HÀ NỘI CẦN XEM XÉT LẠI VIỆC XÂY DỰNG CẦU BỘ HÀNH.
Tiền thì ít, việc thì nhiều, người cầm tiền phải biết món tiền đó dùng vào việc gì cho hiệu quả. Xây dựng cầu bộ hành là cần thiết, nhưng cũng có những việc cần thiết hơn mà chưa được quan tâm đúng mức. Cần phải xem xét lại hiệu quả của việc đầu tư xây dựng cầu bộ hành ở Hà Nội.
Vài nét về cầu bộ hành.
Vấn đề cầu bộ hành được xây dựng tại Hà Nội được đưa ra từ năm 2001. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, giải pháp này đã bị gạt ra. Chỉ đến khi hai vị giáo sư nổi tiếng bị tai nạn khi sang đường, vấn đề này mới được xem xét trở lại và nhanh chóng trở thành quyết sách.
Hai phương án cơ bản là cầu dàn thép khẩu độ 24m, mỗi cầu có 2 nhịp, gồm tổng cộng 48m, trụ giữa của cầu sẽ được đặt tại giải phân cách hiện có của đường, mỗi bên sẽ có 1 hoặc 2 nhánh cầu tháng lên và xuống riêng. Các cầu này có thể dạng có dạng thẳng hoặc xoắn, tuỳ theo không gian và vỉa hè nơi xây cầu.
Về kết cấu, chỉ mố của cầu bộ hành là được thi công tại chỗ, còn các phần khác như: trụ, dầm, sàn, lan can, cầu thang đều được chế tạo sẵn (sử dụng kết cấu dàn thép, được chế tạo từng nguyên đơn) chứ không phải xây cầu bê-tông như cầu vượt dành cho xe ô tô cơ giới.
Đối với dạng cầu bộ hành có cầu thang 2 đầu thẳng, mỗi đầu 2 nhánh lên xuống - dự kiến cần 59.172 kg thép các loại; 116m3 bê-tông các loại và phải đào, vận chuyển khoảng 300m3 đất. Tổng chi phí ước tính là 3.591.019.000 đồng. Nếu cầu bộ hành mỗi đầu chỉ có một cầu thang lên xuống thì chi phí ước tính là 3.041.000.000 đồng.
Xây dựng ở đâu?
Theo đề xuất của Sở Giao thông công chính Hà Nội, cầu bộ hành sẽ được xây dựng thí điểm tại 5 vị trí: Đường Nguyễn Chí Thanh (khu vực trước Đại học Luật Hà Nội), đường Giải Phóng (khu vực ngoài Bệnh viện Bạch Mai), đường Đại Cồ Việt (khu vực ngoài trường Đại học Bách Khoa) và đường Nguyễn Văn Cừ (gần nút giao cắt Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn). Các vị trí khác tiếp tục được nghiên cứu.
Lý giải cho việc lựa chọn các vị trí này, cơ quan tham mưu cho rằng: Đây đều là những khu vực đông đúc, giao thông hỗn loạn với lưu lượng xe cao, chiều rộng đường giao thông lớn nên người đi bộ băng qua rất nguy hiểm và trên thực tế đã xảy ra khá nhiều tai nạn. Rõ ràng, các cơ quan tham mưu đã không có một thống kê chính thức về lưu lượng xe tại các vị trí này, đồng thời cũng không có thống kê chính thức về số vụ tai nạn giữa người đi bộ và các phương tiện giao thông khác. Những căn cứ này mang nhiều yếu tố cảm tính hơn là cơ sở khoa học nên thiếu tính thuyết phục.
Ở một góc độ khác, việc xây dựng cầu bộ hành không thể triển khai đồng loạt tại các con đường của thủ đô. Ngoài đường trục đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến đã được xây dựng đường hầm dành cho người đi bộ, chỉ còn một số ít các tuyến đường khác có thể xây dựng cầu bộ hành gồm: Đường Giải Phóng, đường Đại Cồ Việt, đường Nguyễn Văn Cừ, các trục đường Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Cầu Giấy – Xuân Thuỷ, Hoàng Quốc Việt. Bởi vậy, việc xây dựng cầu bộ hành không phải là giải pháp cơ bản để giảm thiểu tai nạn giao thông ở nội thành Hà Nội.
Có thực sự an toàn?
Với việc cầu bộ hành được xây dựng theo phương thức chế tạo sẵn, các bộ phận được lắp ráp với nhau bằng bulông, kết cấu cầu sẽ không được vững chắc. Đặc biệt, ở nước ta có hiện tượng kẻ xấu thường xuyên vặn bulông trên các cầu, trên tàvẹt đường tàu hoả, trên đèn tín hiệu, lấy lắp hố ga,... để bán đồng nát, thì cơ quan quản lý có kiểm soát được độ hư hại của các cây cầu? Ở Hà Nội, cũng đã có không ít trường hợp xe ô tô mất lái lao vào nhà dân, vào quán nước ven đường làm sập nhà, chết người. Trong trường hợp tương tự, với giả thiết ô tô lao vào chân cầu bộ hành, thì liệu những người khách bộ hành trên cầu liệu có bình an vô sự?
Một tình huống khác, với hiện trạng thiếu sân chơi cho giới trẻ hiện nay, thì việc một đôi nam thanh nữ tú lên cầu tâm sự, hoặc các em nhỏ lên cầu thả diều, nô đùa khi cầu xây xong sẽ là hiện thực. Phải chăng yếu tố an toàn của những đối tượng này không cần tính đến?
Vấn đề hiệu quả đầu tư?
Chúng ta đã có nhiều bài học về hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực giao thông. Dọc tuyến Quốc lộ 5, hàng chục cầu bộ hành được xây dựng nhưng không có người đi gây lãng phí nhiều tỷ đồng. Dự án nâng cao năng lực giao thông Hà Nội giai đoạn 1 tiến hành lắp đặt hàng loạt đèn tiến hiệu giao thông tại các nút giao cắt trên đường Nguyễn Trãi nhưng chỉ có đèn tín hiệu tại một vài nút hoạt động cầm chừng, các nút khác không hoạt động, thậm chí bị tháo mất đèn, bulông mà không cơ quan nào kiểm tra sửa chữa,... Bởi vậy, cần tính toán việc đầu tư sao cho hiệu quả nhất.
Với 5 cầu bộ hành được xây dựng, chi phí ước tính cho mỗi cầu là 3.500.000.000 đồng. Như vậy, tổng cộng dự án xây dựng thí điểm cầu bộ hành sẽ tiêu tốn khoảng 17.500.000.000 đồng. Chúng ta có thể làm được những gì với số tiền đó?
Với giá mua 35.000 đồng/cuốn, số tiền trên chúng ta có thể mua 500.000 cuốn sách Luật giao thông đường bộ phát cho người dân; 2.000 đồng/tờ, sẽ có 8.750.000 tờ rơi về trật tự an toàn giao thông đường bộ; 175.000.000 đồng/xe, sẽ có 100 xe mô tô đặc chủng; 350.000.000 đồng/xe, sẽ có 50 xe ô tô tuần tra cho lực lượng công an khi làm nhiệm vụ.
Theo chúng tôi, Hà Nội nên tạm dừng dự án xây dựng cầu bộ hành để đầu tư phương tiện làm nhiệm vụ cho lực lượng cảnh sát đang hàng ngày, hàng giờ lăn lộn trên các tuyến đường. Về phương tiện đi lại, ngoài hai mươi chiếc xe do hãng Honda tặng, một số ít xe đặc chủng, đa số cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông Hà Nội vẫn phải đi lại và làm việc bằng những chiếc xe riêng. Những xe này không có đủ các trang thiết bị và công cụ, dụng cụ hỗ trợ cần thiết của một người cảnh sát giao thông như: bông, băng, thuốc, nước,.. dùng cho việc sơ cứu khi gặp tai nạn trên đường.
Nhìn rộng hơn, gần như 100% công an các phường, cảnh sát trật tự các quận và lực lượng phản ứng nhanh 113 đều di chuyển trên xe ô tô tải nhỏ. Bản thân việc sử dụng xe không đúng công dụng như trên là vi phạm Luật giao thông, còn số phận những chiến sĩ công an, những người dân phòng lửng lơ trên những thùng xe không bảo hiểm.
Mọi giải pháp cho bài toán giao thông Hà Nội không thể bỏ qua yếu tố con người, mà trước hết là những người đang ngày đêm đảm bảo sự bình yên cho mỗi tuyến đường. Một sự quan tâm đúng mức sẽ giúp các chiến sĩ công an yêu nghề hơn, có trách nhiệm với nghề hơn và góp phần không nhỏ cho việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người dân trong toàn xã hội.
Người gửi: Bùi Văn Kiên, Hà Nội.
Điện thoại: 0986 900 099
Email: bvkien2001@yahoo.com