Theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, từ ngày 1-1-2008, tất cả các loại xe nói trên đều bị cấm hoạt động, nếu vi phạm quy định sẽ bị tịch thu, bán phế liệu, sung công quỹ theo quy định.
Chủ trương của Chính phủ rất đúng đắn, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), phù hợp xu thế phát triển trong thời kỳ CNH, HÐH. Tuy nhiên, để chủ trương này thật sự triển khai hiệu quả đòi hỏi phải có sự hưởng ứng, nỗ lực, vào cuộc của các ngành, các cấp và các lực lượng liên quan.
Thời gian qua, lượng xe công nông phát triển ngày càng nhiều, góp phần đáng kể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt ở khu vực nông thôn và miền núi.
Tuy nhiên, song hành với ưu điểm là những hạn chế, nhược điểm tất yếu phải loại bỏ loại xe này khi tham gia lưu thông. Không bằng lái, nhưng các chủ xe vẫn điều khiển những chiếc xe công nông đầu ngang, đầu dọc, đầu càng tự chế không biển số, như những hung thần chạy loạn khắp các đường thôn, xóm, làm hư hỏng đường sá, gây ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông.
Thậm chí không có đèn, còi nhưng vào đêm khuya, những chiếc xe công nông vẫn chạy vô tư, thản nhiên chạy vào đường cấm. Công nông đã trở thành nỗi khiếp đảm của người dân bởi "ra đường sợ nhất công nông".
Theo thống kê của các cơ quan chức năng năm 2004, cả nước có 119.567 xe công nông (riêng khu vực miền trung và Tây Nguyên chiếm khoảng 30%) nhưng số xe đăng ký chỉ chiếm 46%, số xe đã kiểm định đạt 13%, và số người có giấy phép lái xe chỉ chiếm 11%. Xe công nông thường được sử dụng để vận chuyển nguyên, vật liệu xây dựng, giúp nông dân mùa thu hoạch.
Thực hiện lộ trình chấm dứt lưu hành xe công nông theo Chỉ thị 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2004 các cơ quan chức năng đã rà soát, đình chỉ nhiều cơ sở lắp ráp, tự chế xe công nông trái phép; tổ chức cho các chủ xe công nông cam kết thực hiện theo lộ trình từng thời điểm, phân luồng và địa bàn cho loại xe này hoạt động.
Sau gần ba năm "xiết chặt" quản lý, số đầu xe công nông không đủ tiêu chuẩn lưu hành đã giảm, tình trạng lưu hành trên các quốc lộ, tụ điểm dân cư thành phố, thị xã... cơ bản đã chấm dứt, nhưng vẫn còn phổ biến các xe tự lắp ráp, không đủ tiêu chuẩn an toàn lén lút hoạt động ngày đêm tại các địa bàn nông thôn. Nhất là khi Nghị định 152/NÐ-CP ra đời, chỉ xử phạt, không tịch thu giấy phép lái xe, nên nhiều xe công nông hoạt động trở lại.
Cùng với xe công nông, những chiếc xe ba bánh tự chế đủ nguồn gốc xuất xứ, lắp ráp động cơ cũ nát của các loại xe máy 100 - 125 cm3 đã qua sử dụng, khung xe từ các loại xe máy của nước ngoài không còi, không có đèn xi-nhan, không có giấy kiểm định chất lượng xe cơ giới đường bộ, người lái không bằng lái nhưng vẫn "tự nhiên" chở hàng hóa cồng kềnh, chở người quá tải trên khắp các tuyến đường, gây cản trở, ùn tắc, mất TTATGT, mỹ quan đô thị.
Thực tế cho thấy, không ít người chạy xe công nông, xe ba bánh là lao động chính trong gia đình họ, và chiếc xe là "cần câu cơm". Khi loại xe này bị cấm lưu hành, đời sống một số gia đình gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện Nghị quyết 32/CP và Chỉ thị 46 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều UBND tỉnh, thành phố đã có công văn chỉ đạo UBND các quận, huyện các sở, ban, ngành hữu quan tăng cường phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân tự giác chuyển đổi phương tiện, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để mua xe mới.
Tại các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên, mỗi hộ dân được hỗ trợ 9 triệu đồng để thay thế xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng theo quyết định 973/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại nhiều địa phương khác, ngân hàng đã chủ động phối hợp các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất, kinh doanh ô-tô để cho vay vốn đối với các chủ xe công nông, xe ba bánh tự chế khi họ có nhu cầu thay thế bằng các loại xe ô-tô tải nhỏ.
Hình thức cho vay cũng rất linh hoạt, có thể vay tối đa không quá 70% giá trị của chiếc xe, trả dần trong thời hạn hai, bốn năm tính từ ngày vay bằng cách thế chấp ngay chiếc xe ô-tô vừa mua (với điều kiện đã mua bảo hiểm) hoặc có thể được vay 100% vốn nếu thế chấp bằng tài sản khác như giấy tờ nhà đất.
Tại Bắc Ninh, ngay từ tháng 7-2007, Phòng CSGT công an tỉnh và công an huyện Yên Phong đã tham mưu tổ chức triển lãm xe ô-tô thu hút những chủ xe công nông tới tham quan, dự tọa đàm với ngân hàng và nhà máy sản xuất ô-tô, phát sóng rộng rãi trên đài truyền hình tỉnh để người dân lĩnh hội chủ trương phối hợp cho vay vốn của "ba nhà": nhà nông (người chủ xe công nông) Nhà nước (UBND huyện, ngân hàng) và nhà máy (Nhà máy ô-tô Trường Hải).
Ông Trương Anh Dũng, Giám đốc Ngân hàng NN và PTNT huyện Yên Phong cho biết, đã chuẩn bị đủ nguồn vốn cho vay đối với những khách hàng là chủ xe công nông mua xe ô-tô theo cam kết đã ký với Nhà máy ô-tô Trường Hải, và dự kiến sẽ có khoảng 1/3 số hộ gia đình sử dụng xe công nông tới vay.
Ông Nguyễn Văn Thuật ở thôn Yến Vỹ, xã Hòa Tiến (Yên Phong), trước kia là chủ công nông, đã dùng sổ đỏ thế chấp vay của ngân hàng 80 triệu đồng, cho biết, từ khi mua xe ô-tô tải, nguồn hàng cát sỏi nhiều, xe chạy nhanh và an toàn hơn, quay vòng chở nhiều chuyến vì vậy khả năng có thể trả vốn nhanh.
Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo-việc làm TP Hồ Chí Minh cho biết, đã có kế hoạch để giúp đỡ hơn 1.500 hộ nghèo chạy xe ba, bốn bánh tự chế trong thành phố để được vay vốn kinh doanh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Và ngay cả khi đã có chủ trương vay vốn, nhưng nhiều người dân nghèo cũng đành chấp nhận chuyển nghề khác vì với họ xe công nông, xe ba bánh tự chế đã là tài sản lớn, lại cơ động, phù hợp mọi điều kiện đường sá, chở cồng kềnh, giá thuê chở rẻ, trong khi ô-tô giá thành cao, lại không tiện lợi bằng, nếu vay vốn ngân hàng mà ít người thuê chở, không trả nợ được thì chỉ có nước "sập tiệm".
Tuy nhiên nhiều địa phương đến giờ vẫn chưa có biện pháp hỗ trợ vay vốn, giúp đỡ người điều khiển phương tiện chuyển đổi nghề hoặc hỗ trợ cho người dân học lái xe ô-tô khi chuyển sang sử dụng ô-tô.
Người dân rất lo lắng vì không biết vay vốn ở đâu và không biết sẽ làm gì kiếm kế sinh nhai sau ngày 1-1-2008.
Gặp một số chủ xe công nông trong những ngày qua, họ cho biết, sẽ hưởng ứng, thực hiện nghiêm chủ trương của Nhà nước, không lưu hành loại xe này.
Tuy nhiên, có người cũng băn khoăn mong muốn rằng, với địa bàn miền núi, vùng đặc thù Chính phủ nên cho phép lưu hành loại xe này tại một số tuyến đường trong phạm vi khu vực các nông trường, trang trại theo quy định, bởi các loại xe khác không sử dụng được; nếu không, họ sẽ phải dùng xe cải tiến, xe đạp thồ tốn rất nhiều sức người.
Từ ngày 1-1-2008, công an các địa phương sẽ bố trí CSGT, Cảnh sát trật tự, Công an các quận, huyện, phường, thị trấn tham gia tổng kiểm tra, xử lý xe công nông, xe ba, bốn bánh tự sản xuất, đình chỉ hoạt động của các cơ sở sản xuất, lắp ráp trái phép loại phương tiện nói trên.
Những ngày qua, lực lượng CSGT đã tiến hành rà soát, lên danh sách số hộ sử dụng xe công nông, xe ba bánh tự chế, yêu cầu các chủ xe ký cam kết không lưu hành, đồng thời tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nêu rõ mức xử phạt để nhân dân biết, thực hiện.
Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tây cho biết, qua thống kê sơ bộ toàn tỉnh có 795 xe ba bánh tự chế và 5.227 xe công nông, tập trung nhiều ở các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Hoài Ðức, Phúc Thọ. Trong năm 2007, xử phạt 62 trường hợp xe công nông vi phạm Luật Giao thông đường bộ và đã xảy ra sáu vụ công nông gây TNGT, làm chết sáu người.
Theo kế hoạch, từ 6 giờ sáng 1-1-2008, Phòng sẽ phối hợp công an các huyện, xã tuần tra, kiểm soát tập trung tại địa bàn giáp ranh, địa bàn các huyện ngoại thành, tịch thu các loại xe ba bánh, xe công nông lưu thông trên đường.
Trung tá Nguyễn Viết Quyết, Phó trưởng phòng CSGT Bắc Ninh cho biết, từ năm 1997, tỉnh không đăng ký mới chiếc xe công nông nào vì khi đăng kiểm không xe nào đủ điều kiện. Ngoài tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, còn in tờ rơi, áp phích, tuyên truyền mạnh tới từng hộ gia đình ở thôn, xã. Không chỉ chốt chặn kiểm tra tại các chốt, phòng sẽ tăng cường tuần tra lưu động để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa.
BÍCH NGỌC - Báo Nhân Dân