉnh xử lý kỷ luật chủ tịch UBND cấp huyện, xã nếu để tái lấn chiếm hành lang ATGT; trường hợp cố tình vi phạm phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tháng 3.2005, dự án tuyến đường tránh đi qua địa bàn 2 quận, huyện Liên Chiểu và Hòa Vang (Đà Nẵng) thuộc quốc lộ 1A được khởi công xây dựng với tổng số vốn ban đầu là 168 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng JBIC- Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ. Dự án được giao cho Ban quản lý dự án 85 trực tiếp quản lý và 3 đơn vị trực tiếp thi công là TCTXDCTGT 6, Cty cầu 14 (TCTXCTGT 1), Cty Công trình giao thông miền Trung (Tổng Cty Đường thủy Việt Nam). Đường nối được thiết kế với quy mô 2 làn xe, mặt đường rộng 12 mét theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Theo kế hoạch, tuyến này sẽ hoàn thành và đưa vào thông xe vào tháng 3.2008.
Trần Ánh Dương