Sau giờ tan học buổi sáng, tại Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, thị xã Điện Bàn, hàng chục HS ra các điểm giữ xe trước trường lấy mô tô, xe gắn máy về nhà. Nhiều em không đội mũ bảo hiểm, còn có trường hợp các em chở quá số người quy định. Không chỉ vậy, đi được một đoạn, các em lại dàn xe thành hàng ngang 4 - 6 chiếc, có cả xe máy lẫn xe đạp, xe đạp điện, vừa đi vừa nói cười ra rả.
Đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm.
Thầy giáo Phạm Tấn Sáu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, xác nhận tình trạng HS nhà trường đi xe gắn máy đến trường, không đảm bảo ATGT xảy ra khá phổ biến, mặc dù nhà trường đã vận động phụ huynh HS không đưa xe gắn máy cho con đến trường; đồng thời các buổi nói chuyện dưới cờ, lãnh đạo nhà trường cũng đã tuyên truyền cho HS biết được những quy định về ATGT đường bộ. Theo thầy Sáu, nhà xe của trường có thực hiện trông giữ xe cho HS, song chỉ giữ xe đạp, xe đạp điện; các em HS đi mô tô, xe gắn máy thì không vào gửi ở trường mà gửi các điểm giữ xe phía ngoài nhà trường nên việc quản lý rất khó khăn. Thầy Sáu chia sẻ, để đảm bảo xe HS không bị mất trộm, nhà trường cho gắn các biển số trên mỗi xe của HS, tương tự như chứng minh nhân dân, chỉ cần nhìn vào biển số này thì có thể biết được xe của HS nào, học lớp mấy. Nhờ làm tốt việc này mà nhiều năm trở lại đây không có tình trạng mất cắp xe trong nhà trường. Bên cạnh đó, giá giữ xe trong trường cũng rẻ hơn rất nhiều so với các điểm giữ xe ở ngoài, chỉ 80.000 đồng/xe/năm. Trong khi các điểm giữ xe phía ngoài trường thì thu 1.000 đồng/lần gửi. HS gửi xe ngoài trường không chỉ vì sợ nhà trường khiển trách khi sử dụng xe gắn máy đến trường mà còn để dễ trong việc… “chuồn” tiết học. Hiện Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu có tổng cộng 44 lớp học với tổng số 1.930 HS, trong đó có 12 lớp 12, 15 lớp 11, 17 lớp 10. Trường này được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2014.
Ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biế, phía Sở cũng thường xuyên chỉ đạo các trường THPT tổ chức tuyên truyền cho HS về Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, các trường còn phối hợp với công an các huyện để cùng quản lý HS trong việc sử dụng xe gắn máy, mô tô không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận việc xử lý chưa triệt để, với lý do ý thức của gia đình, của phụ huynh HS trong việc này chưa được đầy đủ.
Đồng quan điểm với ông Thành, Thượng tá Phan Thanh Hồng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Nam, cho rằng bên cạnh sự vào cuộc của nhà trường, các lực lượng chức năng thì ý thức của phụ huynh HS rất quan trọng trong việc quản lý các em HS đến trường bằng xe gắn máy, mô tô vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Cũng theo Thượng tá Hồng, đặc biệt trong các giờ học không chính khóa, tình trạng HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến. Lực lượng CSGT cũng thường xuyên ra quân xử lý các trường hợp HS vi phạm khi tham gia giao thông và cũng có thông báo về các trường để cùng phối hợp giáo dục các em. Việc xử lý HS vi phạm Luật Giao thông có sự kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục và xử lý, trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền làm đầu.
Trong quá trình công an các địa phương thực hiện quản lý HS đi xe gắn máy, mô tô đến trường, nhiều đơn vị đã có những việc làm hay, mang lại hiệu quả cao. Trong đó phải kể đến Công an huyện Duy Xuyên đã triển khai ký cam kết với phụ huynh HS không được giao xe gắn máy để các em sử dụng. Bên cạnh đó, đơn vị này còn tổ chức các hội thi về “ATGT 365 ngày” cho HS. Ngoài ra, công an các huyện còn thường xuyên cử cán bộ đến tận trường học cung cấp thông tin tài liệu, hình ảnh về ATGT cho HS trong các chương trình ngoại khóa. “Để việc quản lý HS sử dụng xe gắn máy, mô tô khi tham gia giao thông cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an, nhà trường, HS và phụ huynh HS. Có làm tốt công tác phối hợp này thì mới giảm thiểu được những vi phạm của các em khi tham gia giao thông” - Thượng tá Hồng nhấn mạnh.