Các giải pháp về ATGT - Nguyễn Văn Khanh

Thứ sáu, 29/12/2006 00:00 GMT+7
Tôi là một người dân sống tại TP. Hồ Chí Minh xin mạn phép đưa ra một số ý kiến để giải quyết vấn nạn giao thông hiện nay tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội nói riêng như sau...

Người gửi: Nguyễn Văn Khanh
E-mail:
lskhanh@vnn.vn
Ngày gửi: Thứ sáu, 29/12/2006
 Tôi là một người dân sống tại TP. Hồ Chí Minh xin mạn phép đưa ra một số ý kiến để giải quyết vấn nạn giao thông hiện nay tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội nói riêng như sau:

1. Nội thành thành phố:

  • Chuyển các đường hẹp thành đường một chiều (giống như một số nước ở Đông Nam Á đã làm và thành công);
  • Thành lập ban nghiên cứu về hệ thống xe bus công cộng, phân bổ hợp lý các tuyến đường cho xe bus (Ví dụ: Tuyến đường nhỏ, hẹp thì sắp xếp loại xe bus khổ nhỏ, tuyến đường lớn thì cho xe bus khổ lớn, tuyến đường đông hành khách thì bố trí loại xe bus 02 tầng, ...). Hiện nay tôi biết Nhà nước vẫn đang làm nhưng chưa hợp lý, hiệu quả và rất manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu chiều sâu;
  • Giảm lượng xe gắn máy đăng ký mới bằng cách tăng gấp vài lần chi phí đăng bộ cho xe gắn máy đăng ký lần đầu, ai chịu được chi phí tăng thêm đó thì mới mua xe (ngân sách Nhà nước sẽ có lợi thêm vì tăng thu). Tăng chi phí đăng ký xe mới chứ không cấm vì cấm là trái luật.
  • Lắp đặt hệ thống mắt thần ở khắp các nơi để kiểm tra an toàn giao thông, phát hiện vi phạm về giao thông (giống Singapore) vì ý thức tự giác của người điều khiển phương tiện giao thông ở Việt Nam hiện nay rất rất kém, đồng thời thông báo việc này trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết.
  • Tăng mức hình phạt tiền gấp 2, 3 lần cho mọi vi phạm các quy định về luật lệ giao thông (Đừng sợ sẽ phát sinh tiêu cực vì tiêu cực vốn cũng đã tràn lan rồi). Điều này giúp người dân ngại vi phạm luật giao thông hơn vì sẽ ảnh hưởng đến hầu bao của mình, mà nếu có tiêu cực giữa người thi hành công vụ và người vi phạm thì người vi phạm vẫn phải e dè vì lúc đó "tiêu cực phí" cũng bị lên giá. 
  • Bảo trì, duy tu kịp thời các đường, vỉa hè hư hỏng. Thiết lập một ban thuộc Sở Giao thông Công chánh chuyên giải quyết tức thời các vấn đề liên quan đến an toàn về đường sá, có số điện thoại nóng và có người trực 24/24 để điều phối, giải quyết toàn bộ các vấn đề liên quan (Ví dụ: Có 1 xe chở cát, đá làm đổ xuống đường, người dân báo, ban này sẽ điều phối để xử lý ngay).
  • Đưa giáo dục luật lệ về giao thông vào các trường học từ cấp I.
  • Tăng tốc các dự án làm metro. Đây là phương án tối ưu giải quyết toàn bộ các khó khăn về giao thông nội thị hiện nay.

 2. Ngoại thành và các đường liên tỉnh:

  • Lắp đặt hệ thống mắt thần ở các điểm giao thông trọng yếu để kiểm tra tốc độ, an toàn giao thông, phát hiện vi phạm về giao thông (giống Singapore).
  • Làm con lươn phân chia giữa 02 hướng xe chạy.
  • Tăng cường làm cầu vượt cho toàn bộ các điểm giao nhau trên tuyến đường quốc lộ chính như Nhà nước hiện đang làm. Chi phí cho việc này rất lớn nhưng hiệu quả rất cao.
  • Kiểm tra tính hợp lý giữa các biển báo hạn chế tốc độ lưu thông trên các tuyến quốc lộ.
  • Xử phạt nghiêm khắc các vi phạm an toàn giao thông như chạy quá tốc độ, xe chở quá khổ, quá trọng tải quy định, xe đã quá hạn kiểm định, tài xế không bằng lái hoặc bằng lái không đúng hạng xe, xe phóng nhanh vượt ẩu, xe không tuân thủ các tín hiệu giao thông, ... 
  • Tăng cường việc kiểm định xe.
  • Tăng cường quản lý việc cấp bằng lái xe và các cơ sở dạy lái xe.
  • Luân chuyển cán bộ Cảnh sát giao thông thường xuyên để tránh nhũng nhiễu, tiêu cực, ...

Tôi thiết nghĩ ngoài các biện pháp đề nghị bên trên, an toàn giao thông còn tùy thuộc vào các yếu tố sau đây:

  • Ý thức người tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay quá kém và khó có thể thay đổi một sớm một chiều bằng các biện pháp giáo dục thông thường được. Điều này vẫn tồn tại là do điều kiện kinh tế của đa số người dân còn khó khăn, nhưng còn thể hiện về trình độ dân trí lạc hậu, kém văn minh (Ví dụ: Có những đứa con ngồi cùng xe với cha mẹ cứ hỏi sao cha chúng lại vượt đèn đỏ, khác với những gì thầy cô dạy ở trường thì người cha vẫn tỉnh bơ, cứng họng nhưng vẫn vượt đèn đỏ khi thấy thuận lợi. Như vậy đứa trẻ sau này sẽ có ý thức như thế nào về an toàn giao thông???).
  • Nhà nước chưa có một kế hoạch vĩ mô cho toàn bộ hệ thống giao thông cả nước. Những phương án về cải thiện tình hình giao thông cho đến nay vẫn còn manh mún, nhất thời và mỗi nơi một kiểu. Thiết nghĩ mỗi địa phương phải thành lập một bộ phận có tâm huyết, có trình độ chuyên nghiên cứu về tổng thể mạng giao thông địa bàn mình phụ trách, đề ra những phương án tối ưu và có cái nhìn cho 10, 20, thậm chí 50 năm sau chứ đừng nhìn trước mắt (Ở Thái Lan, nhà Vua Thái đã đưa ra ý tưởng về hệ thống cầu vượt phức tạp, chằng chịt nhất ở Thái Lan và các nhà hoạch định, kiến trúc và xây dựng đã biến ý tưởng đó thành hiện thực và hệ thống cầu vượt đó là niềm tự hào của người Thái).
  • Sau khi có một hoạch định tổng thể, Nhà nước sẽ dồn sức đầu tư vào những công trình trọng điểm (như hệ thống metro, cầu vượt, ...) có chất lượng thật tốt, có tiếng tăm và làm cuốn chiếu chứ không dàn trải như hiện nay. Việc mở rộng đường chỉ là biện pháp tạm thời, các biện pháp khác như làm sky-train, đường hầm xuyên núi, ... cần phải quan tâm nhiều hơn. Các quốc gia Đông Nam Á có những công trình thật đáng nể và để chúng ta học hỏi.
  • Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là nạn tham nhũng trong xây dựng cơ bản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của các công trình xây dựng phục vụ công cộng. Khi nào dẹp được tiêu cực trong ngành xây dựng thì may ra Việt Nam mới có những công trình đích thực phục vụ tốt cho cộng đồng. Ngoài ra, còn có nạn nhũng nhiễu trong ngành cảnh sát, Cơ quan quản lý giao thông, Cơ quan kiểm định chất lượng xe, Cơ quan quản lý việc dạy và cấp bằng lái xe thì khó giải quyết tận gốc rễ vấn nạn về giao thông hiện nay.

NGUYỄN VĂN KHANH

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)