Hiến kế giảm thiểu TNGT - Nguyễn Tương

Thứ hai, 15/01/2007 00:00 GMT+7
Giảm thiểu TNGT và chống ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mọi người tham gia giao thông và quản lý giao thông. Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta đang áp dụng nhiều biện pháp, trong đó theo tôi vào lúc này thì biện pháp quan trọng nhất là giáo dục...

  Người gửi: Nguyễn Tương.

  Vụ hợp tác quốc tế.Bộ giao thông vận tải

        Giảm thiểu TNGT và chống ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mọi người tham gia giao thông và quản lý giao thông. Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta đang áp dụng nhiều biện pháp, trong đó theo tôi vào lúc này thì biện pháp quan trọng nhất là giáo dục và nâng cao trách nhiệm của người tham gia giao thông và những người quản lý giao thông có liên quan. Tôi xin nêu 3 biện pháp cụ thể:

            1- “Hãy nhường đường”: Một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường bộ và ách tắc giao thông đường bộ hiện nay ở nước ta là tình trạng không ai chịu nhường đường cho người tham gia giao thông khác. Ai cũng cố hơn người khác dù là nửa bánh xe, đi lấn phần đường của hướng giao thông ngược chiều, đi lên vỉa hè rồi xông thẳng xuông đường khi đến nút giao thông… Ở các nước phát triển quanh ta, tại các điểm nhập dòng, các đảo giao thông và đường rẽ, họ đều đặt biển báo “Hãy nhường đường” (Give Way). Khi ô tô, xe máy đi qua đây lái xe đều quan sát và sẵn sàng nhường cho người và phương tiện tham gia giao thông khác, nhất là chiều bên phải. Các lái xe có thói quen là nhường đường cho người đi bộ tại các nơi có làn dành cho người đi bộ qua đường. Ở ta thì hiếm có. Nếu người tham gia giao thông nào của ta cũng có ý thức nhường đường thì không đến nỗi chen lấn, gây ách tắc giao thông và tai nạn giao thông.

            Tôn trọng người tham gia giao thông khác là tôn trọng mình, là góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ách tắc giao thông. Chúng ta nên phát động phong trào “Hãy nhường đường khi tham gia giao thông”.

            2- “Hãy đi bộ trong vòng 500 mét”: Hiện nay, nhiều người cứ ra đường là lên xe máy, dù xa dù gần, rất ngại đi bộ. Điều này tạo nên mật độ giao thông xe cơ giới tăng cao, gây ách tắc giao thông và thậm chí là tai nạn giao thông vì khoảng 75% tai nạn giao thông đường bộ là do người đi xe máy gây ra. Ở các nước, trong khoảng một cây số người ta thường đi bộ. Tại sao chúng ta không tạo nên thói quen đi bộ trong vòng 500 mét đến 1.000 mét. Các bến xe buýt cũng thường cách nhau khoảng 500 mét. Đi bộ vừa giảm phương tiện tham gia giao thông, qua đó giảm khả năng ách tắc giao thông và tai nạn giao thông vừa là một cách tập thể dục, nâng cao sức khỏe.

            Chúng ta nên mở cuộc vận động “Hãy đi bộ trong vòng 500 mét” để góp phần giảm ách tắc và tai nạn giao thông.

            3- “Làm tốt công tác cưỡng chế thi hành luật giao thông”: Cưỡng chế thi hành luật giao thông là một biện pháp nhằm giáo dục người tham gia giao thông hiểu và chấp hành đầy đủ luật và các quy tắc giao thông đã được đề ra và bắt buộc phải thực hiện nghiêm chỉnh. Cưỡng chế thi hành luật giao thông trên đường không phải là vì để lấy “thành tích”, để báo cáo và càng không phải là “hoàn thành chỉ tiêu” sau mỗi ca trực. Nếu việc cưỡng chế thi hành luật không đạt được mục đích giao dục để lần sau người tham gia giao thông không vi phạm nữa mà lại gây ức thế cho người tham gia giao thông thì đã gián tiếp góp phần vào việc gây tai nạn giao thông. Vấn đề này dư luận và báo chí đã nêu nhiều trường hợp, nhiều bài học.

Người quản lý giao thông trên đường phải đồng cảm với người tham gia giao thông để cùng nhau chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, góp phần vào việc nâng cao an toàn giao thông.

 

 

                                                              

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)