Đây thật sự là vấn đề cấp thiết đặt ra không chỉ cho các cơ quan chức năng mà toàn xã hội trong thời điểm hiện nay bởi trong nhiều năm qua, việc tuyên truyền, giáo dục ATGT luôn được coi là biện pháp trọng tâm hàng đầu, nhưng thực tế, hiệu quả của công tác này lại còn nhiều hạn chế.
Hiệu quả chưa tương xứng
Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể hàng năm tổng mức kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, giáo dục trong lĩnh vực trật tự ATGT là bao nhiêu nhưng chắc chắn đó là một con số không hề nhỏ. Trong hầu hết các Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề ATGT đều coi tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về ATGT là biện pháp trọng tâm hàng đầu để kiềm chế TNGT. Trong Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông của Chính phủ thì nhóm giải pháp về đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT là giải pháp được ưu tiên hàng đầu.
Khi triển khai các chiến dịch đảm bảo ATGT của các cơ quan chức năng và các địa phương trên thực tế cũng luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật ATGT.
Tuy được coi trọng và đầu tư lớn như vậy, nhưng hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực này thì thật sự vẫn còn rất nhiều điều phải bàn. Rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ATGT cho rằng tuyên truyền, giáo dục ATGT hiện nay chỉ làm lấy lệ, không có sự sáng tạo và đầu tư có chiều sâu, thậm chí có thể dùng từ “nói mãi thành... nhàm” và trở thành một cái vòng luẩn quẩn không có lối thoát: Người tuyên truyền cứ tuyên truyền, người giáo dục cứ giáo dục còn ý thức và hiểu biết về pháp luật ATGT của người dân vẫn mãi dậm chân tại chỗ, yếu kém vẫn hoàn yếu kém! Và trên thực tế, tình hình trật tự ATGT trong thời gian qua luôn diễn biến phức tạp, TNGT gia tăng khó kiểm soát mà nguyên nhân chủ yếu do ý thức kém của người tham gia giao thông đã minh chứng cho điều đó.
Tạo bước đột phá mới
Mặc dù công tác giáo dục, tuyên truyền ATGT ngày càng được mở rộng, nhưng với những diễn biến phức tạp của tình hình trật tự ATGT trong những năm gần đây, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có sự thay đổi toàn diện về tư duy cũng như cách thức tuyên truyền, giáo dục trong lĩnh vực này, không thể chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền theo kiểu "áp đặt một chiều mà phải có sự tương tác và phản hồi từ phía người tiếp nhận" - Đó là những ý kiến nhận định hết sức thuyết phục của một số chuyên gia trong lĩnh vực ATGT của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica).
Phương pháp và cách thức giáo dục, tuyên truyền ATGT hiện nay ở Việt Nam chưa thực sự phù hợp, thậm chí mất cân bằng và chỉ tuyên truyền theo kiểu một chiều. Các cơ quan chức năng chỉ quan tâm tới việc phổ biến và kêu gọi mà chưa để ý tới phản hồi của người tiếp nhận những thông tin đó như thế nào.
Ý thức người tham gia giao thông kém không phải do tính cách con người mà chính là do sự mất cân bằng của giao thông, trong đó có mất cân bằng trong vấn đề giáo dục và tuyên truyền ATGT. Vấn đề đặt ra hiện nay với Việt Nam là phải thay đổi toàn diện về cả phương thức lẫn các biện pháp tuyên truyền và giáo dục ATGT. Điều này không thể không làm mặc dù không phải dễ dàng, đòi hỏi phải có thời gian và sự quyết tâm cao của cả các cơ quan chức năng và người dân. Nhưng nếu làm được điều này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.
Có thể lấy thực tế tình hình trật tự ATGT ở Nhật Bản minh chứng cho điều này. Cách đây khoảng 40 năm, Nhật Bản cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo ATGT như Việt Nam, TNGT thậm chí còn cao hơn nhiều so với Việt Nam hiện nay. Nhưng từ năm 1971, sau khi Nhật Bản thiết lập phương pháp giảng dạy ATGT mới, các trường học đồng loạt tổ chức hệ thống các “Câu lạc bộ ATGT” dành cho cả trẻ em và các bậc cha mẹ. 95% kinh phí hoạt động của câu lạc bộ do Chính phủ tài trợ, còn lại là do một tập đoàn sản xuất ôtô hỗ trợ với tính chất “đền đáp xã hội”.
Các câu lạc bộ này, ngoài cung cấp thông tin, tài liệu về ATGT tới các em nhỏ, bậc cha mẹ còn là cầu nối liên kết cộng đồng. Đồng thời với đó, Nhật Bản áp dụng chương trình “Giáo dục ATGT suốt đời”, tất cả các thành viên trong cộng đồng đều được học và tuyên truyền ATGT từ trong Nhà trường- Gia đình- Xã hội. Và chỉ trong vài năm, ý thức của người tham gia giao thông đã được cải thiện đáng kể và cho tới thời điểm hiện nay, số người chết hàng năm do TNGT ở Nhật Bản giảm xuống chỉ còn ở mức khoảng trên dưới 6.000 người.
Hà Thanh Oai