Nhiều bất cập trong bảo đảm an toàn giao thông đường sắt

Thứ ba, 29/09/2015 09:52 GMT+7

Chín tháng qua, tình hình an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội có những chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ năm 2014, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, riêng số vụ tai nạn giao thông đường sắt lại gia tăng. Thực trạng cho thấy, công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt còn nhiều khó khăn, bất cập.

Mặc dù được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngành chức năng của thành phố tăng cường các giải pháp giảm thiểu rủi ro, nhưng tai nạn giao thông đường sắt vẫn gia tăng đáng kể. Từ cuối năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 31 vụ va chạm giữa tàu hỏa với người đi bộ và các phương tiện khác, làm 24 người chết, 13 người bị thương (so với cùng kỳ năm ngoái tăng chín vụ, tăng ba người chết và chín người bị thương). Điều đó cho thấy, an toàn đường sắt trên địa bàn thành phố cần được quan tâm hơn nữa, có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 160 km đường sắt, gồm năm tuyến hướng tâm và một tuyến vành đai phía tây (đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Bắc Hồng - Văn Điển, Yên Viên - Lào Cai, Đông Anh - Quán Triều, Gia Lâm - Hải Phòng và Hà Nội - Đồng Đăng). Các tuyến đường sắt đều chưa có hành lang riêng, hầu hết là giao cắt đồng mức với các tuyến đường bộ; các chỉ tiêu kỹ thuật như bán kính đường cong bằng, độ dốc, tải trọng cầu… đạt thấp. Nhất là tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chạy dọc và sát với quốc lộ 1A, tạo độ dốc giữa quốc lộ này với đường sắt rất lớn; nhiều vị trí độ dốc lên tới 40 đến 50%. Trong khi đó, hệ thống thông tin tín hiệu, cảnh báo còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông khi đi qua đường sắt của người dân còn thấp, khiến tình hình giao thông đường sắt trên địa bàn hết sức phức tạp.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, để giảm tai nạn giao thông đường sắt, vấn đề cần tập trung hiện nay là kiểm soát được mức độ an toàn của hệ thống đường ngang. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 584 vị trí đường bộ cắt ngang đường sắt. Trong đó, 181 vị trí là đường ngang hợp pháp; còn lại 403 vị trí là đường tự phát. Trong số các đường ngang hợp pháp nói trên, 78 vị trí có người gác, rào chắn hoặc cần chắn với hệ thống biển báo, chuông báo, đèn tín hiệu; 69 vị trí có cảnh báo tự động; 34 vị trí chỉ bố trí biển báo.

Nhiều hộ dân sinh sống hai bên đường tàu từ ga Giáp Bát đến ga Hà Nội thường biến khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt thành nơi sản xuất, sinh hoạt.

Nhiều hộ dân sinh sống hai bên đường tàu từ ga Giáp Bát đến ga Hà Nội thường biến
khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt thành nơi sản xuất, sinh hoạt

Trong thực tế, chỉ những điểm có người gác, rào chắn là bảo đảm an toàn. Còn lại các điểm cảnh báo tự động và nhất là các điểm chỉ có biển báo, nguy cơ tai nạn tiềm ẩn lớn, do nhiều người dân còn chủ quan khi điều khiển phương tiện đi qua đường sắt. Đáng lo ngại hơn cả là hơn 400 vị trí đường ngang dân sinh chưa hề được kiểm soát. Người dân tự ý mở lối đi và vô tư đi lại hằng ngày qua đây, trong khi chưa hề có biện pháp bảo đảm an toàn. Không biển báo, không đèn tín hiệu, thậm chí không đủ ánh sáng để quan sát vào buổi tối, mà lối đi có độ dốc cao, trắc trở thì tai nạn xảy ra là điều tất yếu.

Để tăng cường bảo đảm an toàn, Công an TP Hà Nội, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan trong những năm qua cũng đã triển khai nhiều giải pháp như: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới người dân; tập huấn cho lái xe ta-xi; rà soát hiện trạng đường ngang dân sinh để có biện pháp quản lý, xây dựng hệ thống đường gom nhằm giảm số lượng đường ngang trái phép, cắm mốc giới ngăn chặn hoạt động lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt… Qua hoạt động rà soát, ngành chức năng đã chọn 17 vị trí đường ngang có mật độ giao thông cao, tiềm ẩn nhiều tai nạn để bố trí người trực cảnh giới chủ yếu trong khoảng thời gian từ 5 giờ sáng đến 22 giờ đêm, một số trạm trực 24/24 giờ. Tại một số vị trí giao cắt, tiến hành mở rộng mặt cắt ngang đường giảm độ dốc, giúp phương tiện đi lại an toàn. Gần 190 vị trí đường ngang dân sinh xét thấy cần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, sở thiết lập biển báo, biển chỉ dẫn, thậm chí tổ chức chốt gác. Đã tiến hành rào chắn, xóa bỏ 169 vị trí. Tháo dỡ, giải tỏa hàng nghìn lều lán, mái che và các hoạt động ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông đường sắt. Xử lý, phạt hành chính hơn 7.200 trường hợp vi phạm quy định giao thông đường sắt…

Ngành chức năng tuy đã có những nỗ lực, nhưng hiệu quả đạt được chưa cao, do diễn biến thực tế còn rất phức tạp. Trong khi vẫn chưa kiểm soát được hết các đường ngang hiện có, thì việc tự ý mở lối đi ngang qua đường sắt còn phát sinh tại một số nơi mà chính quyền địa phương chưa sâu sát, quyết liệt ngăn chặn. Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, mất cắp vật tư, thiết bị, phá hàng rào hộ lan đường sắt vẫn tái diễn. Ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao, mà chế tài xử phạt cũng như các biện pháp cưỡng bức bảo đảm an toàn giao thông còn thiếu. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các công ty quản lý đường sắt với ngành chức năng và chính quyền địa phương ở một số xã, phường, thị trấn chưa tốt, còn mang tính hình thức, vì vậy còn nhiều việc cần triển khai cấp bách nhưng chưa được thực hiện.

Tốc độ phát triển đô thị trên địa bàn thành phố rất mạnh, kéo theo sự gia tăng về dân số và mật độ phương tiện tham gia giao thông. Hệ thống đường bộ cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp mạnh trong thời gian qua cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Những yếu tố ấy đòi hỏi phải có sự khảo sát thường xuyên của ngành đường sắt nhằm tổ chức hệ thống đường ngang cho phù hợp. Những khu vực có mật độ phương tiện cao, cần khẩn trương tiến hành nâng cấp thành đường ngang có người gác hoặc hệ thống đóng chắn tự động. Nhiều đường ngang cần sửa chữa cho phù hợp với hiện trạng mới tại khu vực (do đường bộ cắt ngang được nâng cấp sửa chữa). Mặt khác, cần cắm mốc xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt. Điều chỉnh giờ chạy tàu nhằm tránh giờ cao điểm để giảm ùn tắc. Những công việc này cần được thúc đẩy triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội.

Nguồn: Báo Nhân dân

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)