Người gửi: Ngô Minh Sơn
Nói đến gây ra mất an toàn giao thông hiện nay chúng ta nôI nhiều đến ý thức của người tham gia giao thông, điều đó rất đúng nhưng không thể không nhắc đến những người làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng gây ra mất an toàn giao thông hoặc gây cản trở giao thông.
Tại Hà Nội cách bố trí cắm biển báo, phân luồng giao thông ở một số nơi còn có bất cập gây phức tạp cho người tham gia giao thông và lãng phí cho xã hội.
Thứ nhất có quá nhiều biển báo tại một số đường giao nhau làm cho người tham gia giao thông muốn biết chính xác những nội dung biển báo có lẽ phải dừng xe thì mới có thể biết đầy đủ tất cả những biển báo đó vì ngoài biển báo giao thông bình thường lại có thêm biển giải thích bằng chữ vậy người tham gia giao thông phải đọc, nếu muốn đọc được những biển báo đó ắt phải dừng xe trong phạm vi đường giao nhau vậy vô tình các cơ quan đảm bảo trật tự giao thông đã làm cho người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông “gây mất an toàn giao thông để chấp hành giao thông”. Tại sao không đạt những biển báo bằng chữ trước chỗ đường giao nhau vài chục mét để tiện cho người tham gia giao thông chấp hành.
Thứ hai là có biển báo khác nhau về hình thức nhưng ý nghĩa yêu câu người tham gia giao thông phải chấp hành thì cơ bản giống nhau nhưng được cắm tại một vị trí gây lãng phí không cần thiết, có khi làm cho người tham gia giao thông đặt câu hỏi về trình độ hiểu biết của nhân viên ngành giao thông công chính như thế nào mà cho cắm biển báo như thế (?). Ví dụ tại một ngã ba giao nhau đường một chiều có hai biển báo được lắp trên một chiếc cột, một biển cấm rẽ trái, một biển hướng bắt buộc đi rẽ phải.
Thứ ba là sự thiếu thống nhất trong việc sử dụng biển phụ để thuyết minh cho biển báo chính như có chỗ dùng biển phụ hình minh hoạ, có chỗ dùng chữ để giải thích, chỗ thì biển có nền màu đỏ chỗ thì biển nền màu trắng. Ví dụ có ngã ba cắm biển cấm ô tô rẽ trái phía dưới có biển phụ màu trắng “ 7h-9h, 16h-18h” , nhưng tại một ngã ba khác cấm ô tô và phía dưới có biển phụ màu đỏ viết bằng chữ đầy đủ “ Cấm: Sáng 6h30 - 8h30 Chiều 16h30 – 18h30” quá nhiều chữ phải đọc và không có tính quốc tế vì Hà Nội đâu chỉ có người Việt mà còn có rất nhiều người nước ngoài liệu với cách dùng biển phụ giải thích như vây có hợp lý không, đấy là chưa nói đến cách dùng từ bị thừa, thử hỏi có quốc gia nào trên thế giới từ 6h30 dến 8h30 không phải là buổi sáng và từ 16h30 đến 18h30 không phải là buổi chiều vậy thì hai từ “ sáng, chiều” có cần phải viết ra không.
Thứ tư là phân luồng giao thông một số vị trí chưa hợp lý cũng gây ra lãng phí mà có khi lại gây ùn tắc nới khác. Ví dụ như cấm ô tô trên phố Văn Miếu đọan từ ngã ba Văn Miếu Nguyễn Khuyến đến ngã tư Nguyễn Thái Học, Văn Miếu, Cao Bá Quát làm cho ô tô từ ga Trần Quý Cáp hoặc từ Nguyễn Khuyến muốn đi ra Nguyễn Thái Học phải tập trung đi theo hướng Quốc Tử Giám rẽ phải Tôn Đức Thắng gây ra lượng ô tô tập trung đông đúc trên tuyến phố này làm chậm tốc độ lưu thông đôi khi gây ra un ứ cục bộ. Nếu có thể cho ô tô đi từ ngã ba Nguyễn Khuyến đến Nguyễn Thái Học và bắt buộc rẽ phải theo đường Nguyễn Thái Học thì chắc cũng không gây xung đột trên tuyến Nguyễn Thái Học và giảm được lượng ô tô tập trung trên tuyến Quốc Tử Giám và Tôn Đức Thắng.
Liên quan đến Lực lượng quản lý giám sát trật tự an toàn giao thông ( Công an, Thanh tra giao thông): Lực lượng này cũng vi phạm Luật giao thông đường bộ tương đối thường xuyên với những lỗi rất cơ bản là hầu hết trong khi làm nhiệm vụ điều khiển ô tô không thắt dây an toàn như luật qui định. Có một số xe tải của Cảnh sát trật tự sử dụng để chở người trên thùng xe khi làm nhiệm vụ rất tùy tiện bằng những chiếc ghế nhựa hoặc ghế gấp Xuân Hoà không được lắp ráp gắn kết với xe rất mất an toàn.
Trên đây là những vấn đề liên quan đến giao thông đô thị tại Hà Nội rất mong các cơ quan chức năng sớm cho sửa đổi khoa học hơn làm cho giao thông thuận tiện và để người tham gia giao thông chấp hành tốt hơn, vì đây là những việc không quá khó và cũng không đòi hỏi nhiều đến tài chính. Vì muốn người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành giao thông thì những người làm công tác đảm bảo an toàn giao thông hãy gương mẫu làm trước đồng thời thể hiện tính chuyên nghiệp trình độ hiểu biết và chấp hành luật giao thông của mình trước nhân dân.